QĐND - Nằm ở cửa ngõ từ Việt Bắc sang Tây Bắc, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Yên Bái được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, đó là huy động nhân lực, phương tiện mở đường, đảm bảo giao thông, cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường.

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, tỉnh Yên Bái đã mở mới, nâng cấp tuyến đường từ bến phà Hiên (huyện Yên Bình) đi Ba Khe, đến đường số 41 (ngã ba Cò Nòi-Sơn La). Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái còn bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó bến phà Âu Lâu vượt sông Hồng trên tuyến đường 13A là một đầu mối giao thông quan trọng, xung yếu trên con đường chuyển quân, lương thực, vũ khí, đạn dược từ các tỉnh Việt Bắc và trung du Bắc Bộ sang chiến trường Tây Bắc.

Bộ đội công binh và dân công Yên Bái phá đá, bạt đèo Lũng Lô mở đường vận chuyển người và hàng hóa ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Từ tháng 2-1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các con đường lên Tây Bắc. Bến phà Âu Lâu trở thành "tọa độ lửa". Để đối phó với địch, vào thời gian cao điểm, ngoài việc vận chuyển bằng phà, tỉnh đã huy động nhân dân trong vùng khai thác, đóng góp hàng chục vạn cây tre, nứa, gỗ ghép thành cầu phao bắc qua sông Hồng; mở thêm nhiều bến đò ngang và bố trí hàng trăm thuyền nan, đò gỗ để vận chuyển, đưa bộ đội và hàng qua sông nhanh chóng, an toàn. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nên tốc độ vận tải cho chiến trường trong chiến dịch từ 3km/giờ tăng lên 13km/giờ. Đặc biệt, với sự trợ giúp của dân công, nhân dân xã Âu Lâu, xã Nam Cường, đã rút ngắn thời gian vượt sông của mỗi chuyến phà từ 30 phút xuống còn 15 phút, từ đưa 8-9 xe qua sông một đêm lên tới 30-50 xe một đêm, có đêm đạt tới 93 xe qua phà. Từ tháng 4-1952 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn.

Là hậu phương trực tiếp của Mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mới giải phóng (tháng 10-1952), nhưng với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi quân, đồng bào Thái ở Mường Lò, đồng bào Tày ở Thượng Bằng La, Đại Lịch (Văn Chấn) mặc dù mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên đã đóng góp 500 tấn lương thực. Ở vùng Yên Bình, Lục Yên… ngày giao lương đã thực sự trở thành ngày hội. Từ các huyện vùng thấp đến vùng cao, lương thực không ngừng được chuyển về các kho của Tổng cục Cung cấp để cung cấp cho tiền phương. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Yên Bái được giao nhiệm vụ xay giã 1.578 tấn thóc. Hàng nghìn cối nước đã mọc lên ở các xã Hưng Khánh, Hồng Ca, Thượng Bằng La, Tân Thịnh, giã gạo phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng.

Trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo, 1.372 con trâu, bò, 489 con lợn và 2.700kg ngô, đỗ, lạc. Phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, thanh niên, phụ nữ tỉnh Yên Bái hăng hái xung phong đi dân công. Lần đầu tiên phụ nữ người Mông xuống núi, phụ nữ Thái rời khung cửi trong mùa dệt, nhập vào đoàn quân tiếp lương, tải đạn. Trong chiến dịch này, Yên Bái huy động 31.652 lượt dân công, trung bình cứ 4 người dân thì có một người đi phục vụ chiến dịch. Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là anh Hà Văn Lô, dân tộc Tày ở Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm chở hàng an toàn vượt qua những trọng điểm ác liệt, được Bác Hồ tặng quà và Huy hiệu của Người.

Tổng kết phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương; được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng cờ thưởng luân lưu “Mở đường thắng lợi” cho ngành giao thông vận tải. Liên khu X tặng 15 bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc.

ĐỨC HIẾU (lược ghi theo lời đồng chí HÀ ĐỨC HOAN, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái)