QĐND Online - Mới đây, tại buổi giao lưu với chủ đề “ Bài ca người chiến sĩ áo trắng” do Cục Quân y tổ chức tại Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần), những câu chuyện của Thiếu tướng, GS-TSKH Bùi Đại, nguyên là Trưởng tiểu ban Y chính và kế hoạch, Ban Quân y Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khắc họa, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý về công tác bảo đảm quân y trong giai đoạn ngành Quân y còn non trẻ, đầy khó khăn, thiếu thốn.
Yếu tố bí mật và những cái “đầu tiên” của công tác quân y
Theo lời kể của Thiếu tướng Bùi Đại, trước khi diễn ra Chiến dịch nhiều tháng, nhiều cán bộ của Cục Quân y và đích thân đồng chí Cục trưởng đã lên đường tới Tây Bắc để khảo sát tình hình quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm xác định các tuyến bảo đảm, vị trí các đội điều trị, các trạm vận chuyển thương binh, bệnh binh… Sau đó, chỉ thị cho các đội điều trị lần lượt hành quân bộ lên các vị trí tập kết. Để tránh pháo của của địch, giữ bí mật hướng chiến dịch, hầu hết các đơn vị đều hành quân vào ban đêm, bám dọc theo các sườn đồi, chỉ dừng chân ở các địa điểm quy định. Các công việc đào hầm trú ẩn, hố cá nhân… đều triển khai hết sức bí mật, thậm chí đến mức hạn chế ho, nói to. Do đó, đã gây nhiều bất ngờ cho địch khi chiến dịch diễn ra.
 |
Thiếu tướng, GS-TSKH Bùi Đại (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm quân y trong buổi giao lưu. |
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị được triển khai dưới mặt đất. Đây là điểm khác hẳn với những chiến dịch trước. Ngoài các bệnh xá cấp trung đoàn, trạm quân y tiểu đoàn, các đội điều trị đại đoàn và một số đội điều trị của Cục Quân y đều được triển khai trong hầm, thương binh, bệnh binh nằm dưới mặt đất. Ban Quân y chiến dịch đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lựa chọn kiểu hầm phù hợp cho phòng mổ các bệnh xá trung đoàn, hầm cho phòng mổ của đội điều trị đại đoàn, mẫu hầm cho thương binh, bệnh binh…Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện mẫu hầm “hàm ếch” để đặt thương binh. Đường vận chuyển thương binh, bệnh binh được xác định là hệ thống giao thông hào.
Những quy chế ra đời khẩn cấp
Quá trình chuẩn bị và phục vụ chiến dịch, nhiều đội điều trị phải tổ chức hành quân theo yêu cầu của cấp trên, trong đó có cả việc hành quân nghi binh, chuyển địa điểm…Giáo sư Bùi Đại nhớ mãi trường hợp một đội điều trị đại đoàn hành quân len lỏi trong rừng cùng lực lượng dân công đi cùng vận chuyển thuốc, bông băng, dụng cụ mổ, lương thực, thực phẩm dụng cụ cấp dưỡng…đội hình kéo dài hàng cây số do phải đi theo đường mòn. Khi đến điểm nghỉ, anh chị em dân công tổ chức nấu ăn, do sơ suất đã để khói bốc lên cao, bị máy bay địch phát hiện đến ném bom napan gây thương vong cho một số người. Đội điều trị ngay lập tức triển khai xử trí cấp cứu tại chỗ. Tuy nhiên, do tốp đi đầu chỉ mang bông băng và thuốc, không có dụng cụ phẫu thuật vì các hộp dụng cụ do tốp đi cuối đội hình mang vác, phải chờ họ tới mới phẫu thuật được. Ngay lần ấy, Ban quân y chiến dịch đã đề ra quy chế: Các đội phẫu thuật, bệnh xá trung đoàn, đội điều trị khi hành quân trong rừng với một đội hình quá dài phải phân tốp thì mỗi tốp phải mang theo cơ số đồng bộ gồm: Bông băng, thuốc men và dụng cụ phẫu thuật. Nhờ áp dụng quy chế này nên các đợt hành quân sau, việc cấp cứu tại chỗ đã được cải thiện đáng kể, góp phần giảm số thương vong trong hành quân.
Đối phó với những trận mưa tại Chiến dịch
Do đặc thù khí hậu, thời tiết Tây Bắc nên đầu tháng 4, khu vực mặt trận Điện Biên Phủ bắt đầu có mưa. Cuối tháng 4, mưa to dần và nặng hạt nên thấm chảy vào các hầm. Trong hầm điều trị, nước mưa dâng dần từ mắt cá chân, sau đó lên đầu gối, có những lúc dâng đến tận mông y tá, bác sĩ. Trước tình hình đó, chỉ huy tiền phương đã phải điều động bộ phận công binh tới các đội điều trị gia cố, sửa chữa lại hầm hào. Có đội điều trị phải đưa thương binh, bệnh binh lên mặt đất vì nước ngập tràn các hầm hàm ếch. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y vẫn không hề nao núng, bởi đều xác định: Ta ở trên cao, nếu khó khăn như này thì địch ở dưới lòng chảo sẽ khó khăn gấp nhiều lần. Tinh thần này đã giúp các thầy thuốc có thêm nghị lực và lòng quyết tâm để tiếp tục thu dung, điều trị, cấp cứu thương, bệnh binh.
Kết hợp nhiều loại phương tiện trong vận chuyển thương binh
Chiến dịch Điện Biên Phủ có đặc điểm là mặt trận ở xa hậu phương, kéo dài làm nhiều đợt nên Ban Quân y đã thực hiện chủ trương không chuyển thương binh về hậu phương mà giữ lại ở đội chuyên khoa để chữa trị. Cuối chiến dịch, mới tiến hành chuyển một số thương binh, còn lại, sau khi kết thúc chiến dịch sẽ chuyển toàn bộ thương binh về tuyến sau. Những thương binh chuyển vào đợt cuối cùng thường bị các vết thương liên quan đến cột sống, sọ não, phải kết hợp vận chuyển bằng xe cơ giới với cáng bộ. Quá trình chuyển thương bằng ô tô, các y, bác sĩ đã mắc võng trên xe cho các thương binh không bị gãy xương nằm; treo những tấm đan cho những thương binh gãy xương để hạn chế thấp nhất những rung xóc khi vận chuyển. Mỗi xe đều kết hợp vận chuyển cả thương binh nặng và thương binh nhẹ để có thể giúp đỡ chăm sóc lẫn nhau theo mô hình: Thương binh nặng nằm trên võng, thương binh nhẹ ngồi trong thùng xe. Về cáng thương, huy động khoảng 4-5 dân công luân phiên nhau khiêng 1 cáng. Dân công được giao tổ chức trực tiếp chăm sóc, lo việc ăn uống, ngủ nghỉ cho thương binh, theo khẩu hiệu: “Mỗi tổ cáng là một gia đình”. Trên tuyến đường thủy, thương binh được vận chuyển bằng thuyền, giao cho chủ thuyền và thân nhân lo việc chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh. Nhờ kết hợp nhiều loại phương tiện, phương thức vận chuyển nên các thương binh đã được chuyển về tuyến sau kịp thời, sớm ổn định sức khỏe, thương tật.
Sức mạnh lực lượng dân công trong công tác quân y chiến dịch
Chiến thắng Điện Biên Phủ có vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng dân công, nhất là trong công tác quân y. Anh chị em dân công đã trở thành cộng tác viên đắc lực, người bạn chiến đấu thân thiết của cán bộ, nhân viên quân y trong suốt quá trình phục vụ chiến dịch. Trước khi chiến dịch diễn ra, lực lượng dân công đã được tổ chức, biên chế thành từng đội, từng trạm theo tuyến: Hậu phương, trung tuyến và cả hỏa tuyến. Lực lượng dân công tham gia từ lúc hành quân tới vị trí tập kết, mang theo trang thiết bị chuyên môn, lương thực, thực phẩm. Đến địa điểm quy định, dân công tham gia đào hầm, hào, chặt cây, lá để dựng lán. Có thương binh về, dân công lại tham gia làm công tác nuôi quân, hộ lý. Khi xong chiến dịch, dân công lại trở thành những người cáng thương binh về tuyến sau. Suốt quá trình phục vụ, các dân công đều tự lo chuyện ăn, mặc, tự quản lý lẫn nhau. Hình ảnh những người dân công đã trở thành biểu tượng cao đẹp, tiêu biểu về đường lối chiến tranh nhân dân của quân đội ta.
Khẩn trương chọn lọc, phân loại kịp thời, giải phóng nhanh thương binh. Trong chiến dịch, có những lần xảy ra ùn tắc thương binh ở đội điều trị đại đoàn, tổng trạm vận chuyển thương binh. Do đó, các thầy thuốc không kịp phẫu thuật các vết thương, băng bó không xuể, săn sóc thương binh không đầy đủ khiến nhiều vết thương bị nhiễm trùng. Nhiều thương binh bị dồn lại một tuyến, không kịp phân loại để chuyển về tuyến sau. Trước thực trạng đó, quân y chiến dịch đã rút ra kinh nghiệm: Trước và trong mỗi đợt chiến dịch, mỗi trận chiến đấu, từng bệnh xá, đội phẫu thuật, trạm chuyển thương phải theo dõi và bám sát, nắm chắc tình hình chiến sự, kịp thời nắm bắt thông tin từ mặt trận báo về để có dự kiến đúng về tình hình thương binh. Từ đó, chủ động làm tốt công tác phân loại, chọn lọc thương binh, chú ý phân loại riêng những thương binh nhẹ để săn sóc đỡ bị lúng túng và giải phóng ngay số thương binh này về đơn vị hoặc các đội khinh thương. Sau đó, tập trung lực lượng chuyên môn để xử trí những thương binh nặng, cứu chữa và vận chuyển về tuyến sau. Kinh nghiệm rút ra là: Thương binh về càng đông, càng phải bình tĩnh và chú ý đến công tác phân loại, chọn lọc, hộ tống để kịp thời giải phóng thương binh một cách nhanh nhất.
Những kinh nghiệm trong công tác quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ qua lời trao đổi của Thiếu tướng, GS-TSKH Bùi Đại là nguồn tư liệu quý để ngành Quân y tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công tác thu dung, cấp cứu, điều trị.
Bài, ảnh: VĂN CHIỂN