QĐND - Trong những ngày này, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (đường Điện Biên Phủ, Hà Nội), một trong những khu vực thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan, là khu trưng bày các hiện vật liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ. Một trong những hiện vật được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu là chiếc xe đạp thồ, không phải vì hiện vật này được đặt gần cửa ra vào phòng trưng bày, mà bởi kỳ tích chiếc xe đã lập được khi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở miền núi, ngựa là một trong những con vật thồ hàng hiệu quả. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã ví những chiếc xe đạp thồ chở hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là “ngựa sắt”. Lời ví này quả không sai khi nhìn vào thành tích mà chiếc xe đạp thồ được trưng bày tại đây đã lập được. Đó là chiếc xe đạp thồ của anh Ma Văn Thắng, dân công tỉnh Phú Thọ, có chuyến chở được 370kg hàng phục vụ chiến dịch. Thời đó, xe đạp thồ là phương tiện vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho mặt trận hết sức hiệu quả, bởi nó có thể cơ động trên địa hình hiểm trở như dốc trơn, đường hẹp…; việc dùng “ngựa sắt” thồ hàng còn rất hiệu quả, bởi nó hoạt động không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang, có thể đi lẻ, hoặc đi thành từng đoàn trong mọi điều kiện thời tiết.

Chiếc xe đạp thồ của anh Ma Văn Thắng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Mỗi xe thồ lúc đầu thường chở được 100kg, sau đó nâng lên 200kg, 300kg và cao hơn nữa, như trường hợp của dân công Ma Văn Thắng. Nếu so sánh, thì năng suất xe thồ gấp 10 lần dân công gánh bộ.

Ngày ấy, trong quá trình vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch, để nâng cao hiệu quả hoạt động của “ngựa thồ”, anh em có sáng kiến buộc thêm một đoạn tre nhỏ (gọi là tay ngai), dài khoảng 1m vào ghi-đông xe để dễ điều khiển. Nhờ thế ngay cả khi xe được chất hàng hóa cồng kềnh, dân công vẫn có thể “bẻ lái” dễ dàng. Một đoạn tre khác được buộc vào trục yên, cao hơn yên xe khoảng nửa mét, để dân công nắm vào đó giữ thăng bằng cho xe và đẩy xe đi. Do chuyên chở hàng hóa nặng như vậy, xe còn được hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe; dùng quần áo cũ, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền của săm, lốp khi đi đường trường, đường đá…

Có thể nói, cùng với các lực lượng khác tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiếc xe đạp thồ tuy thô sơ, nhưng đã góp phần quan trọng vào việc chuyên chở, cung cấp hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm cho quân và dân ta tham gia chiến dịch. Xe đạp thồ đã góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng chấn động địa cầu của dân tộc Việt Nam cách đây tròn 60 năm.

Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ