QĐND - 60 năm đã trôi qua, nhưng những dư âm về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng mãi. Tại sao đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Người Pháp đã sai lầm ở đâu? Sau đây là một số phân tích qua cách nhìn của các học giả nước ngoài…

Nguyên nhân của những sai lầm

Sự phán đoán và đánh giá thấp đối phương là căn bệnh cố hữu của tướng tá và binh lính Pháp. Chẳng ai nghĩ rằng, “Việt Minh” có thể vận chuyển lên đây một khối lượng lớn những vũ khí hạng nặng như pháo 105mm, pháo cao xạ… với đạn pháo dồi dào, lương thực và xăng dầu đủ dùng trong nhiều tháng trên con đường 41 độc đạo mà máy bay ném bom quần thảo suốt ngày đêm.

Pháp đánh giá thấp đối phương trong việc vận chuyển lương thực và vũ khí bằng một sự tính toán rất khoa học của phương Tây. Rằng, với một chiếc xe đạp thồ chỉ có thể chở được một khối lượng gấp 2-2,5 lần trọng lượng của người châu Á nhỏ bé. Tuy nhiên, những đoàn dân công của Tướng Giáp với lực lượng hàng vạn người đã nâng khối lượng lên 10-12 lần. Đó là điều mà người Pháp không thể nào ngờ được. Máy bay do thám của Pháp đã không thể phát hiện được gì khi những “lùm cây di động” ấy vẫn ùn ùn ngày đêm đi trong rừng già tiến về Mặt trận Điện Biên Phủ.

Trung tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ đã phải trả giá bằng sinh mạng vì sai lầm của mình. Ảnh tư liệu.

Sự phá sản của hệ thống tình báo quân sự của Pháp khi đánh giá thấp khả năng của đối thủ dẫn tới sự phá sản của cả kế hoạch tác chiến sau này. Đó là sự phán đoán và đánh giá sai về pháo binh và pháo phòng không của Việt Minh mà Tướng Giáp có thể đưa vào Mặt trận Điện Biên Phủ. Điều này được biểu hiện qua sự huênh hoang, kiêu ngạo và khiêu khích của Trung tá Pi-rốt - Tư lệnh pháo binh, Chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm khi tuyên bố: “Không một khẩu pháo nào của Việt Minh bắn đến phát thứ ba mà không bị phản pháo”, và rằng: “Pháo của tôi ở Điện Biên Phủ sợ không dùng tới hết”, hay: “Pháo của Việt Minh có thể gây chút ít phiền phức, nhưng các pháo thủ của tôi sẽ khiến cho họ phải câm họng”, hoặc: “Họ bắn ư? Tôi sẽ đội trên đầu tôi chiếc mũ ca lô đỏ này để họ nhìn cho rõ hơn…”.

Những tuyên bố này cũng dễ hiểu bởi suốt thời gian giao tranh trước đó, chưa hề thấy Tướng Giáp cho pháo hạng nặng 105mm xuất trận. Và từ biên giới Trung Quốc đến Điện Biên Phủ, chưa một lần nào thấy dấu hiệu bị pháo hạng nặng của Việt Minh uy hiếp cả. Phía Pháp còn bắt được một “bản đồ trận địa pháo” của một tù binh Việt Minh, và từ trên không, họ dùng phim đen trắng, phim màu, phim hồng ngoại để kiểm tra nhưng không thấy có gì lạ. Tướng tá Pháp nhận định, giả dụ Tướng Giáp đưa được lên đây vài khẩu pháo hạng nặng, ông ta có thể vác được bao nhiêu đạn? Liệu có đủ bắn trong mười phút đồng hồ hay không? Đó là những nhận định trước khi Việt Minh nổ súng.

Về nghệ thuật dùng pháo của quân đội viễn chinh Pháp, Pi-rốt rất tin vào các pháo thủ của mình. Ông ta cũng tin tưởng rằng, không có người chỉ huy nào điên rồ tới mức đặt pháo trên sườn dốc 450 của lòng chảo Điện Biên như thế này để tấn công quân đội với lực lượng pháo binh mạnh trong đồn trú, ngoại trừ Na-pô-lê-ông. Và không biết liệu Tướng Giáp đã đọc, đã nghiên cứu cách đặt pháo của Na-pô-lê-ông hay chưa thì Pi-rốt không quan tâm lắm. Sau đợt bắn pháo chuẩn bị của Việt Minh và bị phản pháo, tướng tá Pháp vẫn vui đùa và cho rằng: “Ông Giáp chỉ có mấy khẩu pháo cổ lỗ hôm nay đem ra dùng và đã bị đập nát tan tành…”. Chỉ đến khi Việt Minh bắn dữ dội vào đội hình cứ điểm Điện Biên Phủ, người Pháp mới kinh hoàng nhận ra sai lầm của mình. Hậu quả, là pháo binh của Pháp bị hạ gục lần lượt từng khẩu một trong cuộc đọ sức với Việt Minh. Pi-rốt biết rằng, tập đoàn cứ điểm này đã tới số. “Tôi gánh trách nhiệm. Tôi gánh trách nhiệm” - Pi-rốt lẩm bẩm. Đến đêm 14-3-1954, Pi-rốt tự sát bằng một quả lựu đạn...

Bị động, bị bất ngờ và bất đồng trong nội bộ chỉ huy

Cùng với việc tiến công lên Tây Bắc, Việt Minh bất ngờ mở các cuộc tiến công trên các hướng quan trọng như Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào... Cuối cùng, bộ chỉ huy Pháp cho rằng: "Việt Minh đã từ bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ”.

Bị mất đi khối lực lượng cơ động chiến lược, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp H.Na-va không thể thực hiện được ý định của mình là “luôn luôn chủ động”, “luôn luôn tiến công” như lời tuyên bố của vị đại tướng này khi mới nhậm chức. Có nghĩa là ông ta mất khả năng cứu giữ Điện Biên Phủ bằng cách tăng cường binh lực đột biến của nó, hoặc mở chiến dịch tiến công lớn ở một hướng chiến lược nào đó, buộc Việt Minh phải rút lực lượng và phương tiện ở Điện Biên Phủ ra để đối phó. Điều đó đã khiến cho gần nửa triệu quân viễn chinh Pháp và ngụy, cùng hàng trăm máy bay các loại, hàng nghìn xe tăng và xe bọc thép, hàng trăm tàu chiến bị phân tán, dàn mỏng ra khắp Đông Dương. Khi đó Tướng Giáp đã tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực và bắt đầu cuộc tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thời cơ có lợi nhất, thời điểm quân Pháp bị bất ngờ. Chính La-ni-en, Thủ tướng Pháp đã phải thừa nhận: “... Kẻ địch (ám chỉ Việt Minh) với việc điều quân cơ động tài tình, đã buộc chúng ta (chỉ quân Pháp) phải giao chiến ở Điện Biên Phủ, một cuộc giao tranh với tầm quan trọng như vậy... Bộ chỉ huy đã phạm sai lầm ở chỗ tưởng rằng đã thu hút được địch thủ đến một mặt trận mà ưu thế của chúng ta sẽ bảo đảm thắng lợi, trong khi ngược lại, chính đối phương đã lựa chọn địa thế đó”.

Sau này, theo đánh giá của người Pháp: Từ khi Điện Biên Phủ trở thành “cái túi” hứng đạn pháo của quân Việt Minh, điều rõ ràng với binh lính Pháp là Đờ Cát không thích hợp để chỉ huy một tập đoàn cứ điểm như thế này. Vào thời điểm đó, Đờ Cát gần như không làm việc gì mà chỉ giam mình trong hầm trú ẩn suốt ngày đêm dưới lòng đất, gần như không hề ló mặt ra để gặp gỡ các sĩ quan dưới quyền. Từ tổng kết chiến sự, đến mệnh lệnh, điều quân hành động đều giao cho 2 Phó chỉ huy tập đoàn là Len-ken và Bi-gia. Việc của Đờ Cát là ngồi nhẩm lại các mệnh lệnh của ông ta và báo cáo về Hà Nội.

Cả H.Na-va và Cô-nhi đều biết việc đó, nhưng Cô-nhi thì coi đó không phải là việc “trực tiếp” của ông ta, còn Na-va thì không hành động vì ông coi Đờ Cát là “người hầu” của mình. Hơn nữa, dù có thay Đờ Cát bằng ai đó thì cũng không thể nào cứu vãn nổi tình thế đã tới mức quá mức nguy hiểm.

Chiều 7-5-1954, vẫn cái giọng đanh gọn, Đờ Cát gọi điện cho Cô-nhi để xin rời bỏ căn cứ quan trọng bậc nhất này. Cô-nhi đã đồng ý và dặn: “Vì danh dự của quân đội viễn chinh Pháp, không được kéo cờ trắng!”, nhưng cờ trắng vẫn mọc lên khắp nơi trên trận địa Điện Biên Phủ.

Quân đội viễn chinh Pháp đã thất bại ở Điện Biên Phủ, cả thế giới đã thốt lên những từ ấy. Nhiều người mừng vui, nhưng cũng lắm kẻ đau đầu. Đó là biểu hiện của chiến thắng không chỉ của một dân tộc, mà của cả các dân tộc bị áp bức, là biểu hiện của sự thắng lợi chung của các dân tộc thuộc địa. Dù có lý do gì để trút bỏ trách nhiệm đi chăng nữa, việc các tướng chỉ huy quân đội Pháp đưa gần 2 vạn quân vào thung lũng lòng chảo Điện Biên, đó là một tội ác chính trị, nơi mà chỉ cần đến mùa mưa, quân Pháp không bị chết đuối thì cũng sẽ đầu hàng.

 

........................

 

Tài liệu tham khảo:

 - Davile - Lacantuya, Từ cuộc chiến tranh của người Pháp đến cuộc chiến tranh của người Mỹ, NXB Seul, Paris, 1969.

- Hoàng Minh Phương, Điện Biên Phủ - những trang vàng lịch sử, NXB Trẻ. 2004.

- R. Laffont, Điện Biên Phủ - Một góc của địa ngục, Paris, 1968.

 - Hen-ri Na-va, Đông Dương hấp hối, Paris, 1958.

- Jean Renald, Địa ngục Điện Biên Phủ, Paris, 1955.

- Rou Jules, Trận Điện Biên Phủ, Paris, 1963.

 

Đại tá, PGS, TS TRẦN NAM CHUÂN