QĐND - Những người trẻ bây giờ ai cũng biết về Điện Biên Phủ là chiến thắng của một dân tộc thuộc địa bị áp bức nghèo nàn trước đạo quân đế quốc thực dân xâm lược hùng mạnh. Trên ý nghĩa ấy, những người trẻ ở các nước trên thế giới có tìm hiểu về Việt Nam cũng cùng chung suy nghĩ với các bạn trẻ chúng ta. Loài người đang sống cuộc sống thông tin đa chiều, đa dạng và phức tạp nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ như vầng hào quang chói lọi xuyên qua mọi thứ mây mù, mọi lớp bụi thời gian.

Nói chuyện với những người trẻ, tôi nhớ tuổi thơ và phần đầu tuổi trẻ của mình chẳng có được nhiều thông tin, hiểu biết như họ. Trong số những huân chương, huy chương, kỷ niệm chương bố tôi để ở nhà, có chiếc Huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Trong số vật dụng ít ỏi của ông có chiếc ca sắt tráng men màu vàng có lá cờ và dòng chữ đỏ "Quyết chiến quyết thắng". Những vật kỷ niệm ấy cùng những câu chuyện ngắn ngủi bố tôi kể mỗi khi ghé qua nhà dần hình thành trong tôi một Điện Biên Phủ như chiếc ống kính vạn hoa, nhìn góc nào, kiểu nào cũng sáng đẹp lung linh.

Ở trường học, chúng tôi hát vang những bài hát "Qua miền Tây Bắc", "Giải phóng Điện Biên", "Hò kéo pháo", "Bế Văn Đàn sống mãi" cùng những bài học, những bản đồ... Đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chúng tôi được biết đến khẩu sơn pháo 75mm, khẩu đại bác 105mm và những chiếc xẻng của bộ đội ta đánh trận Điện Biên Phủ. Bên cạnh là chiếc xe thồ kỷ lục của dân công tiếp tế... Những câu chuyện về Phan Đình Giót, Phan Tư, Phùng Văn Khầu và những người chỉ huy, chiến sĩ cuốn hút chúng tôi.

Ống kính vạn hoa về Điện Biên Phủ trong tôi ngày mỗi phong phú. Nhưng rồi đến một buổi sáng khi tôi đeo chiếc ba lô năm mảnh của bố lên đường vào trường đại học nơi sơ tán trên núi rừng Việt Bắc, tôi không còn nghĩ Điện Biên Phủ như một ống kính vạn hoa nữa mà là một quầng lửa dữ dội. Những năm tháng ấy, Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá nặng nề. Chúng tôi từng phải đào bới cứu bạn mình bị bom vùi lấp. Những gia đình hàng xóm bị mất vợ, con, xác những đứa trẻ bị hất tung kẹt giữa những rặng tre... Lớp lớp các chú, các anh nhập ngũ. Thỉnh thoảng tin tức hy sinh. Rồi những người bị thương từ các chiến trường trở về. Chiến tranh là vậy, đánh giặc, cứu nước là vậy. Tôi hiểu rõ thêm vì sao Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót hy sinh. Tôi hiểu rõ hơn những vết thương trên thân mình bố tôi khi xông vào lửa đạn cứu đồng đội, cứu máy móc, trang bị trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chín năm. Quầng lửa Điện Biên Phủ hiện ra quyết liệt trong các bài giảng, giáo trình, chúng tôi chụm đầu cùng những sinh viên tuổi cao là những cán bộ, thương binh thời đánh giặc Pháp và cả thời đánh giặc Mỹ.

Rồi đến lượt chúng tôi tạm biệt giấc mơ khoa học, xếp bút nghiên lên đường. Chiếc ba lô thời đánh Pháp để lại thay bằng chiếc ba lô "con cóc" to rộng, thuận tiện hơn. May mắn và tự hào lắm thay, những chỉ huy trung đoàn, sư đoàn của chúng tôi ở đơn vị bộ binh hay ở các đơn vị hải quân đều là những người trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, có nhiều người đi ra từ quầng lửa Điện Biên Phủ. Cả đời chiến trận, lớp người ấy trở thành bộ khung cốt cán cho tất cả mọi đơn vị, mọi quân đoàn, quân binh chủng hùng hậu, mọi chiến trường. Quầng lửa của niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, của tinh thần quyết chiến quyết thắng, của bản lĩnh và trí tuệ khoa học, sáng tạo hiện thân trong những con người ấy.

Mùa Xuân 1975, tôi vừa vào Huế, Đà Nẵng ngày giải phóng thì đã thấy Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân cùng những người của Điện Biên Phủ, của kháng chiến chống Pháp có mặt. Liền đó, những nhà báo cao tuổi, những chỉ huy của tôi ở Báo Quân đội nhân dân cũng đã có mặt. Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Thần tốc, thần tốc hơn nữa...", cơ quan giao nhiệm vụ cho tôi tiếp tục theo Quân đoàn 2 tiến về phía Nam. Chính ủy Quân đoàn Lê Linh cũng lập tức chấp nhận tôi, một phóng viên mới vào nghề vào đơn vị. Rồi những trận đánh ác liệt công phá "phòng tuyến Phan Rang", tôi thấy những người của Điện Biên Phủ năm nào luôn có mặt trong đội hình tiến công. Tư lệnh phó Hoàng Đan còn ngồi trên chiếc xe tăng đột kích. Và điểm hẹn cuối cùng, Dinh Độc Lập trưa 30 tháng 4, bên những cán bộ, chiến sĩ trẻ lớp đánh Mỹ là những mái đầu bạc của những chỉ huy và cả những nhà báo đi suốt cuộc trường chinh hơn 20 năm từ điểm hẹn lịch sử Điện Biên Phủ.

Và sau này nữa, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, chỉ huy Quân tình nguyện ở Cam-pu-chia và cả trong cuộc chiến bảo vệ Trường Sa vẫn sừng sững, rạng rỡ những Bộ đội Cụ Hồ từ quầng lửa Điện Biên Phủ. Rồi cũng chính những con người thuở ấy khởi nguồn và chỉ huy cuộc kiến tạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Người của năm 1945, người của kháng chiến 9 năm, của Điện Biên Phủ, của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dọc dài thế kỷ 20, của hòa bình và đổi mới, hạnh phúc thay lớp Người vằng vặc ấy vẫn còn đây bên chúng ta. Lịch sử đã chọn họ hay đúng hơn họ đã làm nên lịch sử, đã trao truyền, dìu dắt và gửi gắm cho lớp lớp người sau đi tiếp con đường Bác Hồ và cả dân tộc đã chọn.

Nhưng hôm nay, trong niềm vui quây quần giữa kỷ niệm lớn 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại sao trên đôi mắt những chiến binh già ấy lại rơm rớm lệ? Cái đích độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc đã đến, "nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt" và dành cho những bạn chiến đấu của họ đã nằm lại trong các Nghĩa trang Đồi A1, Nghĩa trang Độc Lập, những đồng đội khác và cả những con, những cháu của họ đã ngã xuống trong cuộc chiến dài trên mấy chục năm khắp miền Tổ quốc. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và những người chỉ huy Điện Biên Phủ đã ra đi theo Bác Hồ. Bao người đã ra đi, lớp chiến sĩ Điện Biên giờ đều đã ở độ tuổi 80, 90 và hơn nữa. Họ còn ở cùng chúng ta bao lâu? Chỉ biết rằng bầu nhiệt huyết cháy bỏng tình nghĩa nước non, đồng chí đồng bào từ quầng lửa Điện Biên Phủ trong họ vẫn ngày ngày truyền đến lớp lớp người hôm nay, mai sau nữa và mãi mãi. Đó là lý do vì sao trong cờ hoa rực rỡ hôm nay, lớp trẻ thời đánh giặc Mỹ, lớp trẻ thời xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tất thảy mọi người đều dành trọn niềm tin, sự tôn vinh bất tận cho thế hệ Người Điện Biên Phủ. Kế tục ông cha, dấn thân trong mọi việc của đất nước - chỉ có vậy mới càng hiểu, mới xứng đáng với lớp người đi trước, mới làm cho quầng lửa ấy muôn đời tỏa sáng.

Tùy bút của MẠNH HÙNG