QĐND - Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi diễn biến trên khắp chiến trường và có những quyết định kịp thời nhằm biến quyết tâm đó thành hiện thực. Khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (11-1953), ta chủ trương thực hiện phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Thế nhưng, đến cuối tháng 1-1954, trong quá trình triển khai chiến dịch, khi nhận thấy tình hình địch đã thay đổi, lực lượng của chúng được tăng cường, hệ thống phòng ngự được củng cố, phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không bảo đảm chắc thắng, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
 |
Lễ chào cờ của Liên quân Việt Nam – Cam-pu-chia trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu
|
Ngày 30-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư “Về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ” tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị. Đối với Cam-pu-chia, Đại tướng nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh hoạt động có trọng điểm, chú trọng gây dựng cơ sở ở Đông Miên và Đông Bắc Miên (Stung Treng và Kompong Thom) để liên lạc với Hạ Lào”.
Quán triệt chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị thông qua, nhằm đẩy mạnh phối hợp tác chiến giữa chiến trường ba nước Đông Dương, từ ngày 30-1-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Cam-pu-chia mở chiến dịch tiến công quân Pháp ở Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, loại khỏi chiến đấu hơn 1000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền các căn cứ du kích vùng Đông Bắc Cam-pu-chia với vùng giải phóng Hạ Lào.
Sau những thắng lợi trên khắp các chiến trường Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, kế hoạch Na-va bước đầu bị thất bại. Để cứu vãn sự thất bại đó, đế quốc Mỹ ra sức thúc đẩy thực dân Pháp tiếp tục chiến tranh và tiến thêm một bước trong việc can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Từ chỗ giúp tiền, vũ khí, kế hoạch cho thực dân Pháp, Mỹ tiến đến trực tiếp can thiệp một cách trắng trợn vào Đông Dương.
Ngày 22-2-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị chỉ rõ công tác trước mắt trong tình hình hiện thời. Theo đó, công tác trung tâm trước mắt của quân và dân Việt Nam là tập trung lực lượng đánh thắng địch trong những trận sắp tới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho kế hoạch Na-va của Pháp - Mỹ hoàn toàn thất bại.
Về phía cách mạng Cam-pu-chia, ngày 17-3-1954, tại Đại hội quốc dân và Mặt trận Ít-xa-rắc, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương nước Cao Miên tự do Sơn Ngọc Minh đã đọc bản báo cáo quan trọng, khẳng định: “Nước Cao Miên tự do chúng ta ngày nay đang kháng chiến giữ nhà, cứu nước, giành độc lập thực sự. Cuộc kháng chiến của ta nhất định không phải là đơn độc. Chúng ta đang cùng với hai nước anh em Việt - Lào liên kết thành một khối gần 30 triệu nhân dân, đang đoàn kết anh dũng cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù chung. Chúng ta cũng như anh em Việt - Lào đang tiến bước trên đà chiến thắng và vinh quang. Chúng ta được sự nhiệt tình ủng hộ của phe hòa bình, dân chủ thế giới do Liên Xô, Trung Hoa làm trụ cột. Chúng ta đang cùng lực lượng trên đây đấu tranh giành độc lập thực sự quốc gia, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, xây dựng tình đoàn kết bình đẳng, hữu nghị giữa các dân tộc. Đặc biệt là cùng với nhân dân Việt - Lào xây dựng khối liên minh nhân dân Miên - Việt - Lào bền vững lâu dài”.
Tiếp đó, ngày 20-3-1954, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Kháng chiến Cam-pu-chia ra tuyên bố kháng nghị việc đế quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Tuyên bố của Chính phủ Kháng chiến Cam-pu-chia thể hiện lập trường và ý chí đoàn kết kháng chiến của Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia với nhân dân Việt Nam và Lào. Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến Cam-pu-chia Sơn Ngọc Minh khẳng định: “Cao Miên sẽ kiên quyết đánh đổ thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, đánh cho đến khi hai nước Miên, Việt giành được độc lập, tự do, hạnh phúc mới thôi”.
Sau một thời gian chuẩn bị, với quyết tâm giành thắng lợi trọn vẹn tại Điện Biên Phủ, tháng 3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra “Lệnh động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, toàn thể các binh chủng, mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Đại tướng nhấn mạnh: “ Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi sẽ có một ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước. Sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt- Miên- Lào…”.
Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên chiến trường Cam-pu-chia, khi nhận được chỉ thị phối hợp chiến đấu với chiến trường chính Điện Biên Phủ, quân dân Cam-pu-chia đã cùng với Quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh hoạt động. Ở Tây Bắc Cam-pu-chia, đầu tháng 4-1954, Đại đội Quân tình nguyện Việt Nam 160 tiến lên Công-pông Chơ-năng, cùng với Đại đội 305 và dân quân du kích Cam-pu-chia hình thành một Ban chỉ huy chung tổ chức đánh địch trên đường Prây Khme. Cũng trong tháng 4-1954, Đại đội Quân tình nguyện Việt Nam 180 nổ súng tấn công cứ điểm Krăng Đê-vai. Hoạt động liên tục và mạnh mẽ của Quân tình nguyện Việt Nam với quân dân Cam-pu-chia trên chiến trường Tây Bắc đã góp phần “chia lửa” với quân dân Việt Nam ở lòng chảo Điện Biên Phủ.
Hòa cùng tiếng súng ở chiến trường Tây Bắc, cuối tháng 3-1954, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 mang phiên hiệu Chí Long do Trung đoàn phó Lê Kích trực tiếp chỉ huy di chuyển xuống phối hợp với các đơn vị bộ đội Cam-pu-chia tổ chức đánh địch. Đầu tháng 4 -1954, từ Hạ Lào, Tiểu đoàn Chí Hòa thuộc Trung đoàn 101 đang chiến đấu ở Chăm-pa-sắc (Hạ Lào) xuôi theo hữu ngạn sông Mê Công tiêu diệt các vị trí phòng thủ của địch ở khu vực phía đông tỉnh Kông Pông Thom rồi tiến xuống bao vây thị xã Stung Treng. Cùng thời điểm này, ở Siêm-pang, Tiểu đoàn Chí Hưng thuộc Trung đoàn 101 tiến công bao vây huyện lỵ Siêm-pang. Đặc biệt, phát huy tình đoàn kết chiến đấu, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam về phối hợp đánh địch trên chiến trường cả nước và trên chiến trường Đông Dương, đầu tháng 4-1954, toàn bộ Tiểu đoàn 302 - chủ lực Phân Liên khu miền Đông được điều động sang chiến trường Cam-pu-chia làm nghĩa vụ quốc tế. Những hoạt động đó đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ được tạo bởi nhiều nhân tố, trong đó sự phối hợp tác chiến hiệu quả của quân dân hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia là một nhân tố đặc biệt quan trọng. Nhờ quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của hai Đảng, hai Nhà nước về sự phối hợp đoàn kết chiến đấu, quân dân Việt Nam – Cam-pu-chia đã kề vai sát cánh bên nhau chống kẻ thù xâm lược và giành những kết quả to lớn, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân mỗi nước và nhân dân Đông Dương.
LÊ VĂN PHONG (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)