QĐND - Cuối tháng 2-1954, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ ATK Sơn Dương, ông Lê Phan Nghĩa nhận được công văn ''hỏa tốc'' của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh gọi về giao một nhiệm vụ ''đặc biệt'': Phụ trách tiểu đoàn dân công hỏa tuyến đưa trâu lên Tây Bắc tiếp tế thực phẩm cho bộ đội đang chiến đấu tại Chiến dịch ''Trần Đình''.

Cầm quyết định điều động công tác trên tay, ông Nghĩa không khỏi phân vân. Bởi chỉ trong 10 ngày, ông và cán bộ tiểu đoàn phải đến các xã trong tỉnh thu mua hơn 100 con trâu, mà trong túi không có một đồng nào. Ông chỉ có tờ giấy giới thiệu do Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh ký, chứng nhận ông là cán bộ được tỉnh phái đến các huyện, xã thu mua trâu phục vụ bộ đội chiến đấu ở chiến trường.

Không ngờ, sự việc lại diễn ra vô cùng thuận lợi. Đến đâu, ông cũng được cán bộ địa phương sốt sắng đưa xuống cơ sở gặp dân. Đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan ở Tuyên Quang có phong tục, tập quán là các bậc cha mẹ thường lấy con nghé làm vốn tạo dựng ban đầu cho con cái ra ở riêng, nên gia đình nào cũng nuôi vài con trâu. Khi nghe ông Lê Phan Nghĩa được cấp trên phái đến gặp đồng bào thu mua trâu tiếp tế thực phẩm cho bộ đội, đồng bào vui vẻ đồng ý ngay. Gia đình nào cũng đem đến những con trâu béo nhất, khỏe nhất. Thủ tục mua bán rất đơn giản, ông Nghĩa viết tờ giấy biên nhận là xong mọi thủ tục. Sau này, căn cứ vào tờ giấy biên nhận, ủy ban sẽ thanh toán tiền cho đồng bào.

Một tuần sau, tiểu đoàn dân công hỏa tuyến với hơn 80 cán bộ, đội viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số có kinh nghiệm đi rừng và 125 con trâu đã lên đường đi chiến dịch. Hành trình đưa trâu đến khu vực tập kết gian nan, vất vả, nhất là việc vượt sông, vượt đèo, vực sâu, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, lại phải tránh sự trinh sát, phát hiện của máy bay ''bà già'' và sự ném bom, đánh phá của máy bay Pháp. Có ngày, do bị muỗi, vắt, côn trùng đốt, rắn cắn, số người và trâu bị ốm gần một nửa, đơn vị phải dựng lều nghỉ lại giữa rừng sâu để tìm cách chữa bệnh cho cả người và trâu. Nhờ vào kinh nghiệm đi rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, anh chị em dân công đã nhanh chóng tìm được những loại lá cây làm thuốc chữa bệnh công hiệu cho người và trâu. Có những khi tiểu đoàn dân công phải đương đầu với máy bay địch ném bom, bắn phá hoặc đêm tối bất ngờ gặp thú dữ. Khi ấy, đàn trâu hoảng loạn lồng lên, bứt chạc chạy tứ tung. Tiểu đội trinh sát cùng anh em dân công nam phải chia nhau luồn rừng, lùng sục hai, ba ngày mới gom đủ số trâu bị lạc.

Sau 45 ngày đêm gian nan dầm mưa, dãi nắng, cuối tháng 4-1954, tiểu đoàn dân công đặc biệt của Tuyên Quang đã đưa đàn trâu đến địa điểm tập kết ở ngay sát Mặt trận Điện Biên Phủ để bàn giao cho đơn vị quân nhu của mặt trận. Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc mệnh lệnh của cấp trên: Trong vòng 50 ngày, đưa được ít nhất 100 con trâu, kịp thời phục vụ bộ đội chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.

MAI THÁI SƠN