QĐND - Đã gần tuổi 90 nhưng mỗi khi có ai nhắc đến Điện Biên Phủ hay dân công hỏa tuyến, ông Trần Khôi (nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101) và bà Lê Thị Khuê (nguyên Tiểu đoàn phó, phụ trách dân vận, Tiểu đoàn gánh bộ của thị xã Thanh Hóa-nay là thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lại trở nên tươi trẻ lạ thường...

Đội xe thồ “trăm cân, vạn dặm”

Tôi ngồi trò chuyện với ông Trần Khôi trong ngôi nhà xưa cũ, nép mình bên phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Trên bức tường đã úa màu thời gian ở phòng khách, ông Khôi dành nơi trang trọng nhất để treo những bức ảnh về Đại đội xe thồ năm xưa và những đồng đội một thời cùng ông thồ lương lên Điện Biên Phủ. “Ký ức với những đau thương, mất mát và hạnh phúc riêng, nhưng mỗi khi tôi nghĩ về nó dường như thấy người trẻ lại”- Chính trị viên Trần Khôi chia sẻ.

Ông Trần Khôi và bà Lê Thị Khuê vui mừng trong ngày hội ngộ. Ảnh: Thành Duy

Đọc cho tôi nghe tên từng đồng đội trong bức ảnh năm xưa, khi hết danh sách, tôi thấy ông chững lại, hụt hẫng, như một tiếng chuông cuối chiều ở nhà thờ phía xa vừa vọng về, rung lên rồi im lặng. “60 năm rồi, nay chỉ còn thưa thớt vậy”- ông quay sang tôi, nói với nét mặt buồn rầu.

Hơn 60 năm trước, đảng viên trẻ Trần Khôi là cán bộ của thị xã Thanh Hóa. Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, cả nước hướng về Điện Biên, cả nước dồn lương thực, vũ khí cho Điện Biên Phủ, trong đó có quân và dân Thanh Hóa nói chung, thị xã Thanh Hóa nói riêng.

Chính quyền thị xã Thanh Hóa họp, quyết định thành lập một Đại đội xe thồ tải gạo lên Điện Biên Phủ theo chỉ lệnh của trên, nhằm thiết lập cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Đồng chí Nguyễn Hổ được cử làm Đại đội trưởng; Đại đội phó là Nguyễn Văn Chung và đồng chí Trần Khôi là Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ (với 15 đảng viên).

Chính trị viên Trần Khôi nhớ lại: “Khi đại đội được thành lập, gia đình nào có xe thì ủng hộ xe, có gạo thì ủng hộ gạo; không có xe, gạo thì ủng hộ công sức. Xe đạp thời kỳ này rất quý hiếm, hầu hết là xe Xanh-tê-chiêng của Pháp và Pra-ha của Tiệp. Thế nhưng, không một nhà nào giữ lại cho gia đình, tất cả đều tự nguyện ủng hộ Đại đội xe thồ để tải gạo lên Điện Biên Phủ, phục vụ bộ đội đánh đuổi quân thù. Thế mới biết lòng dân vì cách mạng và căm thù giặc như thế nào”.

Chính trị viên Trần Khôi (hàng đứng, thứ 5 từ phải sang) cùng Ban chỉ huy Đại đội xe thồ 101 năm xưa. Ảnh chụp lại.

Mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất, thượng tuần tháng 2-1954, Đại đội xe thồ 101 của thị xã Thanh Hóa tập trung tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) làm lễ xuất phát. Nói về cung đường đi tải gạo, ông Trần Khôi cho biết: "Chúng tôi đi từ Đông Tiến lên Thọ Xuân lấy gạo. Mỗi người ban đầu thồ 50kg, cùng quần áo, nồi xoong để ngủ nghỉ, nấu ăn trên đường. Tiếp đến, chúng tôi đi qua Vạn Mai lên Quan Hóa, Bá Thước, dọc Suối Rút đến ngã ba Cò Nòi và điểm tập kết cuối là Sơn La”.

- Đường chủ yếu là núi cao, vực thẳm, đá tai mèo, trong khi máy bay của địch ngày đêm trinh sát, đánh phá, làm sao các bác vượt qua được? - tôi hỏi bác Trần Khôi.

- Vượt hết trong đêm mới giỏi chứ! Ngày máy bay địch trinh sát thì mình ngủ; đêm chúng thả pháo sáng thì mình ẩn vào bìa rừng, vách núi, cứ thế mà đi - bác Khôi cho biết.

Nói lạc quan là vậy nhưng theo bác Trần Khôi, khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt, cần chi viện một lượng lớn lương thực cho chiến dịch, yêu cầu tăng tải trọng cũng được đặt ra từ 50kg/xe ban đầu lên 70kg, rồi 120, 195, 250kg và đỉnh điểm có xe hơn 300kg. Để đáp ứng yêu cầu chiến dịch, Đại đội xe thồ 101 chia thành 8 tiểu đội; tiểu đội lại chia thành tổ “Tam tam” (3 người một xe), hỗ trợ nhau khi lên, xuống dốc. Bởi, theo bác Trần Khôi: “Khi xuống dốc, phải có một đồng chí cầm lái, một người kéo xe lại và một người đằng trước ghì tay lái xuống, không thì xe lao xuống vực thẳm. Lúc lên dốc, ngoài người cầm lái, đẩy xe, phải có một người đi trước, buộc dây kéo vào người, vừa ghì, vừa kéo xe lên, tránh tình trạng xe bị “lật ngửa”.

Nhưng gian khổ nhất vẫn là những ngày trời đổ mưa khiến đường trơn trượt. Toàn đại đội hành quân trong đêm tối, khi xe xuống dốc, anh em trong tổ vừa dùng lực ghì xe, vừa phải rút dép cao su đùn vào bánh xe, tăng ma sát. Những đôi chân trần đạp lên đá tai mèo, túa máu.

Gian nan, vất vả là thế nhưng không ai muốn nghỉ, không ai muốn mình tụt lại phía sau. Tất cả thi đua nhau tăng trọng tải, chia sẻ với nhau cách đóng gạo làm sao vừa được nhiều, lại cân bằng, chắc chắn. Khổ nỗi, lòng người muốn vậy nhưng khả năng chịu lực của phương tiện không cho phép. Lúc lên dốc, nhiều xe chở nặng, đạp phải đá tai mèo khiến săm nổ, lốp rách, nan hoa gãy. “Mặc dù có tổ công binh sẵn sàng ứng cứu các xe bị hỏng dọc đường nhưng xe hỏng nhiều quá, thay thế không đủ”- Chính trị viên Trần Khôi nhớ lại.

"Trong cái khó, ló cái khôn", với quyết tâm vượt mọi gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, theo bác Trần Khôi, nhiều sáng kiến, cải tiến đã được nghĩ ra và áp dụng ngay trên cung đường tải gạo như: Săm lốp hỏng, anh em trong tổ xé chăn, áo may ô quấn xung quanh săm và cải tiến làm hai lớp lốp để tăng sức chịu đựng. Đối với vành xe và khung xe, các thành viên trong đại đội dùng ba thanh tre già, chống giữa trục và vành, nhờ vậy, xe ít hư hỏng hơn, tải trọng cao hơn, tốc độ đưa gạo ra chiến trường khẩn trương hơn. Tiêu biểu ở trung tuyến có anh Đào Đức Tỵ, thồ được 320kg; ở hậu tuyến, Chiến sĩ thi đua Trịnh Ngọc nâng mức thồ lên 335kg.

Nữ tiểu thương lên rừng gánh gạo

Nói về Điện Biên Phủ, về dân công hỏa tuyến mà không nói đến những thiếu nữ mười tám, đôi mươi lên rừng gánh gạo thì quả là thiếu sót. Bởi vậy, bác Trần Khôi đã đưa tôi đến gặp bà Lê Thị Khuê, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn gánh bộ của thị xã Thanh Hóa, để hiểu rõ hơn về những gian lao, vất vả và nghị lực một thời của các nữ thanh niên.

Đón chúng tôi trước hiên nhà, bà Lê Thị Khuê niềm nở, nắm chặt tay Chính trị viên Trần Khôi, người đồng chí, đồng đội cùng chung cung đường lên Điện Biên Phủ năm xưa.

Khi tôi gợi lại chuyện một thời “chị gánh, anh thồ” thì ánh mắt Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn gánh bộ Lê Thị Khuê sáng hẳn lên. Bà kể: “Ngày ấy, tiểu đoàn chúng tôi gồm hai đại đội gánh bộ nam và một đại đội nữ (tổng cộng 52 người). Ban đầu, mỗi người gánh 20kg, lấy gạo từ Thọ Xuân lên Suối Rút là điểm tập kết cuối cùng”.

Nói về dân công nữ của thị trấn, theo Tiểu đoàn phó Lê Thị Khuê, phần lớn chị em trong tiểu đoàn đều xuất thân là tiểu thương buôn bán nhỏ, chỉ quen gánh nhẹ, đi đường bằng. Bởi vậy, khi nhập cuộc, phải gánh đêm, vượt qua núi cao, vực sâu, đá tai mèo; phải ngủ rừng, ăn uống kham khổ…, nhiều người tưởng chừng không vượt qua được. “Có chị, chiều tối thấy mấy anh cán bộ chặt lá rừng, tò mò hỏi mới biết chặt cành lá để trải xuống đất ngủ. Tối đầu, nhiều chị em sợ không ngủ được nhưng những tối sau, đi mệt, cứ ngả lưng là ngủ, chẳng cần biết bên dưới lót lá hay là nền đất” - bà Khuê nhớ lại.

Gian nan, vất vả bởi điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, ăn uống chỉ ít cơm chấm với muối gừng, cá khô; rau xanh chủ yếu là vào rừng hái lá tàu bay và lá lốt, nên sức khỏe nhiều chị em giảm sút nghiêm trọng, rồi còn bệnh sốt rét hoành hành. Tiểu đoàn phó Lê Thị Khuê nhớ lại: “Có những lần, trước lúc lên đường, một số chị em lên cơn sốt rét, người cứ run lên bần bật. Vậy mà, các chị chỉ xin y tá vài viên thuốc ký ninh (loại thuốc điều trị sốt rét thời kỳ ấy) để uống, rồi lại nhất quyết xin đi cùng cả đội”.

Cứ như vậy, Chính trị viên Trần Khôi và Tiểu đoàn phó Lê Thị Khuê cùng đồng chí, đồng đội của mình âm thầm nhiều tháng tải lương ra mặt trận. Cho đến một ngày, họ được đồng đội tuyến trên truyền tin: Điện Biên Phủ đã giải phóng! Ngay lập tức, cả khu rừng trầm lặng ngày nào như vỡ òa ra bởi tiếng hò reo của hàng vạn dân công-những người đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng oanh liệt “chấn động địa cầu” ấy.

Bài và ảnh: DUY THÀNH