 |
Đại tá, Cựu chiến binh Đỗ Sâm.
|
QĐND Online - Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, quân và dân cả nước đang tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có dịp may mắn được gặp Đại tá, Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Sâm, nguyên là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) năm xưa, nghe ông kể chuyện một thời từng là lính pháo binh tham gia chiến đấu trong chiến dịch ĐBP...
Vượt khó đưa pháo về nơi tập kết
Sinh ra và lớn lên ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 1950, khi vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai Đỗ Sâm lên đường nhập ngũ, công tác tại Trường Thủy quân (Bộ Tổng Tham mưu), sau đó, được cấp trên điều về Trung đoàn Trọng pháo cơ giới 45-pháo 105 mm (Trung đoàn Pháo Tất Thắng), Đại đoàn Pháo binh và Công 351.
Được biết, từ tháng 8-1951 đến tháng 12-1952, Đỗ Sâm cùng đơn vị được cử sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chỉnh huấn quân sự. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đơn vị chúng tôi tổ chức ăn Tết dương lịch (1-1-1953), tại Trung Quốc. Ngày 25-1-1953, đơn vị chúng tôi từ thị trấn Sin-an-sô, hành quân cơ giới qua huyện Mông Tự (Vân Nam-Trung Quốc) về Bảo Hà (Lào Cai). Vì ngày ấy, gần 40 cầu, cống trên tuyến đường quốc lộ từ Lào Cai về Yên Bái bị máy bay giặc Pháp đánh bom phá hỏng, nên không thể về theo đường bộ được, cho nên Bộ chỉ huy hành quân quyết định: Tháo toàn bộ số xe, pháo chuyển về theo đường sông. Bộ đội trinh sát, thông tin, cảnh vệ hầu hết vượt núi, xuyên rừng hành quân bộ, còn pháo thủ và lái xe thì về theo đường sông cùng xe, pháo... Từ bến Thip (Bảo Hà-Lào Cai), bộ đội cùng dân công đưa xe, pháo lên thuyền, bè rồi xuôi theo dòng sông Thao về bến Au Lâu (Yên Bái). Để bảo đảm bí mật, chúng tôi cứ đêm đi, ngày nghỉ. Mỗi chuyến đi từ 4 đến 6 ngày, rất gian khổ, vất vả, vì thuyền, bè phải vượt qua nhiều thác, gềnh: Miệng Hổ, thác Ma, Vật Cối Xay... nước chảy xiết, nếu không khéo léo chèo lái, thuyền, bè sẽ bị thác, ghềnh phá tan. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn nêu cao trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, đưa toàn bộ số xe, pháo cập bến an toàn. Khi thuyền, bè cập bến Au Lâu, chúng tôi đưa xe, pháo lên bờ lắp lại, rồi kéo về hậu cứ ở Bắc Quang, Bắc Mục (khu vực giữa Tuyên Quang và Hà Giang) để làm công tác chuẩn bị tham gia Chiến dịch ĐBP. Đến ngày 30-4-1953, toàn bộ Trung đoàn Pháo binh Tất Thắng chúng tôi đã kết thúc cuộc hành quân, vận chuyển xe, pháo, làm công tác chuẩn bị tham gia chiến dịch, Đại tá CCB Đỗ Sâm bồi hồi xúc động kể.
Trong Chiến dịch ĐBP, Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng 45, Đại đoàn 351 tham gia chiến đấu ngay từ ngày đầu của chiến dịch. Từ lúc đơn vị triển khai kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, kéo pháo vào trận địa; rồi chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, đơn vị lại kéo pháo ra... Trong khi đó, máy bay trinh sát của địch suốt ngày quần lượn, chỉ điểm cho pháo binh bắn vào chỗ nghi ngờ... Nhưng với tinh thần “tất cả để chiến thắng”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm, vượt mọi khó khăn gian khổ, có lệnh là nhanh chóng đưa pháo vào trận địa sẵn sàng trút “bão lửa” tiêu diệt địch.
Nghị lực của người lính pháo binh
Kết thúc Chiến dịch ĐBP, giải phóng Thủ đô, cán bộ trinh sát pháo binh Đỗ Sâm được điều về làm giáo viên Trường Sĩ quan Pháo binh từ ngày đầu thành lập. Khi giặc Mỹ đưa tàu chiến xâm phạm vùng biển, thầy giáo Đỗ Sâm nhận nhiệm vụ đi huấn luyện và chiến đấu tại các đơn vị bờ biển, từ Thanh Hóa, Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, cán bộ Pháo binh Đỗ Sâm được điều về Phòng Pháo binh Quân khu 5, tham gia chiến đấu nhiều chiến dịch ở địa bàn Quân khu 5 và Tây Nguyên. Năm 1974, cán bộ Pháo binh Đỗ Sâm được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo Binh; năm 1977-1978, được cử làm Trưởng đoàn Chuyên gia Pháo binh Việt Nam tại Lào; năm 1979-1980, được cử sang làm chuyên gia Pháo binh Cam-pu-chia. Sau đó, Đỗ Sâm được điều về làm Trưởng ban Nhà trường (Bộ tư lệnh Pháo binh)...
Năm 1991, Đại tá, CCB Đỗ Sâm về nghỉ hưu, song ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội như làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố C19, Hội CCB phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân. Với phẩm chất người lính Điện Biên-Bộ đội Cụ Hồ”, dù ở cương vị nào, Đại tá, CCB Đỗ Sâm luôn hoàn thành tốt công việc, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin yêu, mến phục. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Chiến thắng lịch sử ĐBP (7-5) và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Đại tá, CCB Đỗ Sâm tham gia kể chuyện truyền thống cho nhiều học sinh, sinh viên và thanh niên trên địa bàn Hà Nội; được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ.
Ngoài ra, ông còn viết hơn 200 bài đăng tải trên các báo: Quân đội nhân dân, Lịch sử Quốc phòng Thủ đô, VietNamNet, Công an nhân dân, An ninh thế giới, Văn nghệ công an, Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Đại đoàn kết, Xưa và Nay…
“Mình tuổi cao, sức yếu rồi, nếu còn làm được gì có ích cho Đảng, cho dân mình sẽ cố gắng tham gia”, Đại tá, CCB Đỗ Sâm, cười hiền thổ lộ. Được biết, năm 2015, Đại tá, CCB Đỗ Sâm sẽ “trình làng” cuốn sách: “Những ngày bão lửa”, đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4).
Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN