QĐND - Khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, Trung ương Đảng hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”. Bộ Tổng tư lệnh nhận thấy, Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó kết thúc chiến tranh và đã coi đây là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta.
Tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là khâu tiếp tế hậu cần. Để bảo đảm cho chiến dịch, nhu cầu vật chất đòi hỏi rất lớn, dự kiến bước đầu cần 4.200 tấn gạo, 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường; tất cả đều phải đưa từ hậu phương lên trên quãng đường dài 500km qua đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp có tính quyết đoán. Một mặt động viên nhân dân Tây Bắc ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ, mặt khác đẩy mạnh làm đường, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng... nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực tiêu thụ dọc đường do phải đưa từ xa tới.
Với ý chí và quyết tâm dời non lấp biển, với khẩu hiệu: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, chúng ta đã động viên sức mạnh của toàn dân tộc bảo đảm cho chiến dịch và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung mọi nỗ lực cho trận quyết chiến chiến lược này.
 |
Thanh niên xung phong và dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Để bảo đảm vận chuyển, về đường sá, trước đây, chuẩn bị đánh Nà Sản, ta đã sửa chữa xong đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa, nhưng lúc này cần tu bổ thêm. Đường 41 từ Mộc Châu đi Lai Châu phải sửa chữa nhiều. Bộ Công chính được giao phụ trách hẳn đường 13 đến Cò Nòi và đường 41 từ Mộc Châu lên Sơn La, quân đội phụ trách quãng đường 41 còn lại từ Sơn La-Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ.
Ta đã huy động tối đa sức người và sức của; đưa hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới điều kiện rất khó khăn ở miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp đánh phá. Dân công từ các vùng tự do đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm TNXP, dân công hỏa tuyến được huy động tới hàng chục vạn người bảo đảm làm đường và vận chuyển. Đội quân xe đạp thồ trên hai vạn người với năng suất mỗi xe chở từ 200 đến 300kg, kỷ lục lên tới 352kg, cải tiến có thể thồ cao gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ, đồng thời giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở và có thể hoạt động trên những tuyến đường mà ô tô không thể đi được.
Với nỗ lực phi thường, trong một tháng, bộ đội và TNXP đã hoàn thành mở và sửa chữa đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ dài 82km, cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15km. Từ đây, các khẩu pháo được kéo bằng tay vào trận địa trên quãng đường dài 15km. Đồng thời mở mới hoàn toàn đường kéo pháo chạy từ cửa rừng Nà Nham qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu tới Bản Nghễu.
Đặc biệt, khi Bộ Chính trị phê chuẩn chủ trương tác chiến mới của Đảng ủy chiến dịch “đánh chắc, tiến chắc”, việc động viên sức mạnh của toàn dân tộc được đẩy mạnh lên hơn bao giờ hết. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến kéo theo phải chuẩn bị lại cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần tăng lên gấp nhiều lần, ta đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với một nỗ lực rất lớn.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên bộ đội ra sức vượt khó khăn để giành cho được thắng lợi và hậu phương sẽ dốc sức chi viện tiền tuyến. Hội đồng Cung cấp được thành lập do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng phụ trách và từ thượng tuần tháng 2-1954, việc động viên sức mạnh vật chất đã được tiến hành khẩn trương; một công trường lớn đã hình thành trên suốt chặng đường 500km dẫn tới mặt trận. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và TNXP, dân công hỏa tuyến lao động suốt ngày đêm cho đến ngày nổ súng, hoàn thành việc tu sửa đường sá, xây dựng trận địa và đường kéo pháo bảo đảm cho chiến dịch.
Tuyến bảo đảm cung cấp cho chiến dịch được tổ chức lại theo yêu cầu nhiệm vụ mới, được phân giữa tiền phương và hậu phương. Hội đồng Cung cấp mặt trận phụ trách từ Việt Bắc tới Ba Khe, hướng Liên khu 3 tới Suối Rút. Cơ quan Hậu cần tiền phương phụ trách từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ. Các kho dự trữ bố trí từ km 31 đến km 87 đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ. Việc sửa đường và bảo vệ đường ngoài lực lượng công binh còn có các đội TNXP; một số đơn vị phòng không có nhiệm vụ bảo vệ giao thông ở các trọng điểm như Suối Rút, ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô... Việc bảo vệ tuyến vận tải rất căng thẳng và hy sinh, nhiều khúc đường phải thay đổi hằng ngày, đường tránh như mạng nhện. Trước quyết tâm của ta, địch không thể nào cắt đứt được con đường vận chuyển mà sau này chúng phải thừa nhận đó là sức mạnh phi thường của ta.
Cuối tháng 2-1954, mặt trận nhận được từ hậu phương 2.200 quân bổ sung và 20 cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, tăng cường cho cơ quan tiền phương để giải quyết vấn đề cung cấp. Ngoài ra, ở hậu phương còn chuẩn bị thêm 3000 TNXP.
Tổng cộng trong thời gian chiến dịch, ta đã huy động 26 vạn dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, 4...; 20.911 xe đạp thồ; 11.800 bè mảng, 25.000 tấn lương thực. Trừ số tiêu hao dọc đường, số tới được mặt trận để cung cấp cho cho bộ đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô. Ngoài ra, từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ cũng đã huy động được hơn 7000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa, hàng chục nghìn xe đạp thồ phục vụ hậu cần chiến dịch.
Trước khi chiến dịch mở màn, ngày 11-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận; đồng thời Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng có thư động viên bộ đội. Đó là lời kêu gọi, lời hiệu triệu có tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đang trực tiếp tham gia chiến dịch mà còn đối với nhân dân cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ với nỗ lực cao nhất cho sự toàn thắng của chiến dịch.
Có thể khẳng định, một trong những nhân tố làm nên chiến thắng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, là ta đã động viên được sức mạnh của toàn dân tộc, huy động được rất lớn sức người và sức của để bảo đảm cho chiến dịch. Bài học về phát huy sức mạnh của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy, phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và còn nguyên giá trị thực tiễn cũng như lý luận trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong tình hình mới, để xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt.
Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU