QĐND - Cụ Nguyễn Quỳnh Cư xếp bút nghiên đi tòng quân từ lúc chưa tròn 20 tuổi. Khi ấy, cụ đang học năm cuối tại Trường Trung học Đình Bảng - Bắc Ninh. Vào bộ đội, cấp trên thấy Nguyễn Quỳnh Cư có trình độ văn hóa liền tuyển chọn cho đi học lớp pháo 105mm Trường Lục quân Việt Nam khóa 6 (năm 1950). Sau hai năm, Nguyễn Quỳnh Cư được điều về Đại đội Sơn pháo 119 và trực tiếp sử dụng các khẩu pháo 105mm (do ta thu được trong Chiến dịch Cao Bằng) bắn vào đồn Pháp đóng ở Pheo, đồn Bến Ngọc và Phương Lâm, mở đường cho các đơn vị bộ binh đánh thẳng vào thị xã Hòa Bình tiêu diệt hàng trăm địch đồng thời phá hỏng hơn 20 xe cơ giới.

Đại đội Sơn pháo 119 sau khi đánh thắng quân Pháp ở Hòa Bình liền được lệnh hành quân lên Lào Cai để tiếp nhận và vận chuyển vài chục khẩu pháo 105mm chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Cư nhớ lại: Lúc đầu, quân ta cũng định sửa đường xe lửa từ Lào Cai về Yên Bái, nhưng máy bay của Pháp bắn phá liên tục và dùng cả bom hẹn giờ phá cầu Măng, cầu Nhò. Sau đó, ta lại có phương án sửa đường ô tô qua thác Ông, thác Bà về Hiên, nhưng có nhiều cua hẹp quá không kéo pháo được. Cuối cùng, chỉ còn cách đi đường sông Hồng nhưng từ phố Lu về đến Yên Bái có rất nhiều ghềnh, thác nguy hiểm như “miệng Hổ”, “Rãnh Cày” v.v.. Theo truyền thống, từ xưa tới nay chỉ có 2 kiểu bè: Một là “Bó Cổn” thì nổi nhưng chỉ dài một tấm nứa. Hai là “Đấu” thì mớn nọ chồng lên mớn kia, dài tùy ý nhưng lại chìm! Sau cùng, các chiến sĩ ta vận dụng câu chuyện dân gian “Cây tre trăm đốt”, bộ đội cưa lấy từng đoạn nổi, nối lại với nhau cho đủ độ dài, tráo đầu đuôi rồi bó thành cổn, kết thành bè. Chiếc bè đầu tiên hoàn thành, anh em khuân đá hộc xếp vào giữa bè tương đương sức nặng của một khẩu 105mm.

Cụ Cư được trao nhiệm vụ “Bè trưởng đi thử nghiệm”. Bè mới ra sông thì quay tít, nứa vỡ, nổ ran như đại liên. Anh em nhảy ùm cả xuống sông, hóa ra bị đá ngầm, gọi là bị “ngõng cối”. Khi qua được đá ngầm, mọi người vội leo lên bè, mặc cho thân thể rét lạnh vẫn tiếp tục kiên trì đẩy bè ra giữa sông, đi được mươi cây số thì tự nhiên bè trôi chậm lại rồi dừng hẳn, chống xuống nước thấy toàn cát là cát. Hóa ra là một bãi mới bồi. Bị mắc cạn! Anh em nhảy xuống sông cho nhẹ bớt và hò nhau đẩy bè ra dòng chảy. Hì hục đẩy bè đến độ 2 giờ sáng thì mới thoát nạn, nhảy lên bè vừa thay quần áo vừa hát to bài “Toán chiến sĩ thủy quân ra khơi hôm nay…”. 4 giờ sáng, sương giăng mù mịt không biết đâu là bờ, đâu là dòng sông thì bỗng nghe thấy tiếng nước réo ầm ầm, bè trôi băng băng nhanh như ô tô. Mọi người đứng cả lên cầm sào, cầm chèo sẵn sàng đối phó. Bỗng “Rắc”! Chèo mồng bị gãy đôi, bè quay ngang và càng trôi nhanh hơn rồi lao vút lên đỉnh “Hòn Hồng”. Bè gãy gập làm đôi, toàn tiểu đội nhảy vội sang mảng. Tất cả trôi trong bọt nước trắng xóa, nhóm thử nghiệm và toàn đại đội phải quay lại phố Lu hò nhau vào rừng chặt toàn cây nứa ngộ, cây bương để làm chiếc bè thứ hai và lần này đơn vị đã thành công, đưa được toàn bộ 20 khẩu pháo lớn về đến bến Âu Lâu (Yên Bái) an toàn. Toàn đại đội ai nấy đều hết sức phấn khởi vì đã hoàn thành một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm.

Câu chuyện chở đại bác hạng nặng bằng bè nứa trên sông Hồng của bộ đội Việt Nam trở thành sự kiện hy hữu mà cũng thần kỳ hiếm có, vì lịch sử thế giới cũng chưa từng có quốc gia nào làm như vậy!

NGUYỄN TẤT LỘC (Theo lời kể của cụ Nguyễn Quỳnh Cư và cụ Nguyễn Phú Doanh, nguyên chiến sĩ Đại đội 119, Trung đoàn Pháo 45)