QĐND - Mẹ tôi, một nữ dân công tải gạo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, nay mới được về thăm lại chiến trường xưa. Bà không thể tưởng tượng được trước kia từ Đồng bằng Bắc Bộ, phải nửa tháng trời mới mang được gạo đến Điện Biên, nay đi ô tô chỉ mất một ngày, còn đi bằng máy bay chỉ cần 60 phút…
Mẹ tôi kể rằng, 60 năm trước, từ Đồng bằng Bắc Bộ, bà đã đi bộ vào Thanh Hóa, tham gia đoàn dân công tải gạo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồi đó, bà không biết đường tải gạo qua những địa phương nào, chỉ nhớ rằng, đó là đường xuyên rừng, núi. Ngày đi, đêm nghỉ, đi khoảng hơn chục ngày mới đến địa điểm tập kết. Khi đó, gánh gạo đã ăn hết một phần tư. Nghe chỉ huy nói từ địa điểm tập kết này, bộ đội ta phải vận chuyển một quãng đường khá xa nữa, gạo mới đến được trận địa.
 |
Sân bay Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Chương
|
Dưới con mắt của mẹ tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh rất xa xôi, hẻo lánh. Nay, khi theo một đoàn du lịch về thăm chiến trường Điện Biên Phủ, bà ngạc nhiên: "Sao nó gần thế? Xe khởi hành từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng mà đến tối đã có mặt tại Điện Biên Phủ rồi". Bà còn ngạc nhiên hơn về đường về Điện Biên: "Nó rộng gấp bảy, tám lần con đường làng mình và gấp hàng chục lần đường mẹ gánh gạo thuở trước. Đường phố ở Điện Biên Phủ rộng và đẹp chẳng kém gì ở Thủ đô".
Tôi giải thích với mẹ tôi rằng, con đường mẹ cùng dân quân tải gạo ngày trước, theo sử sách ghi lại thì được bắt đầu từ Thanh Hóa, qua Sơn La, gần biên giới với nước bạn Lào, rồi mới đến Điện Biên nên khá dài và hiểm trở. Còn đường mẹ lên Điện Biên cùng đoàn khách du lịch theo Quốc lộ 6, đến Tuần Giáo theo Quốc lộ 279. Đi theo đường này, từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ chỉ có 474km thôi. Cả Quốc lộ 6 và Quốc lộ 279 đều đã được nâng cấp, đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Đến Điện Biên Phủ, được đi thăm các di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng vĩ đại của dân tộc, mẹ tôi mừng lắm, vì trước kia mang tiếng là tải gạo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng bà có biết Điện Biên Phủ ở đâu và hình dáng Điện Biên Phủ thế nào. Mẹ tôi nói với tôi: "Mẹ phấn khởi quá. Bây giờ, mẹ có thể chết được rồi. Chỉ tiếc cho nhiều người đã tải gạo cho chiến dịch cùng mẹ chưa được đến thăm Điện Biên Phủ".
Khi nghe tôi gợi ý từ Điện Biên Phủ về Hà Nội nên đi bằng đường hàng không, mẹ tôi giãy nảy vì sợ giá vé đắt. Chỉ đến khi tôi đưa tờ thông báo của Vietnam Airlines giảm giá vé cho các cựu chiến binh đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà mới nhận lời và tấm tắc: "Hãng hàng không này thật là tình nghĩa với những người đã cống hiến cho Tổ quốc". Trên máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines, sau 60 phút bay, mẹ tôi đã đến được sân bay Nội Bài ở Hà Nội.
Trong con mắt của mẹ tôi hôm nay, Điện Biên Phủ thật gần và đường đến Điện Biên Phủ giờ đây thật thênh thang.
ĐỖ PHÚ THỌ