QĐND - Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Truyền thông Quốc gia đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức Điện Biên”. Qua sự chia sẻ của các nhà báo đã có mặt trực tiếp trên chiến trường Điện Biên Phủ, công chúng hôm nay hiểu thêm về phương thức làm báo đặc biệt của các nhà báo-chiến sĩ.
“Mặt trận 33”
Đây là mật mã đầu tiên của chương trình giao lưu. “Mặt trận 33” chính là mặt trận tư tưởng, là 33 số Báo Quân đội nhân dân (QĐND) ra đời trong những ngày đêm khói lửa nóng bỏng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tòa soạn Tiền phương Báo QĐND chỉ có vẻn vẹn 5 cán bộ, phóng viên với thiết bị hết sức thô sơ mà tờ báo vẫn kịp phát hành để phục vụ cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Theo dòng hồi tưởng của những nhân chứng lịch sử-nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, CCB Nguyễn Xuân Mai, họa sĩ Ngô Mạnh Lân... công chúng hôm nay có thể thấy báo chí là một loại “vũ khí đặc biệt”, phóng viên là chiến sĩ đặc biệt đã tham gia trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ và góp phần vào thắng lợi to lớn của dân tộc ta.
 |
Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp trò chuyện tại buổi giao lưu.
|
Vào những thời điểm trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch nào cũng có phóng viên đi theo để viết bài. Khi kết thúc chiến dịch, phóng viên về mới có bài cho tòa soạn. Nhưng ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo QĐND quyết định thành lập cả một tòa soạn, tổ chức làm báo ngay tại mặt trận, trong khi ở ATK (Định Hóa-Thái Nguyên), tờ "báo mẹ" vẫn xuất bản bình thường. Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp cho biết: “Đây là một chiến dịch lớn, quan trọng và kéo dài nên báo chí cần phản ánh nhanh nhạy, phục vụ chiến đấu. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam, một tòa soạn báo được ra đời ngay trên chiến trường”.
Khi đọc 33 số báo, ta không chỉ thấy thông tin chiến sự, mà thấy cả những sổ tay kinh nghiệm, hướng dẫn của quân y, tranh châm biếm, cổ động, tranh địch vận. Thời điểm đó, thông tin liên lạc vô tuyến điện, ra-đi-ô hầu như chỉ ở cấp trung đoàn trở lên mới có. Vì vậy, những bài báo, dòng tin, tấm hình, thước phim thực sự có giá trị. Có không ít những thông tin chỉ đọc lên đã thấy ngạt thở, hồi hộp về không khí chiến trận mà tác giả phải đối diện trên chiến trường.
Những ký ức không phai
Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp nay đã ở tuổi 91, nhưng ông vẫn sôi nổi và rất minh mẫn khi kể về quãng thời gian làm báo trên chiến trường Điện Biên Phủ. Từ quyết định hành quân bí mật, nhận nhiệm vụ ở nơi chiến trường đầy nguy hiểm, đến những khoảnh khắc gấp rút khi tác nghiệp, giây phút đau thương khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, vẫn khó phai mờ trong ký ức ông. Với nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, “cây bút luôn là súng, bài báo luôn là đạn”. Ông thường viết về những chủ đề gần gũi, gắn với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chiến sĩ sau chiến tuyến. Những bài viết phản ánh rất thật như “Nỗi khổ chị Dót”, “Chuyện rau thịt ở đơn vị” đã động viên tinh thần của chiến sĩ rất kịp thời. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp xúc động kể lại: “Tôi thường trò chuyện với chiến sĩ trước lúc họ ra trận. Tôi ấn tượng bởi nhiều chiến sĩ mặc quân phục chỉnh tề, tinh tươm. Tôi thắc mắc bởi sắp ra trận mà họ lại mặc quần áo như chuẩn bị đi họp. Và tôi rất bất ngờ khi họ nói: “Ra trận, giáp mặt với quân thù cũng phải mặc đàng hoàng để chứng tỏ sự nghiêm chỉnh của người chiến sĩ quân đội Việt Nam. Nhưng nếu chẳng may hy sinh thì mình cũng được băng bó, chôn cất trong bộ quân phục tươm tất như thế”.
 |
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình |
Trong chương trình, khán giả còn được giao lưu với CCB Đại tá Nguyễn Xuân Mai, 82 tuổi, nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không -Không quân, nguyên Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chiến sĩ liên lạc của Đại đội 677, Tiểu đoàn 536, Đại đoàn 316 nên thường xuyên phải mang báo cáo của đại đội lên tiểu đoàn và vì thế ông có cơ hội được tiếp xúc với Báo QĐND xuất bản tại Điện Biên Phủ. Đại tá Nguyễn Xuân Mai kể lại: “Trong một lần lên tiểu đoàn lĩnh quà Tết của hậu phương, tôi có đọc được Báo QĐND số Tết có trích thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi chép lại để làm bài khai trương tờ “báo hầm” của đơn vị vào đúng ngày 3-2-1954”.
Nói về ý nghĩa chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức Điện Biên”, nhà báo Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: Chương trình “Ký ức Điện Biên” đã đưa chúng ta về miền ký ức thời làm báo chiến tranh và chiến thắng. Thông qua câu chuyện của những nhà báo đã từng tham gia chiến dịch, chúng ta có dịp hiểu thêm tầm quan trọng và vai trò của báo chí, của công tác tuyên truyền trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là dịp để tôn vinh những nhà báo-chiến sĩ đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN