QĐND - Không phải ngẫu nhiên mà “Điện Biên Phủ” đã trở thành một cái tên, một danh từ trong từ điển bách khoa quân sự thế giới và luôn có tên trong danh sách những trận đánh làm “rung chuyển thế giới” từ trước đến nay. Cũng không phải ngẫu nhiên mà suốt 60 năm qua, rất nhiều tướng lĩnh, sử gia, nhà quân sự, nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh và ký giả tên tuổi nước ngoài đã không ngại hao tốn công sức, trí tuệ để dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu viết nên hàng nghìn trang sách, hàng trăm bài báo về Điện Biên Phủ. Dù soi chiếu ở góc độ nào, phân tích ở khía cạnh gì, hầu hết các tác giả đó đều có chung một nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ không còn là “của riêng” của dân tộc Việt Nam, mà đã trở thành một phần của lịch sử thế giới. Trong đó, ý nghĩa bao trùm nhất, tầm vóc lớn lao nhất, sức lan tỏa mạnh mẽ nhất của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế giới chính là ở chỗ: Tạo động lực tinh thần, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, nhất là các dân tộc thuộc địa ở Đông Nam Á, châu Mỹ La-tinh, châu Phi kiên quyết đứng lên đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình.

Nhờ Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam cổ vũ, khích lệ, đến năm 1960, đã có gần 20 nước châu Phi đã đứng lên đánh đuổi thực dân xâm lược, giành được độc lập. Trước sức mạnh nổi dậy và áp đảo của phong trào đòi độc lập của các nước thuộc địa, đến năm 1967, thực dân Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước từng là thuộc địa của mình. Đây là một “thảm họa bất ngờ”, một đòn giáng mạnh nhưng cũng là kết cục tất yếu của thực dân Pháp, qua đó chấm dứt thời đại thống trị khoảng 400 năm của chủ nghĩa thực dân cổ điển trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại một xúc cảm đặc biệt đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Ca ngợi chiến thắng vĩ đại này, năm 1954, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào đã nhấn mạnh: “Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và đối với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới”. Trong bài viết “Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam” đăng trên Báo Sự thật của Liên Xô (trước đây), tác giả A.Phi-líp-pốp đã khẳng định: “Chữ “Điện Biên Phủ” đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam”. Năm 1974, khi sang thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô bày tỏ: “Khi đế quốc Pháp tái xâm lược Việt Nam năm 1946, Hồ Chí Minh từng nói rằng, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy, mà đã kết thúc với chiến thắng oanh liệt ở Điện Biên Phủ, làm chấn động cả thế giới”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ để lại tình cảm ngưỡng mộ, khâm phục sâu sắc đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới, mà đã khiến những người bên kia chiến tuyến từ kinh ngạc, bàng hoàng, đến nể phục. Bởi lần đầu tiên, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ bé, chỉ có 10 “tuổi quân” mà dám đánh, quyết đánh và đã đánh bại một quân đội nhà nghề lâu năm, thiện chiến nhất nhì thế giới lúc bấy giờ. Sau trận chiến hiển hách này đã có nhiều phân tích, nhận định, bình luận nhằm làm sáng tỏ một câu hỏi “Tại sao quân đội Pháp đã thất thủ một cách nhanh chóng và thảm hại như vậy?”.

Dưới con mắt của một người đã có thời kỳ làm thư ký và từng tham gia kháng chiến chống sự chiếm đóng của phát xít Đức, đã có kinh nghiệm chiến trường 9 năm liền ở Đông Dương, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc xây dựng cứ điểm đến khi đầu hàng Việt Minh, Thiếu tá Mô-rít-xơ Bi-gia (Pháp) đã bày tỏ sự kính trọng của mình đối với bộ đội Việt Minh: “Họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới… Theo quan điểm của tôi, họ trở thành những người lính bộ binh ngoại lệ vì họ đã đánh bại được chúng ta”. Bản thân tướng Đờ Cát, sau khi thất bại trở về Pháp, đã phải thừa nhận cay đắng khi trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. Nhà báo Pháp Giuyn-roa khẳng định: “Cái đã đánh bại tướng Na-va không phải bởi các phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của quân đội Việt Nam”. Sau này, trong cuộc hội thảo khoa học quốc tế “50 Chiến thắng Điện Biên Phủ” tổ chức tại Việt Nam năm 2004, GS, TS người Pháp Sa-lơ Phô-ni-ơ đã nhận định: “Sự thất bại của Pháp không đơn thuần là do yếu kém trong chỉ huy chính trị quân sự hay thiếu ủng hộ của nhân dân Pháp, mà theo tôi, thất bại đó dường như là kết quả của chế độ đô hộ thuộc địa, mà một trong những đặc tính sâu sắc nhất là không có khả năng thấy rõ người khác”. 

Những nhận định, đánh giá trên tuy khác nhau về góc nhìn và cách tiếp cận, nhưng đều có một “mẫu số chung” là: Một mặt, khẳng định sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần chiến đấu cao, ý chí quật cường, đạp bằng mọi chông gai, vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp là giải phóng dân tộc; mặt khác, nhấn mạnh đến truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh dũng cảm, bất khuất của một dân tộc có bề dày mấy ngàn năm lịch sử đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi chiến sĩ Việt Minh và mỗi người dân Việt Nam.

Đã 60 năm trôi qua, lịch sử thế giới có nhiều đổi thay, chính trường quốc tế cũng có nhiều biến chuyển mau lẹ, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam vẫn ăn sâu vào trái tim, khối óc của nhân dân thế giới và trở thành một biểu tượng chiến thắng, một giá trị văn hóa quân sự nổi bật của loài người trong thế kỷ XX. Sự ngợi ca, tôn vinh của các nước tiến bộ đối với chiến thắng vĩ đại này không chỉ biểu thị sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, mà còn thể hiện niềm tin, lòng ngưỡng mộ và tự hào về chiến công đặc biệt của nhân dân Việt Nam. Với ý nghĩa đó, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta cần tiếp tục khai thác, phát huy giá trị tinh thần to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, ra sức tranh thủ sự đồng thuận, giúp đỡ của nhân dân các nước trên thế giới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy cao độ yếu tố nội lực đi đôi với tranh thủ sự giúp đỡ từ các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những bài học kinh nghiệm góp phần quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến nay.

Từ những giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chúng ta phải lấy đó làm niềm tin, động lực và sức mạnh tinh thần để tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, hóa giải mọi thách thức, đoàn kết một lòng, mưu trí, sáng tạo lập nên nhiều “Chiến thắng Điện Biên Phủ” mới trên mặt trận xây dựng, phát triển đất nước, xứng đáng với vị thế, uy tín của một dân tộc đã được bạn bè thế giới khâm phục, ngợi ca là “lương tri của thời đại”, là “lá cờ đầu” trong phong trào đánh đuổi đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

TS NGUYỄN XUÂN SINH - Học viện Chính trị- Bộ Quốc phòng