QĐND Online - Thương binh Vũ Đình Lưu (ngõ 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định) thành lập “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” đến nay đã gần 7 năm và cũng ngần ấy thời gian, Ông Lưu vừa hướng dẫn khách đến tham quan, vừa bảo quản, sưu tầm kỷ vật chiến tranh như sự tri ân quá khứ một thời hào hùng của dân tộc.
Mỗi kỷ vật một câu chuyện cảm động
Đến thăm Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của thương binh Vũ Đình Lưu (ngõ 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định) vào những ngày đất nước ta đang hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954-7-5-2014), chúng tôi như được trở về với quá khứ một thời hào hùng của dân tộc. Quan sát chúng tôi nhận thấy, khu trưng bày hiện vật thời kháng chiến chống Pháp được ông sắp xếp rất khoa học theo các nhóm hiện vật như: Nhóm vũ khí, nhóm chiến lợi phẩm thu được của thực dân Pháp, nhóm đồ dùng sinh hoạt của người lính…nhiều hiện vật thuộc loại quý hiếm như: Bản đồ biệt khu thủ đô trước năm 1950; chiếc máy ảnh của Pháp được sản xuất năm 1932, người Pháp đưa sang nước ta sử dụng trong thập niên 40-50 của thế kỷ 20; các lọ thuốc kháng sinh được sản xuất từ những năm đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp; ca uống nước trang bị cho bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp…Phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm được một vị trí đứng chân phù hợp trong căn nhà chỉ gần 30 m2 để cùng khách tham quan theo dõi ông Lưu giới thiệu về hiện vật gắn với những câu chuyện đầy cảm động trong kháng chiến chống Pháp. Tuy chưa được đào tạo về nghiệp vụ bảo tàng, song do nắm tường tận những hiện vật do chính tay mình sưu tầm, nên ông giới thiệu lưu loát, truyền cảm như một hướng dẫn viên có thâm niên trong nghề. Chỉ vào chiếc ruột tượng của cụ Vũ Văn Thược, Mỹ Lộc, Nam Định dùng đựng gạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông thuyết minh: Năm 1952, chiến sĩ Vũ Văn Thược quê ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định đóng quân ở Hà Đông; anh lính trẻ quen cô gái trong một gia đình có nghề dệt vải truyền thống và đem lòng yêu thương, mối tình đầu của đôi trai gái nảy nở như hoa Ban trắng giữa núi rừng Tây Bắc. Thế rồi, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, người lính nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng Điện Biên Phủ. Trước lúc chia tay người yêu, cô gái đã gửi tấm chân tình của mình cho chàng trai bằng việc tự tay may chiếc tượng gạo bằng vải đũi, đựng được khoảng 10 kg gạo tặng cho chàng trai với lời hứa khi giải phóng Điện Biên, chàng trai phải giữ và mang được chiếc tượng gạo về cô sẽ lấy làm chồng. Năm 1954, sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, chiến sĩ Thược nhận nhiệm vụ tiếp tục cùng anh em đơn vị ở lại giúp nhân dân địa phương vùng Tây Bắc phát triển kinh tế, mãi đến năm 1958 anh mới hoàn thành nhiệm vụ và trở lại tìm người yêu. Cô gái ở nhà mòn mỏi trông đợi tin tức của người yêu và buồn bã nghĩ anh đã quên lời hẹn ước nên đành chuẩn bị xây dựng gia đình với người khác. Khi biết người yêu trở về mang theo chiếc tượng gạo mình tặng, cô đã hủy đám cưới để thực hiện lời ước hẹn.
 |
Ông Vũ Đình Lưu ân cần hướng dẫn khách tham quan bảo tàng.
|
Còn chiếc ví da đã ngả màu theo thời gian được ông Lưu giới thiệu gắn với câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của người nữ địch vận hoạt động trong thời kỳ chống Pháp. Năm 1950, sau khi đưa ông Nguyễn Văn Trạc bị thực dân Pháp bắt đi lính trở về với cách mạng, người nữ địch vận đã tặng cho ông chiếc ví da. Sau này cô bị thực dân Pháp bắn chết trong khi đang làm nhiệm vụ. Cảm kích trước tấm lòng của nữ chiến sĩ địch vận, chiếc ví da được ông Trạc giữ bên mình như một báu vật, đến năm 1987, khi sắp qua đời, thì ông bàn giao lại cho em trai là ông Nguyễn Văn Quát (Thuận Vi, Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình). Sau 25 năm gìn giữ chiếc ví của anh trai, ông Quát đã tặng lại cho Bảo tàng kỷ vật chiến tranh…
Tiếp lửa truyền thống
Theo số liệu thống kê, hiện Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Vũ Đình Lưu đã sưu tầm được gần 1300 hiện vật, mỗi hiện vật dù lớn hay nhỏ đều được ông lập thành ba bộ hồ sơ, một bộ do ông cất giữ, hai bộ còn lại gửi lên Bảo tàng tỉnh Nam Định và Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ. Để có được những hiện vật này, ông phải đầu tư rất nhiều công sức, đi khắp các tỉnh thành trên cả nước để tìm kiếm, sưu tầm. Ông Lưu kể: Năm 2008, khi được tin Đại tá Vũ Ngọc Cừu, xã Thọ Minh, Thọ Xuân, Thanh Hóa có kỷ vật là ca uống nước được Bác Hồ tặng trong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã tìm đến song do không thuộc đường nên ông đã lạc gần 100 km mới gặp được Đại tá Cừu để xin hiện vật. Một lần khác vào năm 2009, khi được ông Nguyễn Văn Diễn, Số nhà 8, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên cho biết trên đồi A1 khi thi công công trình phát hiện chiếc mũ sắt của sĩ quan Pháp nhưng đã lấp lại. Được tin, ông đã lên Điện Biên cùng ông Diễn đến hiện trường tìm hiện vật, phải mất nhiều ngày dùng cuốc, xẻng đào bới ông mới tìm được chiếc mũ ấy, và rất may được cả vỏ đạn ĐKZ mang về trưng bày…Đi lại đã vất vả, song việc thống kê tìm lai lịch của hiện vật và đăng ký cất giữ cũng rất khó khăn, ông phải nhờ đến các cơ quan chức năng có chuyên môn giúp đỡ. Để việc bảo quản những kỷ vật này được tốt, ông Lưu đã dành dụm đồng lương hưu trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút bụi, hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa phục vụ cho công tác bảo tồn.
Trung úy QNCN Vũ Văn Đức, nhân viên Nhà văn hóa, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Nam Định khi tham quan bảo tàng, đã bày tỏ tình cảm: “Kỷ vật mà bác Lưu trưng bày đã làm cho những quân nhân như tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào khi trở thành người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi nguyện noi gương thế hệ cha anh đem hết sức trẻ học tập, rèn luyện làm chủ vũ khí trang bị, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Theo đồng chí Nguyễn Mai Huế, Phó phòng kho bảo quản, Bảo tàng tỉnh Nam Định: “Số lượng hiện vật trong Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Lưu rất phong phú, thậm chí nhiều hiện vật thuộc diện quý hiếm, nếu được trưng bầy trong diện tích phù hợp sẽ phát huy tốt giá trị của hiện vật. Cùng với đó, do kinh phí hạn hẹp cũng gây không ít khó khăn trong công tác bảo quản, bảo dưỡng hiện vật”.
Chia tay với Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của thương binh Vũ Đình Lưu, trong mỗi chúng tôi dạt dào tình cảm và sự ngưỡng mộ tấm lòng của một cựu chiến binh đã vượt lên những cám dỗ bon chen của đời thường, bỏ công sức, tiền của gìn giữ quá khứ hào hùng của dân tộc. Mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục có chính sách phù hợp giúp ông Lưu phát huy hết giá trị của Bảo tàng kỷ vật chiến tranh.
Bài, ảnh: LÊ MINH THIỆN