QĐND Online - Khi người dẫn chương trình chuẩn bị cắt lời, bà sang sảng, giọng đầy tâm huyết: “Cho tôi được nói câu cuối cùng trong buổi giao lưu, một câu thôi. Chúng ta vẫn còn sống khi có quá nhiều đồng đội của chúng ta đã mất đi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy…”. Đó là câu nói của Đại tá-Phó giáo sư (PGS) Nguyễn Thị Ngọc Toản, nguyên y sĩ Đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại buổi giao lưu “Âm vang Điện Biên-Bài ca người chiến sĩ áo trắng” do Cục Quân y vừa tổ chức.

Những vất vả rất riêng của nữ chiến sĩ quân y

Tại buổi giao lưu, vị khách mời nữ duy nhất giao lưu với khán giả mặc dù ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng vẫn vang, hào sảng, trông khỏe khoắn trong bộ quân phục cũ đã ngả màu thời gian. Qua chất giọng xứ Huế pha lẫn giọng miền Bắc, bà Toản kể về những kỷ niệm khó quên trong những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, bà đã khắc họa rất nhiều chi tiết ấn tượng về những nữ chiến sĩ quân y.

Theo lời bà kể, ở chiến dịch lúc đó, lực lượng nữ y sĩ, y tá, dược tá, cứu thương, chuyển thương, cấp dưỡng… khá đông, có mặt tại hầu hết các đội điều trị. Riêng nữ chiến sĩ quân y chiếm gần một phần ba quân số ở các đội điều trị. Một số đội điều trị ở đại đoàn chủ lực, như Đại đoàn 316, có gần 30 nữ quân y. Cũng giống như bà Toản, lúc đó, các nữ chiến sĩ quân y có tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu từ 19 đến 23 tuổi, đều là các sinh viên y khoa những khóa đầu tiên. Đang ở độ tuổi sôi nổi nhất của cuộc đời nên các nữ chiến sĩ quân y ai cũng hăng hái xung phong, mong muốn được phục vụ thương binh ở tiền phương. Quá trình phục vụ chiến dịch, mặc dù phải hành quân xa, qua những con đường mà địch điên cuồng bắn phá, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu nhưng họ vẫn không nản bước, cố gắng theo kịp đội hình. Hình ảnh đặc trưng của họ lúc đó là: Đầu đội mũ nan có lớp vải bọc lưới ngụy trang, chân đi dép lốp, ngang lưng đeo ruột tượng đựng gạo, vai mang túi bông băng, thuốc hoặc dụng cụ chuyên môn theo sự phân công của cấp trên. Chiếc ba lô cá nhân đựng một đến hai bộ quần áo, một cái màn, một miếng nilon để che mưa, ngoài ra là những đồ dùng cá nhân rất đặc trưng của phụ nữ như: kim, chỉ, túi vải màn hay vải bông…

Ban tổ chức tặng hoa bà Nguyễn Thị Ngọc Toản và các khách mời giao lưu.

Ban ngày, chị em trú quân ở những cánh rừng ven quốc lộ, ban đêm lại tiếp tục hành quân, cứ đi mải miết như vậy, có khi phải đi hàng tháng. Có khi vừa đi nhưng họ lại phải dừng lại để cấp cứu, phẫu thuật khi có người lính bị thương vong. Ngoài những khó khăn, vất vả chung khi hành quân, những người nữ chiến sĩ quân y còn phải đối mặt với những khó khăn rất riêng của phụ nữ. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên khi gặp khe suối, các chị em cứ để quần dài lội, sau đó cứ thế đi sẽ tự khô. Nhưng, khi gặp nhiều sông suối, quần áo không kịp khô, khiến chị em gặp cảm giác rất khó chịu, ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ hành quân. Có những đoạn đường liên tiếp gặp suối, các nữ chiến sĩ phải “trở thành người nguyên thủy” để có quần áo khô tiếp tục đi tiếp. Khổ nhất là hành quân vào đúng ngày “đặc biệt”, do không được vệ sinh, nghỉ ngơi kịp thời nhiều chị em không bước nổi, phải nhờ người xốc nách hai bên để vượt đèo. Đi suốt đêm, đến lúc nghỉ, chị em không dám nghỉ mà phải ngồi chăm sóc đôi chân phồng rát của mình bằng cách ngâm vào nước nóng. Khi ngâm, phải đào một hố rộng bằng hai bàn chân, sau đó lót nilon ở dưới, đổ nước nóng vào rồi ngâm chân cho đỡ sưng để đến đêm còn tiếp tục hành quân.

Tất cả vì thương binh

Do hầu hết các nữ chiến sĩ quân y tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ khi ấy còn đang là sinh viên nên đa số họ chưa có điều kiện thực hành. Trong khi đó, thực tiễn vết thương của thương binh ở chiến dịch khác nhiều so với lý thuyết. Lúc đó, những nữ y tá, y sĩ phải đảm nhiệm cương vị của bác sĩ phẫu thuật. Có những nữ chiến sĩ quân y chưa từng cầm đến dao kéo, nhưng trước sự đau đớn của thương binh, đã mạnh dạn phẫu thuật tháo khớp bàn tay cho thương binh khi họ bị bom làm dập nát.

Thương binh về đội điều trị thường vào lúc 1-2 giờ sáng, trong khi kỷ luật chiến trường là không được để lộ ánh sáng ra ngoài, vì vậy, mỗi khi có thương binh, các chị em đều phải khẩn trương người thì kiểm tra chọn lọc, người thì nhanh chóng lau rửa vết thương để chuyển vào hầm mổ. Chỉ cần để lộ ánh sáng ra ngoài, pháo của địch sẽ lập tức rót vào hầm. Ở chiến dịch lúc này, nhiều khe suối cạn, nước rất thiếu, có đoạn nhiều nước thì bị đóng váng nên phải bảo đảm tiệt trùng tối đa. Những khi trời mưa, chị em phải lấy nilon, vải bạt của mình ra để che cho thương binh, còn mình thì chịu ướt, với suy nghĩ: Anh em đã đau đớn rồi, không để cho họ phải chịu rét nữa. Có những ngày nhiều thương binh, chị em y sĩ phải đứng mổ hay phụ mổ suốt ngày đêm, buồn ngủ díp mắt, lại còn bị ruồi vàng đốt, đau tái người nhưng không có cách nào phản ứng được vì tay còn đang phải làm nhiệm vụ, phải bảo đảm vô trùng. 

Thực hiện chế độ trực thương binh ở các khu trung thương, trọng thương, mỗi đêm chị em phải đi kiểm tra 3 lần tình hình bệnh nhân. Một số chị ban đầu mệt quá ngủ quên, bị nhắc nhở sau đó không dám ngả lưng, đêm trực phải đứng thức cho xong 3 ca đi tua rồi mới dám nằm. Đối với những ca trực đêm, các nữ chiến sĩ lo nhất là theo dõi các thương binh bị vết thương sọ não. Mỗi lán, có 5 đến 7 thương binh, người trực phải đi hết các lán, thấy thương binh nào nằm im thì phải kiểm tra xem thương binh đang ngủ hay đã… tử vong. Để có đủ dịch truyền cho thương binh, các nữ dược tá ở ban dược của các đội điều trị đã thực hiện pha chế tại chỗ. Dụng cụ pha chế phải mang theo khi hành quân rất lỉnh kỉnh, với nồi cất nước, vỏ chai đựng dịch truyền, cân tiểu ly, màn để căng buồng pha chế, phễu thủy tinh lọc thuốc… Sau khi pha chế xong, phải khẩn trương đóng gói sao cho gọn gàng, tránh đổ vỡ. Vào giai đoạn cuối chiến dịch, khi bông băng, gạc đều thiếu, chị em đã có sáng kiến thu hồi băng gạc cũ, dùng tro bếp hòa nước lọc trong, đun thêm với lá tràm, lá bưởi cho thơm để thay xà phòng, làm nước giặt sạch vết bẩn rồi hấp lại.

Nhờ sự tận tình, trách nhiệm, đầy sáng tạo của các nữ chiến sĩ quân y, công tác thu dung, cấp cứu, điều trị thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được những kết quả quan trọng, với nhiều thành tích ngoài dự kiến. Chính những đóng góp của các nữ chiến sĩ áo trắng đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên-chấn động địa cầu” này. Một chi tiết hết sức thú vị về Đại tá-PGS Nguyễn Thị Ngọc Toản, đó là, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, được phép của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một đám cưới “có một không hai” đã diễn ra giữa y sĩ Toản với đồng chí Cao Văn Khánh, lúc đó là Phó Tư lệnh Đại đoàn 308. Điều đặc biệt là, đám cưới của họ diễn ra ngay trên nóc hầm chỉ huy của tướng bại trận Đờ-cát, ngày 22-5-1954. Trong đám cưới, đôi vợ chồng trẻ đã đứng trên chiếc xe tăng chiến lợi phẩm ta thu được tại cánh đồng Mường Thanh để chụp ảnh cưới. Nhắc lại chi tiết này trong buổi giao lưu, bà Toản rưng rưng xúc động, chia sẻ: Đây là một điều đặc biệt nhân văn mà thời đó còn ít người dám nghĩ tới. Giữa đạn bom, chết chóc, tình yêu vẫn nở hoa, dù rất có thể, sau đó, họ không còn được ở bên nhau nữa...

Bài, ảnh: VĂN CHIỂN