QĐND - Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn nhưng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng vẫn có hàng trăm đồn, bốt giặc vây hãm, vơ vét, cướp của, giết người. Riêng Hà Nam có 30 đồn, bốt và nhiều đơn vị chủ lực của địch chốt đóng, ức hiếp, bắt thanh niên đi lính. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Hà Nam muốn được nổi dậy, góp sức cùng chiến trường chính để tự giải phóng, Tỉnh ủy Hà Nam đã phát động, mở chiến dịch “Chia lửa với Điện Biên Phủ” từ giữa tháng 3-1954 đến tháng 12-1954.

Trong 3 đợt tiến công nhằm phá vỡ các tuyến đáy, các tuyến giao thông quan trọng và cô lập các huyện, thị xã, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Hà Nam đã huy động sức mạnh toàn dân uy hiếp mạnh các chốt trọng điểm, tấn công đồng loạt trên các mặt từ quân sự, chính trị tới binh vận. Người dân tập trung đẩy mạnh các hoạt động “binh biến”, làm rối loạn và từng bước tan rã khối ngụy quân. Phụ nữ nhiều địa phương đã tổ chức vận động các mẹ, các chị có con em đi lính cho địch kêu gọi người thân trở về, mang theo vũ khí nộp cho cách mạng. Lực lượng du kích bố trí ở những vùng dân cư ven đường tích cực tổ chức các tốp du kích hóa trang làm dân tới gần các trạm gác của địch vừa uy hiếp, vừa kết hợp quấy phá, tấn công địch.

Trong thời gian này, bộ phận lính gác ở ga Bình Lục, khi thấy du kích ta, chúng đã tự nguyện ra hàng và giao nộp súng. Thấy ta tiến công bằng nhiều hình thức: Đánh mìn, bẫy chông, bắn tỉa khắp nơi, binh lính địch rất hoang mang. Trước tình hình đó, Tỉnh đội Hà Nam đã họp bàn kế hoạch, phương án đánh địch, vận động nhân dân tiến hành phá hoại đường 1, đường 21, ngăn cản việc tháo chạy của địch. Người dân Tiên Nội, Hoàng Đông ven đường 1 có đêm huy động 200 dân công phá đường, cản chân địch. Hàng nghìn lượt phụ nữ trong tỉnh đã kéo lên Phủ Lý, xông vào các cơ quan của địch, đấu tranh, đòi đưa con em họ trở về, có chị còn bám trụ ở lại thị xã nhiều ngày để đòi chồng, con trở về, khiến tên tỉnh trưởng phải lánh mặt, bỏ trốn, hàng nghìn binh lính cũng bỏ ngũ ra hàng. Do tinh thần hoang mang, sa sút, địch buộc phải rút toàn bộ lực lượng chiếm đóng trên địa bàn tỉnh.

TRẦN VĂN SỸ (xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)