QĐND - Đã lâu, những phụ nữ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống tại Hà Nội mới có dịp hội ngộ tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cùng nhau trải lòng về hiện tại và sống lại những ký ức hào hùng của tuổi đôi mươi. Và nhiều lứa đôi hạnh phúc đã nên duyên từ chính nơi đạn bom ác liệt, gian khổ đó…

Hình ảnh đôi vợ chồng già bên nhau cùng chậm bước ngắm nhìn những kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam làm mọi người chú ý. Đứng trước bức ảnh đen trắng với dòng chú thích: “Vợ chồng bà Lê Thị Bích Hoàn và ông Vũ Trọng Kính trong ngày cưới tại Hà Nội, năm 1954”-ánh mắt hai ông bà rạng ngời hạnh phúc. Bà khoe với chúng tôi: Bà và ông cách đây 60 năm đấy!

Câu chuyện 60 năm trước trở về với bà Hoàn như những thước phim quay chậm. 18 tuổi, cô gái xứ Huế xung phong vào bộ đội và được biên chế trong Đoàn cứu thương Huế, được chọn đi học lớp y sĩ tại Trường Quân y sĩ  Hùng Vương (Phú Thọ). Kết thúc khóa học, được cấp trên phân công về Quân y viện 108, nhưng cô nằng nặc xin cấp trên được ra tiền tuyến phục vụ thương binh, bệnh binh. Trước nguyện vọng tha thiết đó, cấp trên quyết định điều cô về Đội điều trị 2, phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, rồi theo luôn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vợ chồng bà Hoàn, ông Kính bên bức ảnh cưới của ông bà 60 năm về trước (ảnh trên, bên trái) tại triển lãm.

“Chiến trường Điện Biên Phủ khốc liệt, gian khổ, thiếu thốn vô cùng. Sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc, nhưng ngày đó chúng tôi không biết sợ là gì, mà chỉ có trái tim, bầu nhiệt huyết và niềm tin chiến thắng”-bà Hoàn tâm sự. Trong những ngày chiến đấu cao điểm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, số lượng thương binh dồn dập chuyển về. Y sĩ Hoàn được phân công phụ trách tổ phân loại thương binh, để anh em được đưa ngay vào đúng khu điều trị, bảo đảm việc cứu chữa kịp thời nhất.

Và chính trong thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết lại ươm mầm hạnh phúc. Bà Hoàn kể tiếp: "Ngày ấy, hai chúng tôi cùng  ở Đội điều trị 2, cùng hết mình vì nhiệm vụ và yêu nhau lúc nào không biết". Ông Kính đứng bên bà cười vui, tự hào. “Đám cưới của chúng tôi diễn ra sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong hoàn cảnh rất đặc biệt-bà Hoàn tiếp lời. Chiến dịch kết thúc, tôi nhận nhiệm vụ chuyển thương từ Điện Biên về Sầm Sơn (Thanh Hóa), mới đi đến Hát Lót (Sơn La) thì nhận được lệnh về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Về đến đơn vị, mọi thứ chuẩn bị cho đám cưới đã hoàn tất, gồm bánh kẹo, rượu chiến lợi phẩm thu được của địch, chỉ còn chờ cô dâu. Đích thân thủ trưởng Tổng cục Chính trị đứng ra tổ chức lễ cưới của chúng tôi”- giọng bà Hoàn bồi hồi, xúc động nhớ về thời khắc của 60 năm về trước.

Câu chuyện của vợ chồng bà Hoàn, làm bà Nguyễn Thị Hồng Minh (84 tuổi, nguyên y tá, chính trị viên Đội điều trị 2) rưng rưng nhớ lại đám cưới… hụt của mình. Bà trải lòng: Tình cảm giữa tôi và anh Hồ Toàn (cùng là cán bộ quân y Đội điều trị 2) gắn bó từ lúc cùng nhau tham gia Chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Tình cảm đó được chỉ huy và đồng đội rất ủng hộ. Chúng tôi quyết định chọn ngày 26-12-1951 để tổ chức đám cưới.

Thời điểm lễ cưới cận kề, tôi lại được cấp trên giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia Chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị là nữ. Nhận lệnh, mặc dù trong lòng vẫn băn khoăn chưa biết liên lạc với chú rể đang ở xa như thế nào để báo hoãn đám cưới, nhưng khi đồng chí Cục trưởng Cục Quân y hỏi: “Đồng chí có phân vân gì không?”, tôi liền trả lời dứt khoát: “Tổ quốc là trên hết, giặc tan em mới trở về!”. Ngày bà Hồng Minh lên đường nhận nhiệm vụ thì lễ cưới vẫn được nhà trai chuẩn bị theo kế hoạch. Chú rể cùng đoàn đón dâu chở đồ lễ từ Cao Bằng về Thái Nguyên (nơi đơn vị cô dâu đóng quân) thì chỉ nhận được lá thư cô dâu để lại với lời xin lỗi vội vàng. Bà Hồng Minh kể lại, lúc ấy ông Hồ Toàn rất buồn và có gửi lại mấy câu thơ: “Em ơi em chớ có lo/ Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu/ Vì em anh phải nhỡ tàu/ Xuân này ta sẽ gặp nhau, “em… đền!”.

Chuyện đón dâu hụt vì cô dâu bận tham gia chiến dịch của tôi thế mà các thủ trưởng và đồng đội đều biết. “Khi Chiến dịch Hòa Bình kết thúc, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho tôi về cùng ô tô, nhưng tôi đã xin về trước để qua xã Vũ Ẻn (Thanh Ba, Phú Thọ) gặp người thân xin mấy thước vải may áo cưới. Trong tâm trạng lâng lâng sung sướng, lại không quen đường, thế là tôi bị lạc trong rừng, khi tìm về được nhà thì chân sưng vù, nhiễm trùng vì mưng mủ do đi bộ quá lâu. Ngày 20-3-1952, đám cưới mới chính thức được tổ chức, lúc đó chân cô dâu vẫn chưa khỏi, một chân đi giày, một chân đi đất sánh vai cùng chú rể với nụ cười rạng rỡ trên môi”-bà Minh bồi hồi nhớ lại. Đêm tân hôn, mấy chị em trong đơn vị đã lấy chăn bộ đội quây thành căn phòng nhỏ làm “buồng uyên ương” cho cặp vợ chồng mới cưới. Hạnh phúc thật giản dị, chỉ bằng tình yêu, niềm tin, tình đồng chí đồng đội, nhưng vợ chồng bà đã đi trọn cuộc đời, có con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại đủ đầy hôm nay. 

Xung quanh khuôn viên bảo tàng, người ra người vào càng đông hơn. Nhiều bạn trẻ đến để hiểu hơn về một thế hệ đã sống, đã cống hiến và yêu hết mình; những người già đến để chiêm nghiệm và sống lại ký ức một thời hào hùng. Còn mỗi chúng tôi thêm cảm phục và xúc động khi biết rằng, còn rất nhiều lứa đôi mà hạnh phúc đã “đơm chồi nảy lộc” từ trong khốc liệt của chiến tranh, như vợ chồng bà Hoàn-ông Kính; vợ chồng bà Hồng Minh hôm nay…

Bài và ảnh: KIM ANH