QĐND Online - Tôi nhập ngũ năm 1949. Sau trận đánh đồn Tu Vũ và chiến dịch Hòa Bình, tôi được triệu tập đi tập huấn ở đơn vị cấp trên.
Đầu năm 1953 tôi được chọn sang Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) huấn luyện lái xe và nhận khí tài. Ở lớp huấn luyện, tôi được học lái loại xe lớn GAZ-3HC, là loại xe kéo 10 bánh của Liên Xô mà chúng tôi vẫn quen gọi theo cách gọi của người Trung Quốc là xe “Đại xa”. Sau khóa học, tôi lại được giao lái xe GAZ 63 và biên chế về Trung đoàn pháo binh 367, Sư đoàn 351, kéo pháo phòng không 37 ly và được ở cùng đại đội với anh Tô Vĩnh Diện, người pháo thủ của pháo cao xạ 37 ly, cũng vừa được huấn luyện ở Tân Dương, Quảng Tây (Trung Quốc). Đại đội tôi toàn lính trẻ, tuổi mới đôi mươi, ai cũng trẻ trung yêu đời và rất hăng say luyện tập, chỉ có anh Tô Vĩnh Diện là lớn tuổi hơn cả, được chúng tôi coi như một người anh.
Những lính trẻ xa nhà, xa quê, ở nơi đất khách quê người nên chúng tôi càng thân thiết gắn bó với nhau hơn. Lịch học tập, huấn luyện rất căng thẳng, kỷ luật quân đội lại rất nghiêm nên chúng tôi rất ít có cơ hội được rời doanh trại. Thời gian rỗi rãi mỗi ngày chỉ có vào những buổi tối sau giờ sinh hoạt. Ngày ấy radio và tivi chưa có nên chúng tôi thường chỉ ngồi quây quần bên nhau tâm sự về đủ thứ trên đời, nhưng sôi nổi nhất vẫn là những đề tài về quê hương, gia đình mỗi người và không thiếu được chuyện tra hỏi về tình yêu đôi lứa của nhau. Phần lớn chúng tôi xa quê từ tuổi 17, 18 nên những kỷ niệm, những trải nghiệm về tình yêu đôi lứa đâu có gì nhiều, có chăng thì cũng chỉ là yêu thầm nhớ vụng của tuổi ấu thơ, chứ đâu có được cởi mở, mạnh dạn như lũ trẻ bây giờ.
 |
Kéo pháo ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Tôi được phiên chế cùng đại đội với anh Tô Vĩnh Diện, tuy tôi lái xe kéo pháo, còn anh Diện là pháo thủ nhưng cùng phục vụ chung một khẩu pháo nên vẫn ở chung một nhà. Anh Diện hơn tôi năm, sáu tuổi nhưng chúng tôi có hoàn cảnh trước khi vào lính rất giống nhau, cùng tham gia du kích, cùng ngập ngũ một năm, tính tình lại giống nhau, hay làm, ít nói, nên chúng tôi thân thiết với nhau hơn các anh em khác. Khi còn ở quê, chúng tôi đều mới chỉ là những cậu bé quê mùa lúc nào cũng chỉ quần đùi lưng trần mò cua bắt ốc, nhìn thấy con gái vội lảng tránh xa, bạn bè có trêu đùa với cô nào thì ngượng tím người không dám nhìn mặt người ta nữa, đâu đã biết yêu là gì. Anh Tô Vĩnh Diện vẫn “khai” với chúng tôi rằng anh chưa có người yêu nhưng anh em trong tiểu đội chúng tôi đều không tin lắm nên hay để ý rình. Một hôm, anh Tô Vĩnh Diện lấy thư nhà ra đọc, thấy có hiện tượng giấu giấu diếm diếm, thỉnh thoảng lại lấy một tấm ảnh ra xem, một cậu lính ranh ma theo dõi thấy tấm ảnh anh Diện đang ngắm là ảnh của một cô gái, cậu ta reo to lên: “Anh Diện có vợ rồi các cậu ơi, ra xem ảnh vợ anh Diện này!”. Thế là cả lũ chúng tôi ùa đến vật anh Diện ra giường, giành bằng được tấm ảnh con, chuyền tay nhau xem khắp lượt, anh Diện thì ngượng đỏ mặt giải thích thế nào chúng tôi cũng vẫn không nghe, cứ hò reo ầm ĩ: “Anh Diện có vợ rồi !”.
Đêm hôm ấy trong phiên gác, anh Diện tâm sự với tôi: “Tên cô bé ấy là… (lâu quá rồi, tôi không nhớ nữa), người cùng làng với mình. Thực ra chúng mình đã có gì với nhau đâu, lúc mình ở nhà, cô ấy còn bé tý, tấm ảnh này là do em gái mình mới gửi để giới thiệu cho mình chứ chúng mình đã nói được với nhau gì đâu.... Nhanh quá, mới ngày nào mà bây giờ nó đã thành cô gái xinh đẹp thế này rồi, xem ảnh mình không tài nào nhận ra nổi”. Tôi cố gặng hỏi anh Diện: “Thế anh có thích cô ấy không và cô ấy có thích anh không?”. Anh Diện cười, nói: “Như em mình nói thì cô ấy thích”. Anh Diện ao ước được về phép thăm nhà, gặp cô ấy và… mong ngày hòa bình để về xây dựng hạnh phúc.
Sau đợt tập huấn, cuối năm 1953 chúng tôi nhận trang bị đồng bộ lên đường hành quân về Việt Nam. Đoàn xe của chúng tôi đội hình uy nghi rầm rộ diễu qua thị trấn Tân Dương, Quảng Tây. Nhân dân Trung Quốc đứng dọc hai bên đường vẫy chào và hô lớn “Việt Nam-Trung Quốc muôn năm”, “Chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng!” làm chúng tôi vô cùng cảm động. Nhiều người rớm nước mắt vẫy tay tạm biệt những người anh em đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ bấy lâu.
Đơn vị chúng tôi về tập kết ở Bằng Tường, qua ngả Lạng Sơn về tập trung ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng trong khí thế hừng hực chuẩn bị ra trận. Thấy bộ đội ta có súng to, nhân dân khắp vùng và những đoàn dân công hỏa tuyến ùn ùn kéo đến xem. Chúng tôi hành quân vất vả, bụi đất vàng người nhưng vũ khí, khí tài lúc nào cũng sạch bóng, phủ bạt kín mít. Nhiều bà con đứng ngẩn người ra ngắm nghía và xin được mở bạt ra xem. Lũ lính trẻ chúng tôi được dịp làm cao, vênh mặt đứng nghiêm gác giữ khí tài hoặc cao giọng nhiệt tình giảng giải cho mọi người về tính năng công dụng của các loại súng cùng những khí tài đi cùng, nhưng tuyệt đối không cho mọi người lại gần xe, pháo. Tôi còn nhớ nhất là chuyện một cụ già người dân tộc Tày đã trên 70 tuổi, dáng gầy gò nhưng quắc thước đến phân trần với chúng tôi: “Bố ở cách đây hơn 10 cây số, nghe tin bộ đội mình nhận được súng to, cả bản sung sướng lắm. Phen này nhất định mình thắng to, bố phải nắm cơm đi bộ lên tận nơi xem cái súng to này. Phen này thì ta thắng chắc rồi. Các con phải cho bố xem nó tận nơi mới được”.
Được đại đội trưởng đồng ý, chúng tôi vừa mở bạt khẩu pháo 88 rất to ra cho mọi người xem, tất cả ồ lên một tiếng rồi ngó nghiêng nhìn. Những tiếng xuýt xoa, những đôi mắt hồ hởi ánh lên niềm tin nhất định quân ta sẽ thắng.
Từ chiến khu Việt Bắc, chúng tôi đêm đi ngày nghỉ hành quân vào Điện Biên. Không thể nào nói hết được những khó khăn gian khổ mà chúng tôi phải trải qua trên đường hành quân, qua núi qua đèo vào Điện Biên Phủ. Vì phải giữ bí mật tuyệt đối, không để cho quân địch biết ta có trang bị vũ khí, khí tài gì và để tránh bị máy bay địch ném bom, chúng tôi chỉ được phép đêm đi, ngày nghỉ - ngụy trang xe pháo giấu thật kín nơi an toàn, nhưng riêng pháo 37 chúng tôi lại phải thường trực bắn máy bay địch nên mệt mỏi vô cùng.
Dân công hỏa tuyến, các đoàn xe thồ rầm rập đi qua chỗ chúng tôi trong im lặng nhưng khẩn trương và khí thế vô cùng. Những lúc ấy tôi hay nói đùa: “Anh Diện ra xem có người yêu của anh trong đó không”; anh Diện chỉ cười rồi lặng im tư lự, đôi mắt hướng về phía xa xăm. Đêm nào chúng tôi cũng phải gắng vượt một đoạn đường đã định, hướng về phía Điện Biên. Đường rừng, đèo dốc, công binh và dân công vừa mới mở, bùn đất lầy lội vô cùng khó đi, xe tải ngày ấy chưa được trang bị trợ lực tay lái tốt như xe bây giờ nên lái xe vô cùng vất vả, buồng lái thì rất nóng mà lại không có điều hòa nên cửa cabin lúc nào cũng phải mở toang, lái xe và phụ xe lúc nào cũng bụi đất vàng khè, mồ hôi nhễ nhại. Biết chúng tôi vất vả, anh Diện luôn luôn động viên, giúp đỡ và trong các bữa ăn thường đề nghị anh nuôi dành phần ưu ái cho chúng tôi. Đích hành quân mà chúng tôi chờ đợi – Điện Biên Phủ - cuối cùng đã đến. Chúng tôi được lệnh giấu xe từ Tuần Giáo, kéo pháo bộ vượt đèo, đưa pháo vào sườn bên kia núi, nhìn xuống lòng chảo Mường Thanh.
Trải qua bao khó khăn vất vả, nhờ sự giúp sức của công binh và các đơn vị bộ binh, hàng trăm người cực nhọc, chúng tôi mới kéo được pháo vượt đèo đặt vào công sự mà công binh đã chuẩn bị trước. Chúng tôi nhảy cẫng lên ăn mừng mà không dám reo to, bắt chặt tay nhau cảm ơn trong đêm tối mà không rõ mặt nhau, hứa với nhau quyết tâm chiến thắng.
Nghỉ được một ngày trong tiếng pháo ì ầm của địch từ phía lòng chảo bắn lên và tiếng máy bay gầm rú, quần đảo tìm quân ta, pháo ta để hủy diệt thì ngay đêm sau, khi chúng tôi chưa kịp hồi sức thì sững người nhận tin phải kéo pháo ra. Pháo kéo lên đã khó, kéo pháo xuống núi còn khó hơn. Để đưa khẩu pháo nặng 2,4 tấn được đặt trên các bánh xe xuống núi, chúng tôi phải dùng cả sức lực và trí tuệ của hàng trăm người. Tôi còn nhớ anh Tuyển người ở Hà Đông đã có sáng kiến, chế ra những cái tời làm cho việc kéo pháo nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sáng kiến được cả mặt trận áp dụng. Chúng tôi tay trần nắm chặt dây cáp của tời, thả pháo nhích xuống từng bậc, từng bậc. Dây cáp được vắt qua những ròng rọc cố định vào các gốc cây to, hai hàng người ở hai bên cùng kéo. Công việc đòi hỏi phải phối hợp nhịp nhàng, chính xác này ngay giữa ban ngày lúc yên bình còn khó, huống chi trong đêm tối, dốc núi thăm thẳm, mưa trơn và chốc chốc pháo địch lại nổ roẹt bên tai, trong ánh chớp lòe lại thấy vài người đồng đội ngã xuống. Lúc kéo pháo ra, pháo địch từ lòng chảo bắn ra ác liệt, làm rất nhiều người hy sinh. Mặc pháo địch nổ rền, hàng trăm người vẫn níu trên dây cáp dài, ai cũng máu rớm bàn tay, cố giữ để pháo từ từ lăn xuông; và cứ mỗi bậc, lại có hai người hai bên, vừa lái càng vừa sẵn sàng đặt chèn để hãm pháo dừng khi có lệnh nghỉ hay có sự cố. Công việc đi trước để chèn pháo vừa vất vả, vừa nguy hiểm này do anh Diện và anh Ty đảm nhiệm. Cái đêm định mệnh ấy tôi đứng ở đầu dây kéo ngược lên, tức là tôi quay mặt ngược lên núi, trong khi pháo chuyển động dần xuống chân núi. Phía chúng tôi có nhiệm vụ đạp chân ngược dốc núi, tay kéo cáp giữ cho pháo không lao xuống dốc. Đang căng người kéo cáp, tôi thấy hẫng người và ngã lăn quay xuống dốc…, tôi nghĩ đứt cáp rồi. Cố bám cây cỏ để bò dậy tôi thấy mọi người lao xao ở hàng bên kia, xúm quanh khẩu pháo đã quay ngang sườn đèo, càng pháo đâm vào vách một hốc núi. Tôi cố lần sang chỗ mọi người đang xúm lại thì thấy anh Diện đã hy sinh. Mọi người đều nói, may có anh Diện kịp thả chèn, lái pháo nên khẩu pháo đã quay ngang không lao xuống núi. Gương anh Diện hy sinh cứu pháo lập tức được lan ra khắp chiến trường, động viên mọi người chiến đấu. Sau chiến dịch, năm 1955, anh được tuyên dương Anh hùng quân đội, đơn vị chúng tôi rất tự hào về anh, nhưng trong lòng tôi giữ mãi một niềm xót thương… khi anh đã hy sinh ở tuổi đang mơ ước về tình yêu hạnh phúc mà chưa một lần biết đến tình yêu, chưa được gặp lại người mình thầm yêu thầm nhớ.
 |
Cựu chiến binh, Chiến sĩ Điện Biên Bùi Văn Hà bên mộ AHLLVT Tô Vĩnh Diện. Ảnh tác giả cung cấp.
|
Năm 2003, trước dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được cùng đoàn Cựu chiến binh Chiến sĩ Điện Biên huyện Lương Sơn, Hòa Bình lên thăm lại chiến trường xưa. Đến ngồi bên mộ anh Tô Vĩnh Diện tôi khấn lớn như khóc anh:
Anh Tô Vĩnh Diện ơi
Nhớ năm học ở Trung Hoa
Anh là pháo thủ ngắm xa quay tầm
Hôm nay tôi được về thăm
Nghĩa trang liệt sĩ anh nằm lại đây
Tôi đi chinh chiến Đông Tây
Mang theo kỷ niệm những ngày sống chung
Nhớ chăng tấm ảnh xem cùng
Người yêu anh đã lên thăm lần nào
Anh hiến dâng dòng máu đào
Để cho chiến thắng, cờ sao rợp trời
Nhớ anh xin khấn mấy lời
Tấm gương anh mãi sáng ngời trong tôi.
Thấm thoắt mà đã 10 năm rồi, sắp kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi, ước gì tôi lại có dịp được lên thăm anh lần nữa anh Tô Vĩnh Diện ơi!
BÙI VĂN HÀ- Cựu chiến binh, Chiến sĩ Điện Biên
(Vũ Văn Huệ ghi)