QĐND Online - Tôi còn nhớ như mới ngày nào đây, chúng tôi - những bác sĩ, ý tá, hộ lý trẻ, hơn 30 đồng chí được Cục Quân y cử đi làm nhiệm vụ tải thương phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ.

Chặng đường của chúng tôi khoảng hơn 400km từ Tuần Giáo về hậu phương. Đoàn do bác sĩ Đoàn Liên Thanh làm trưởng đoàn và 2 đồng chí Phó đoàn là bác sĩ Mẫu Đơn và Y Ngông Niê Kdăm (kiêm chính trị viên), chúng tôi thường gọi là anh Việt. Sau này tôi biết bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm là đại biểu Quốc hội, được cử làm Phó ban y tế phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cứ đi 30-40km, đoàn chúng tôi lại đặt một trạm để điều trị và sơ cứu thương binh gồm một bác sĩ, một y tá trưởng và 5 đến 6 y tá, hộ lý cùng một đại đội dân công. Trạm thường đặt cách xa đường nên 4 giờ sáng hàng ngày anh chị em ra đường đón thương binh về trạm phục vụ đến 5 giờ chiều, sau đó chuyển thương binh về trạm sau. Trạm của tôi là trạm cuối cùng đóng tại Nghĩa Lộ cách bến đò Âu Lâu (Yên Bái) gần 10km. Chúng tôi chuyển thương binh từ trạm về thẳng hậu phương, thương binh nhẹ đi bộ xuyên rừng cùng các đồng chí y tá và dân công trong đoàn.

Cựu chiến binh – Chiến sĩ Điện Biên Lê Thị Úy cùng chồng.

Suốt hành trình cáng, tải thương binh đường sông cũng như đường bộ, cả thương binh và anh chị em trong đoàn đều được nhân dân đón tiếp, bao bọc và nấu cơm, nấu cháo phục vụ. Những khi dừng chân, các gia đình ven đường hay hai bên bờ sông Thao từ Yên Bái về Phú Thọ lại đón chúng tôi về nhà mình để chăm sóc, những gì tốt nhất, ngon nhất trong nhà đều được dành phục vụ đoàn cáng tải thương binh, cứ như thế từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tôi còn nhớ một lần chúng tôi chuyển thương binh nặng bằng thuyền thoi, cả đoàn hôm ấy đi 6 thuyền gần về đến Quân y Viện 9 thì trời đổ mưa dông không đi tiếp được. Cả đoàn thuyền phải núp vào con ngòi nhỏ mà khi ấy trời sắp sáng, chưa kịp liên hệ với dân địa phương. Vậy mà chỉ trong chốc lát đã được nhân dân ven bờ khẩn trương cùng chúng tôi đưa thương binh về từng nhà chăm sóc. Đến 5 giờ chiều, trời quang, sóng lặng, chúng tôi lại tiếp tục hành trình về bệnh viện hậu phương. Cứ như vậy, tôi vinh dự cùng các đồng chí cán bộ, bộ đội, dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và cùng toàn dân không kể ngày đêm, không tiếc của cải vật chất, tất cả đều nỗ lực cho chiến dịch thắng lợi. Gần 60 năm đã qua, câu nói của Bác lúc nào cũng theo bên tôi: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

LÊ THỊ ÚY