Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

QĐND - Cuối tháng 9-1953, trong cuộc họp Bộ Chính trị bàn về kế hoạch tác chiến, để phá cho được việc tập trung khối cơ động chiến lược của quân Pháp về Đồng bằng Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ bàn tay phải lên, nắm lại, xòe ra và nói: "Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bị bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt, làm cho chúng thất bại hoàn toàn''. Quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đẩy mạnh hoạt động quân sự, chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch; tiến công địch trên nhiều hướng chiến lược trọng yếu, buộc định phải đưa quân lên Điện Biên Phủ giữ Tây Bắc, tạo nên một cuộc quyết chiến điểm chiến lược giữa ta và địch.

Hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đan cài và rất hiểm của ta đã khiến Bộ chỉ huy Quân đội Pháp cực kỳ lúng túng, càng gỡ càng rối, ngày càng bất lực. Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, nắm vững quyền chủ động chiến trường, đến Đông Xuân 1953-1954, ta đã tiến lên mở nhiều chiến dịch tiến công trên nhiều hướng của chiến trường cả nước. Đó là bước nhảy vọt về mọi mặt của cuộc kháng chiến. Các chiến dịch tiến công, không chỉ trên chiến trường Bắc Bộ, mà cả trên chiến trường Khu 5; bộ đội tình nguyện ta phối hợp với bạn Lào mở ra các chiến dịch tiến công ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào; phạm vi hoạt động vượt ra ngoài chiến trường Bắc Bộ, bước đầu mở rộng đến chiến trường miền Nam, chiến trường Nam Đông Dương.

Quân đội ta, những năm đầu kháng chiến nắm chắc tư tưởng đấu tranh của Đảng và sự chỉ đạo của Bộ tổng Tư lệnh với phương châm "du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ", đến Đông Xuân 1953-1954, tư tưởng "vận động chiến" bao gồm những thành phần chiến đấu công kiên đã tiến lên giữ địa vị chủ yếu trên chiến trường Bắc Bộ, thì nay đã phát triển rộng khắp hơn, tiến lên giữ địa vị chủ yếu trên chiến trường Liên khu 5 và trên chiến trường nước bạn.

Vào cuối năm 1952, quân ta tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản (gồm 17 cứ điểm), không thành công. 15 tháng sau, tiến công và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một "Nà Sản lũy thừa mười", chứng tỏ "quân ta đã có sức mạnh đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất, mạnh nhất của quân Pháp, đặt quân địch trước nguy cơ các hệ thống phòng ngự khác đều yếu hơn Điện Biên Phủ nhiều sẽ tiếp tục sụp đổ. Cho đến Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh của địch. Đến lúc này, điều lo lắng lớn nhất của Chính phủ Pháp là làm thế nào để bảo toàn cho lực lượng còn lại của quân đội viễn chinh tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Tuy cuộc chiến còn tiếp diễn, quân Pháp đã tính đến các phương án thu hẹp phạm vi chiếm đóng về vùng "châu thổ có ích", chuẩn bị khả năng rút quân về nam Vĩ tuyến 18, nhưng sức ép ở Pháp và quốc tế (mà lúc đó, Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp nhóm họp), chấm dứt chiến tranh Đông Dương hẳn là phương án hiện thực rõ rệt nhất.

Thiếu tướng TRỊNH VƯƠNG HỒNG kể XUÂN GIANG (lược ghi)