QĐND - Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Đoàn Văn Quảng là người con của Liên khu 5, từng tham gia tiếp đạn, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một trong những ký ức đẹp nhất của ông là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức vận chuyển gấp lựu đạn lên Mặt trận Điện Biên Phủ và còn cưới được vợ giữa những ngày ác liệt của chiến dịch.
Ông Quảng sinh năm 1929 tại xã Xuân Lộc (huyện Sông Cầu, Phú Yên). Năm 1944, ông tham gia phong trào học sinh cứu quốc ở Quy Nhơn. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, ông được cử làm Trưởng phòng Tuyên truyền thị xã Quy Nhơn, Bình Định. Cuối năm 1946, ông ra Chiến khu Việt Bắc và được cử làm Bí thư chi bộ Viện Nghiên cứu quân giới. Giữa năm 1953, đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp cử ông phụ trách dân công Đèo Khế-Bình Ca. Nhiệm vụ của trạm dân công do ông phụ trách là vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược từ Đèo Khế (nằm giữa hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang) lên Bình Ca (Tuyên Quang) để chuyển ra mặt trận. Hồi ấy, dân công chủ yếu sử dụng xe đạp để thồ đạn đi ban đêm. Một lần, khi đang trên đường về Thái Nguyên, bị máy bay địch phát hiện, ông vứt cả xe đạp, lăn xuống vực tránh hỏa lực. Địch trên máy bay bắn đuổi theo nhưng không trúng.
 |
Vợ chồng ông Quảng năm 1954.
|
Tháng 11-1953, ông được chuyển đi Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), nhận nhiệm vụ phụ trách bảo đảm vũ khí cho mặt trận. Ông cùng đồng đội chuẩn bị các kho vũ khí, đôn đốc việc vận chuyển và bàn giao đạn cho các đơn vị. Sau khi bộ đội ta đánh xong cứ điểm Him Lam (giữa tháng 3-1954), mặt trận lúc này rất cần lựu đạn để đánh địch. Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Cục trưởng Cục Quân giới gọi ông lên giao nhiệm vụ: “Đồng chí trở về Khu 4 để đôn đốc các xưởng vận chuyển gấp lựu đạn lên mặt trận”. Trên cho phép ông có 11 ngày về xuôi, 3 ngày làm việc, 11 ngày trở lại Điện Biên; nghĩa là sau 25 ngày, ông phải có mặt tại mặt trận.
Thời điểm này, chàng thanh niên đất Quảng phải lòng nữ chiến sĩ sản xuất đạn Huỳnh Thị Mừng ở Nhà máy Quân giới MK1 (đóng ở Thanh Chương, Nghệ An), kém ông ba tuổi, quê ở Huế. Cả nhà bà đều đi theo cách mạng. Năm 1946, mặt trận Huế bị vỡ, bà theo gia đình ra Chiến khu ATK1 ở Hà Tĩnh. Năm 1947, bà vào bộ đội tham gia sản xuất lựu đạn trong xưởng quân giới. Năm 1949, trong lúc sản xuất ngòi nổ, bị sự cố cả xưởng bốc cháy, bà bị bỏng khắp người. Nhờ lao động giỏi và ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, bà được kết nạp vào Đảng năm 1949. Hai người quen nhau trong dịp ông từ Việt Bắc vào làm phái viên giảng bài trong đợt chỉnh huấn, chỉnh quân năm 1952, tại nhà máy.
Trong đợt về công tác này, được sự động viên của đồng đội, ông quyết tâm tổ chức lễ cưới. Lúc đó, đồng đội đã quyên góp tặng ông 10 đồng bạc tín phiếu và một chiếc khăn bông to, cùng một số vật dụng khác để cưới vợ. Ông vội lên đường, vừa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên giao, vừa “tranh thủ” lo tình riêng. Có khi, ông đạp xe cả ngày lẫn đêm, lúc nào mệt thì tìm bãi cỏ nằm chợp mắt một lát rồi cấp tốc lên đường. Ngày ấy, đường ra trận đêm đêm đèn, đuốc lập lòe, dân công lên mặt trận đông nghịt. Ghé thăm người bạn ở Thanh Hóa, nghe tin ông cưới vợ, anh bạn liền tặng ông 1kg thuốc lá sợi vàng để góp vui. Chỉ trong 9 ngày, ông đã về đến Nhà máy Quân giới MK1 (sớm hơn trên quy định hai ngày). Ông tranh thủ gặp các đồng chí bí thư, giám đốc nhà máy trình bày nội dung công việc và xin phép cưới vợ. Đề nghị của ông được mọi người đồng tình, ủng hộ.
Ông đưa 10 đồng tín phiếu nhờ đồng đội chuẩn bị đám cưới giúp; 2 đồng dùng để mua giấy cuốn thuốc lá, còn 8 đồng mua đường, lạc để nấu kẹo cu-đơ. Trong lúc mọi người chuẩn bị giúp tổ chức đám cưới, ông tranh thủ đi đến các xưởng quân giới để động viên mọi người sản xuất gấp lựu đạn chuyển lên mặt trận. Đêm 1-4-1954, một đám cưới đơn sơ mà ấm áp được tổ chức tại nhà ăn của nhà máy. Rất đông người đến chúc mừng đôi uyên ương trẻ. Ông nhớ lại: “Ngày ấy, khi cưới vợ xong không có chỗ ngủ. May có vợ chồng anh Sơn, là đốc công ở xưởng có một túp lều nhỏ đang ở, đã quyết định nhường lại cho vợ chồng tôi hưởng những ngày trăng mật. Anh Sơn thì đưa con vào ngủ trong tập thể, còn vợ anh vào trực trong trạm xá. Tình cảm đó tôi không bao giờ quên được!”.
 |
Ông bà Đoàn Văn Quảng hôm nay.
|
Ngày chuẩn bị chia tay vợ trở lại mặt trận, ông dặn bà: “Chuyến này anh lên mặt trận, tất cả vì nhiệm vụ, vì độc lập tự do. Em phải luôn kiên định tư tưởng nhé”. Bà liền gạt đi: “Anh ra trận, em cũng xin chuyển sang làm y tá để phục vụ thương binh từ mặt trận đưa về. Em sẽ luôn cùng anh trên trận tuyến chống quân thù”. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của đôi vợ chồng trẻ. Ông trở về mặt trận sau 24 ngày, vẫn sớm hơn một ngày so với quy định. Sau khi nghe báo cáo công việc và nhận được vũ khí từ các xưởng chuyển lên, Cục trưởng Nguyễn Văn Nam báo cáo Thủ trưởng Hoàng Văn Thái biểu dương đồng chí Đoàn Văn Quảng trước toàn mặt trận; còn đồng đội chia vui cùng ông khi biết ông đã cưới được vợ.
Hòa bình lập lại, Đại tá Đoàn Văn Quảng vẫn thường sắp xếp công việc để trở về thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Ông tâm sự: “Giữa khói lửa chiến tranh, tình yêu của chúng tôi nảy nở và cũng chính là động lực để chúng tôi sát cánh bên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước”. Tinh thần ấy tôi vẫn thường truyền lại cho con cháu của mình, phải luôn biết vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống thì hạnh phúc, sự thành công sẽ luôn mỉm cười”.
Bài và ảnh: HÙNG LÊ