QĐND - Trung tuần tháng 3-2014, tại nhà của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hải, ở thôn Vạn Lộc (Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội), tôi được nghe kể về những kỷ niệm của người CCB một thời phụ xe phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1940, ông Hải lên 4 tuổi thì bị lạc gia đình, được một tổ chức Việt Minh cưu mang, rồi cho gia nhập quân đội (tháng 9-1953). Tháng 2-1954, ông được điều về Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội ô tô 1 (Tổng cục Cung cấp) làm chiến sĩ phụ xe. Khi đó, quân đội ta mới có 2 đại đội ô tô (chủ yếu là xe GAT 63). Đại đội ô tô của ông Hải có nhiệm vụ vận chuyển vật chất hậu cần do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ từ Lào Cai, Yên Bái tập kết hàng tại ngã ba Tuần Giáo.

CCB Nguyễn Văn Hải (bên phải) giới thiệu bức tranh chiến thắng Điện Biên Phủ do Đoàn xe 175-Điện Biên Phủ tặng khi ông tròn 70 tuổi.

Quá trình công tác, ông Hải được đồng chí Nguyễn Văn Chắt, cán bộ trung đội rất mực tin yêu. Dưới sự chỉ bảo, giúp đỡ của Trung đội trưởng Chắt, ông Hải trưởng thành rất nhanh về nghiệp vụ. Ông am hiểu nguyên tắc “đường nào số ấy” và chỉ cần nghe tiếng máy nổ đã biết cách điều chỉnh ga, số cho phù hợp, từ tiếng nổ ấy cũng biết được máy nóng để cho xe nghỉ (xe không có đồng hồ báo nhiệt).…

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hải được cử đi học và phụ xe tại Trung đoàn 235 (Cục Quản lý xe). Suốt khóa học, ông luôn vận dụng sáng tạo giữa lý thuyết với kinh nghiệm thực tiễn, vượt qua bao khó khăn, trở thành tay lái, nhân viên kỹ thuật giỏi. Tốt nghiệp ra trường, ông được giữ lại trung đoàn, làm tiểu đội trưởng xe.

Tháng 6-1962, tại Trung đoàn 235, Cục Quản lý xe mở hội thi thợ sửa chữa ô tô giỏi với 8 tổ tham gia. Tổ của ông Hải gồm 4 người, do ông làm tổ trưởng. Đến phần thi bảo dưỡng 3 (kiểm tra, sửa chữa, thay biên), 1 tổ không thể hoàn thành nội dung thi. Ban giám khảo cử người đến hỗ trợ cho tổ thi, nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Trưởng ban giám khảo quyết định tập hợp các tổ, quyết tìm cách chữa trị “căn bệnh quái ác” này. Sau thời gian tập trung suy nghĩ, bỗng ông  Hải nhớ lại lời của Trung đội trưởng Nguyễn Văn Chắt: “Sửa chữa máy xe GAT khó nhất là sửa bạc biên, phải cạo đều, cạo nhẵn mới được”. Thế là ông xung phong vào sửa, mọi con mắt dõi theo, chờ đợi. Ông tháo 4 chiếc bạc biên, cạo nhẹ, đều tay rồi lắp lại trục guồng chính. Sau thao tác, tiếng máy nổ của xe bỗng êm ru. Ông nhảy lên vì sung sướng, mọi người cùng vỗ tay tán thưởng. Với thành tích đó, ông Hải được đồng chí Vũ Văn Đôn, Cục trưởng Cục Quản lý xe tặng giấy khen cùng lời dặn: Là lính xe, phải giữ đạo đức làm đầu, xứng đáng “trên tín, dưới tin”.

Năm 1981, ông Hải được nghỉ hưu sau nhiều năm đảm trách chức vụ Trưởng ban Kỹ thuật (Trung đoàn 510, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần). Về nghỉ hưu tại quê nhà, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông lại gánh vác nhiệm vụ xây dựng địa phương. Với hơn 22 năm làm tổ trưởng tổ dân phố Vạn Lộc; 4 năm là tổ trưởng tổ dân phòng liên thôn Vạn Lộc-Văn Thượng, ông có nhiều đóng góp vào giữ vững trật tự an ninh khu phố, xây dựng tình đoàn kết, yêu thương giữa các hộ dân. Nhân dân tín nhiệm, “phong tặng” ông là “người lính già mẫu mực”. Tôi hỏi về bí quyết để thành công, ông cười tươi đáp: “Làm việc gì cũng phải gắng hết sức rồi sẽ thấy vui, sẽ thu được kết quả tốt!”.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC HOÀI