QĐND - Mặt trận Điện Biên Phủ, trung tuần tháng 4-1954, quân ta khép chặt vòng vây xung quanh trung tâm đề kháng của địch. Đơn vị pháo cao xạ 37mm chúng tôi cũng theo chân bộ binh bố trí ngày càng gần khu trung tâm Mường Thanh và phân khu Nam Hồng Cúm của quân Pháp. Chúng tôi bắn mãnh liệt vào các máy bay vận tải của địch thả dù tiếp tế cho đồng bọn, buộc chúng phải bay vọt lên cao để tránh đạn phòng không.
Nhưng càng lên cao, dù thả xuống bị gió đưa đẩy càng rơi rải rác, địch nhặt được thì ít, ta nhặt thì nhiều. Khi chúng phát hiện bị mất khá nhiều đồ tiếp tế, máy bay địch chuyển sang bay đêm, tránh được hỏa lực và để máy bay có thể hạ thấp độ cao, thả dù chính xác hơn. Tuy nhiên, về cuối chiến dịch, phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp nhanh chóng. Do đó, dù máy bay địch đã bay đêm, bay thấp, được đồng bọn dưới đất bắn pháo sáng hoặc bật đèn tín hiệu phân biệt ranh giới nhưng số lượng dù hàng của địch vẫn rơi vào trận địa quân ta nhiều.
 |
CCB Nguyễn Thế Trường và mảnh dù chiến lợi phẩm của địch ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Duy Thành. |
Thời gian này, Đại đội 817 pháo cao xạ chúng tôi chiếm lĩnh trận địa gần bản Hồng Líu, cách đồi C1 nơi ta và địch đang tranh chấp quyết liệt gần 200m. Hầu như ngày nào, chúng tôi cũng đoạt được dù tiếp tế của địch từ trên máy bay thả xuống. Mặt hàng rất đa dạng, phong phú như: Gạo, bánh mì gối, đường, sữa, đồ hộp, thực phẩm... Ngày ấy, kỷ luật chiến trường rất nghiêm. Nhặt được dù của địch, bất kể loại hàng gì, Ban chỉ huy Đại đội phải báo cáo lên tiểu đoàn và giao nộp đầy đủ, vì đây là chiến lợi phẩm, không được tùy tiện sử dụng. Khi được cấp trên cho phép sử dụng các loại đồ hộp thì anh em đơn vị được ăn tươi ít ngày, lính khỏe ra trông thấy. Thích thú, có người còn ngâm nga mấy câu thơ tự sáng tác : “Gió đưa dù tỏa khắp đồng/ Vòng vèo đáp xuống đúng vòng quân ta/ Dù trắng, dù đỏ, dù hoa/ Toàn là đồ hộp, toàn là xăng xanh (tức đạn lựu pháo 105mm)”.
Một lần, chúng tôi đoạt được chiếc dù hoa thả xuống, mở ra bên trong toàn dụng cụ kim loại sáng loáng. Thì ra, đây là bộ đồ mổ với đầy đủ dao mổ, kéo, kìm, kẹp mạch máu, kim tiêm, kim khâu, bông băng, cồn 90 độ, dây khâu làm bằng ruột mèo, găng tay cao su... Lần khác, lại một hòm gỗ đựng toàn những túi máu khô màu nâu, kèm theo những bình đựng huyết tương có bản chỉ dẫn tỷ lệ pha chế để chế thành máu tươi. Đây là thứ hàng rất quý, trung đoàn cử ngay bác sĩ xuống đại đội chuyển về quân y mặt trận, kịp thời cứu chữa cho thương binh của ta.
Trong số hàng địch thả dù bay vào trận địa ta, có một loại hàng mỗi hòm nặng tới 80kg, không ăn được nhưng khi nhặt được chúng, mọi người ai cũng vui vì đó là những hòm đựng hai quả đạn 105mm, loại đạn mà các đơn vị lựu pháo của ta đang rất cần. Khi bước vào đợt tổng công kích, các đơn vị lựu pháo của ta đã dùng chính những quả đạn này giội lên đầu quân địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm, góp phần kết thúc số phận bi thảm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG (Nguyên Trung đội trưởng thuộc Đại đội 817 pháo cao xạ, Đại đoàn 351)