QĐND - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là điểm trọng yếu trên đường ra mặt trận của quân ta.  Chính vì vậy, thực dân Pháp đã tập trung sức mạnh quân sự đánh phá nhằm cắt đứt con đường huyết mạch chi viện vũ khí, đạn dược, lương thực cho mặt trận. Vào thời kỳ cao điểm, có ngày, máy bay Pháp ném xuống nơi đây hơn 300 quả bom các loại.

Cựu thanh niên xung phong Lò Văn Hếnh (84 tuổi) ở bản Nà Hường (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bồi hồi nhớ lại: “Đầu năm 1953, tôi cùng một số thanh niên địa phương gia nhập Đại đội Thanh niên xung phong C264 (thuộc Tổng cục Cung cấp, nay là Tổng cục Hậu cần). Ngày ấy, chúng tôi có nhiệm vụ sửa đường, phá bom, dẫn xe và các đoàn dân công qua khu vực từ đèo Chẹn (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đến ngã ba Cò Nòi. Mặc dù bom đạn địch thường xuyên cày xới, chúng tôi vẫn ngày đêm sửa đường và phá bom, nhất là bom nổ chậm, giải phóng đường. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh…”.

60 năm trôi qua, mảnh đất từng phải hứng chịu hàng trăm tấn bom, đạn năm xưa đã thực sự chuyển mình. Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay, Cò Nòi duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân năm 2013 đạt 18 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của địa phương có sự chuyển dịch đúng hướng, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất cây lúa, cây sắn, cây ngô, nay đã dần chuyển sang trồng các loại cây lâu năm, cây công nghiệp. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 17.000 tấn/năm; diện tích cây mía được mở rộng với hơn 1.400ha. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được duy trì và phát triển. Cuộc sống của đồng bào nơi đây có nhiều đổi thay với 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm xuống còn 0,7%. Bên cạnh đó, hệ thống trường học, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, công tác chăm sóc sức khỏe và giáo dục đào tạo có sự chuyển biến tích cực.

Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ thanh niên xung phong, năm 2002, tỉnh Sơn La đã xây dựng Khu tưởng niệm và Tượng đài Thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi. Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi đã trở thành nơi giáo dục truyền thống, nơi du khách đến tham quan, hiểu thêm về lịch sử, về mảnh đất miền Tây Bắc của Tổ quốc.

LÊ HỮU QUYẾT