QĐND - Đã 60 năm trôi qua kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đã có rất nhiều cuốn sách, bài báo của các tướng lĩnh, chính khách, các học giả và nhà báo nước ngoài viết về chiến dịch lịch sử này. Trong đó đáng chú ý là những phân tích, mổ xẻ về nguyên nhân thất bại của quân đội Pháp và những đánh giá khách quan về chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam...

Tại thời điểm chuẩn bị diễn ra chiến dịch, nước Pháp mệt mỏi về những biến động chính trị, xã hội, bị sa lầy ở Đông Dương, muốn rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Báo chí Pháp, kể cả báo chí phái hữu, đều kịch liệt phản đối chính sách theo đuổi chiến tranh mù quáng của Chính phủ Pháp và vạch ra tác hại của nó. Tại các phiên họp của Quốc hội và Chính phủ, trong không khí nặng nề, Thủ tướng La-ni-en (Lanien) cố gắng tỏ ra lạc quan khi thông báo tình hình tại Đông Dương, nhưng vẫn không thể che giấu được bầu không khí nặng nề, căng thẳng. Các nghị sĩ chất vấn Thủ tướng La-ni-en về vấn đề Đông Dương và tỏ ra lo lắng, thất vọng. Còn Bộ trưởng chiến tranh Pháp đã nghiêm túc cảnh báo khả năng về quân số, tài chính, trang bị của quân Pháp tại Điện Biên Phủ mà không chút lạc quan nào.

Thực tế là như vậy, nhưng giới cầm quyền Pháp ở Pa-ri lại đặt hy vọng vào kế hoạch của Na-va và muốn tìm ra một thắng lợi quân sự khả dĩ để tạo lợi thế trên bàn đàm phán. Mặt khác, giới lãnh đạo ở Pa-ri và các cấp chỉ huy Pháp ở Đông Dương hy vọng, qua việc đánh thắng ở Điện Biên Phủ, sẽ phá vỡ kế hoạch giành chiến thắng quyết định của Việt Minh, ngăn chặn được tác động sâu sắc của thắng lợi đó đến dư luận Pháp và thế giới.

Vậy nên, các nhà chiến lược Pháp đã coi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm. Từ Thủ tướng La-ni-en, Tổng Tham mưu trưởng quân đội-tướng E-li (Eli), cho đến Đại tướng Na-va - Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đều thống nhất rằng: “Phòng giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào”. Sự thực, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn phòng ngự mạnh nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ. Tổng số binh lực địch tập trung lúc cao nhất lên đến 16.200 tên, bố trí trong 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu: Bắc, Nam và trung tâm, là “một cứ điểm khồng lồ không thể công phá”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại như lời rêu rao của Pháp.

Tin tưởng vào sức mạnh của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp và các nhà quân sự phương Tây đều cho rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam không có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ. Trước hết, vì Quân đội nhân dân Việt Nam không có những phương tiện tiến công tương ứng, như không có không quân để yểm trợ trên không, để oanh tạc sân bay, để vận chuyển lương thực, đạn dược từ hậu phương xa đến chiến trường. Đồng thời, không có cả xe bọc thép làm lực lượng đột kích chủ yếu khi công phá các cứ điểm, các cụm cứ điểm để dẫn bộ binh đánh chiếm lần lượt các cứ điểm và đánh lực lượng đối phương phản kích. Ông Pôn Rây-nô - Phó chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề Đông Dương đã không ngần ngại hỏi tướng Na-va trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ rằng: Với sự tăng viện mà ông đòi hỏi, có thể giúp ông đánh bại kẻ thù vào thời điểm tháng Giêng năm 1954 không? Na-va đã trả lời chắc chắn rằng: “Tôi đang nghĩ như vậy vì kẻ thù đang khốn đốn, hậu phương của họ bị nghiền nát và chúng đã yếu đi”(1).

Thứ hai, các nhà chiến lược ở Pa-ri, Luân Đôn và Oa-sinh-tơn cũng đều cho rằng, không thể tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm nếu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương tiến công tập đoàn này theo nghệ thuật tiến công thông thường, nghệ thuật tiến công mà các học viện quân sự nổi tiếng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nghiên cứu, giảng dạy từ lâu. Tuy nhiên, trong cuốn Chiến tranh cách mạng Cộng sản, Nhà xuất bản Niu Y-oóc ra mắt bạn đọc vào năm 1963 đã viết: “Cần ghi nhớ sâu sắc rằng, trong các khu vực kém phát triển ở châu Phi, châu Mỹ, với trình độ văn hóa thấp kém, địa lý phức tạp, kinh nghiệm tổ chức quân đội non kém, nhưng hình thức chiến thuật đã được áp dụng của Việt Minh đánh bại người Pháp-đặc biệt có thể được học tập và đem ra áp dụng ở cả châu Mỹ lẫn châu Phi”.

Trong những ngày diễn ra chiến dịch, về phía ta, mặc dù bị địch đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn các tuyến đường nhưng chúng vẫn không ngăn được con đường tiếp tế cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Giuyn Roa, cựu đại tá không quân Pháp phải thừa nhận trong cuốn Trận Điện Biên Phủ: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Không phải viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200 đến 300kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm ni-lông. Tướng Na-va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”(2). Tướng Na-va đã phải thốt lên rằng: Bao giờ Việt Minh cũng từ chối chiến tranh cổ điển và bắt Pháp phải theo hình thức chiến tranh của họ, cuộc chiến tranh “chưa có một học viện quân sự nào nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, các nhà quân sự, sách báo Pháp và phương Tây bình luận về nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nguyên nhân thứ nhất được đưa ra là Pháp đã đánh giá thấp đối phương (Việt Minh) vì cho rằng, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, có số quân đông nhất, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại, đầy đủ nhất và luôn tin tưởng: “Từ trước tới nay, đội quân của Tướng Giáp chưa bao giờ đương đầu với một sứ mệnh ghê gớm như sứ mệnh đánh Điện Biên Phủ”(3), và “…Kế hoạch của Na-va làm cho Điện Biên Phủ trở thành một cái “máy nghiền” quân đoàn tác chiến của Việt Minh”(4).

Nguyên nhân thứ hai đưa ra nhằm bào chữa cho thất bại của Pháp đã được một số tướng lĩnh, chính khách, ký giả, sử gia Pháp và nước ngoài cho rằng, quân đội Pháp thất trận “chủ yếu là do hỏa lực kém hơn đối phương”(5), “chủ yếu là do bị hỏa lực của đối phương áp đảo”(6) và vì “Việt Nam đã được Trung Quốc viện trợ ồ ạt”(7). Tuy nhiên, những lập luận kiểu như thế lại bị chính những học giả Pháp và nước khác bác bỏ. Nhà sử học Pháp Béc-na Phôn khẳng định: “…Sự chênh lệch về hỏa lực ở Điện Biên Phủ không phải là điều quan trọng nhất. Thật không đúng nếu nói rằng quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ là do đóng ở một vị trí mà hỏa lực của địch mạnh hơn. Theo quan sát của pháo binh Pháp thì đối phương đã bắn khoảng 103.000 viên đạn pháo, cối các cỡ. Trong khi đó, chỉ riêng đạn pháo 105mm và 155mm, phía Pháp đã bắn tới 131.500 viên”(8). Những con số mà Béc-na Phôn cùng một số học giả nước ngoài đưa ra, tuy chỉ là dự đoán, song lại phản ánh một sự thực là: Chỉ tính riêng về hỏa lực pháo binh, số lượng pháo và đạn của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ vẫn ít hơn rất nhiều lần so với số lượng pháo và đạn của quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm. Nhưng điều làm các tướng lĩnh Pháp bất ngờ là: “…Việt Minh lại đưa được một khối lượng lớn các khẩu pháo nặng và duy trì việc tiếp tế đạn cho chúng vào tận Điện Biên Phủ, xuyên qua 500km núi cao, rừng rậm cực kỳ hiểm trở, chẳng có đường sá gì”(9).

Khối tài liệu mật của Pháp ở Đông Dương được giải mật cũng tập trung phân tích, mổ xẻ về một số nguyên nhân khác dẫn đến thất bại của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó có nguyên nhân là do phía Pháp không có bộ chỉ huy thống nhất, quân số ít, trang bị thiếu, tinh thần binh lính mệt mỏi. Tướng Cô-nhi, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ đổ lỗi cho tướng Na-va. Về phần tướng Na-va, sau cuốn Đông Dương hấp hối xuất bản năm 1956, đến năm 1979 Nhà xuất bản Plông, Pa-ri lại cho ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký của Na-va với nhan đề Thời điểm của những sự thật. Trong hồi ký đó, Na-va lược lại tất cả các công trình đã nghiên cứu về Điện Biên Phủ, chủ yếu thanh minh cho những chủ trương chiến lược của mình, phê phán sự chỉ đạo của Chính phủ La-ni-en đã không tạo điều kiện cho ông ta thực hiện các chủ trương chiến lược đó. Ngược lại, Thủ tướng La-ni-en, trong cuốn Thảm kịch Đông Dương, thì lại đổ lỗi cho Na-va là chỉ huy tồi.

Báo Thế giới, báo Mỹ Diễn đàn thông tin quốc tế, báo Pháp Pa-ri Prét được đăng tải trong các ngày 6, 7, 8 tháng 5-1954 có chung nhận định: Trong lúc đối phương đang trên đà phát triển không ngừng thì quân viễn chinh Pháp không được tăng cường với nhịp độ mà các vị tổng tư lệnh đã đề nghị. Chúng ta có sức mạnh hơn hẳn đối phương là máy bay, pháo binh và cơ giới nhưng các binh chủng này cũng có nhược điểm là nặng nề, không phù hợp với chiến trường Đông Dương. Bởi vậy, thất bại của chiến dịch đã được các tướng lĩnh Pháp nhận định từ khi chiến dịch sắp xảy ra. Báo Người quan sát số ra ngày 13-5-1954 đã viết: “ …binh lính Pháp không thể chiến đấu được nữa, họ đã bị kiệt sức trong cuộc chiến đấu…, nếu người ta nói đến sự “thất thủ” của Điện Biên Phủ thì phải gọi đúng tên nó: Đó là một sự đầu hàng”.

Tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà có sức lan tỏa khắp thế giới, đúng như Giuyn Roa, ký giả kiêm sử gia, nguyên là Đại tá quân đội viễn chinh Pháp khẳng định rằng: “Trên thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đang gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”(10).

Thượng tá, TS TRƯƠNG MAI HƯƠNG

 ---------

(1) Giuyn Roa, Trận Điện Biên Phủ, Nxb Giu-li-a Pa-ri, 1963, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản, 1994, tr.21- 22.

(2) Giuyn Roa, Trận Điện Biên Phủ, Nxb Giu-li-a, Pa-ri, 1963, tr.357, 358.

(3) Cao ủy Đờ Giăng gửi điện cho Giắc-kê ngày 6-1-1954. Tư liệu mật Bộ Quốc phòng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ-Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

(4) Mác Cơ-lô, Báo Thế giới, số ra ngày 11-5-1954.

(5) Na-va, Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pa-ri, 1958, Thư viện Quân đội dịch, tr. 358.

(6) Béc-na Phôn, Cuộc bao vây Điện Biên Phủ, tài liệu dịch, Thư viện Quân đội, H, 1984, tr.159.

(7) Na-va, Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pa-ri, 1958, Thư viện Quân đội dịch, tr, 358.

(8) Béc-na Phôn, Cuộc bao vây Điện Biên Phủ, tài liệu dịch, Thư viện Quân đội, H, 1984, tr.159.

(9) Giăng Hăng-ri Giơ-nô, Từ Véc-đoong đến Điện Biên Phủ, Thư viện Quân đội dịch, tr.160.

(10) Giuyn Roa, Trận Điện Biên Phủ, Nxb Giu-li-a, Pa-ri, 1963, tài liệu dịch, Thư viện Quân đội, 1984, tr.284.