QĐND -  Điện Biên Phủ là trận đánh lớn, ở đó hai bên đều muốn giành thắng lợi để đi đến kết thúc chiến tranh. Sau khi bị thất bại ở Điện Biên Phủ, trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, tướng Na-va và Đờ Cát đã cố tình bỏ qua mà không nói rõ những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến thất bại của quân Pháp. Khi được hỏi: Lý do nào thúc đẩy đưa quân lên Điện Biên Phủ, nơi núi rừng hiểm trở, lại cách xa Hà Nội gần 500km, vận chuyển tiếp tế có nhiều khó khăn, Đại tướng Na-va trả lời: “Ngay từ đầu, Cô-nhi (chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ) đã hướng tôi tới đó. Vấn đề thứ hai là chúng tôi không muốn để Việt Minh tiến vào Luông Phra-băng và Viêng Chăn, sẽ mở đường cho họ vào Xiêm, Cam-pu-chia, và vài tháng sau, sẽ mở cửa cho họ tới cả Đông Nam Á. Về vận chuyển tiếp tế, tôi tin vào khả năng của không quân, gấp nhiều lần các đoàn cu ly của Việt Minh”.

Từ phải sang: Tướng Cô-nhi và tướng Na-va trong một chuyến đi thị sát chiến trường ở Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Xâm lược Việt Nam lần thứ hai, trải qua 8 năm chiến tranh, Chính phủ Pháp nhận thấy: Đây là cuộc chiến đầy tốn kém nhưng chiến thắng lại rất khó khăn. Chính phủ Pháp quyết định đưa Na-va sang làm Tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương, với hy vọng tài thao lược của vị tướng tài hoa Na-va sẽ đưa nước Pháp thoát ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự bằng sức mạnh quân sự.

Sang Đông Dương, sau khi đi thị sát chiến trường, Na-va đã đưa ra kế hoạch tác chiến. Bước 1: Hạn chế giao chiến, tập trung xây dựng lực lượng chủ lực mạnh, nhất là quân cơ động. Bước 2: Chuyển sang tiến công giành thắng lợi.

Nhận rõ ý đồ của Na-va, Bộ Chính trị đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Quân và dân ta phối hợp chặt chẽ với bạn Lào và Cam-pu-chia, đánh địch trên toàn chiến trường, tập trung vào những hướng chiến lược hiểm yếu. Từng bước phân tán và giam chân quân chủ lực, nhất là lực lượng cơ động của địch ra chiến trường rừng núi để tiêu diệt, hỗ trợ cho chiến tranh nhân dân ở vùng đồng bằng phát triển.

Khi phát hiện Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, Na-va đã mở cuộc hành binh Ca-xtô đưa quân lên Điện Biên Phủ, thành lập tập đoàn chiến dịch Tây Bắc, gọi tắt là GONO. Ngay khi Na-va đưa quân lên Điện Biên, nhận thấy thời cơ tiêu diệt địch đã tới, Quân  ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công, đồng thời chỉ đạo các chiến trường đẩy mạnh tác chiến phối hợp.

Phát hiện các đại đoàn chủ lực của ta tiến lên Điện Biên, Na-va đã tăng quân cho Điện Biên Phủ lên tới 17 tiểu đoàn bộ binh, gồm những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Pháp, cùng nhiều phương tiện tác chiến hiện đại. Quân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, được đánh giá là mạnh nhất trong chiến tranh từ trước tới nay. Đại tá Đờ Cát được giao nhiệm vụ chỉ huy tập đoàn.

Trả lời chất vấn trong giới quân sự: Tại sao một tập đoàn chiến lược lớn lại chỉ giao cho một đại tá chỉ huy, Na-va tuyên bố: “Cả tôi và Cô-nhi đều không trông lon mà xét người, nên cũng chẳng sùng bái gì ngôi sao cấp tướng. Tôi khẳng định: Trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Đờ Cát”.

Như vậy, tập đoàn Điện Biên Phủ không chỉ có quy mô lớn về diện tích và được bố trí những đơn vị thiện chiến, có trình độ tác chiến hiệp đồng cao, trang bị hiện đại, lại có cả chỉ huy có tài. Công sự và vật cản được xây dựng rất kiên cố, hình thành nhiều phân khu, cụm cứ điểm và cứ điểm, tạo thế liên hoàn vững chắc. Vì vậy, Điện Biên Phủ được cả Pháp và Mỹ đánh giá là pháo đài bất khả xâm phạm, không có sức mạnh nào có thể công phá...

Trả lời câu hỏi, có ý kiến đề nghị tìm giải pháp khác thay thế cho Điện Biên Phủ, Na-va trả lời “không”. Ông ta khẳng định dứt khoát: “Để hoàn thành sứ mệnh được giao, chỉ có một giải pháp đánh trận ở Điện Biên Phủ, và khi đã vào trận thì chỉ huy chiến đấu như nó đã xảy ra”.

Cũng như Na-va, tướng Đờ Cát khi được hỏi tại sao lại đưa những lực lượng ưu tú của quân đội viễn chinh vào đáy một lòng chảo dễ bị đập nát, Đờ Cát thoái thác: “Tôi chấp hành mệnh lệnh của trên. Tôi không phải là người tính trước số phận mà quân ta đã gặp”.

Đối với ý kiến cho rằng, nguồn gốc đầu tiên của thất bại là do đánh giá thấp đối phương, trước hết là công tác tổ chức và tài năng của họ, Đờ Cát nói: “Đó là lúc trận đánh lên cường độ cao, cứ điểm bị 4 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo binh đối phương tiến công và bao vây. Với tài ngụy trang và lợi dụng địa hình, vận dụng chiến thuật, phải thừa nhận đối phương có sự chỉ huy tuyệt diệu và rất lão luyện”.

Cả Na-va và Đờ Cát đều không nhận thấy rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ là do sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sự đoàn kết và của tinh thần chiến đấu rất cao của quân và dân cả nước, vì mục tiêu hòa bình và độc lập. Tài thao lược của đội ngũ cán bộ đã kế thừa nghệ thuật quân sự truyền thống và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới. Căn cứ vào thực tiễn chiến trường để đưa ra quyết định thông minh, sáng tạo, lại vô cùng táo bạo; phát huy cao nhất sức mạnh của các lực lượng và phương tiện, sự chi viện và phối hợp tác chiến của cả nước; sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng quân địch.

Thiếu tướng, PGS, TS BÙI THANH SƠN