QĐND - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới thành công của sự sáng tạo vượt bậc, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Sự sáng tạo ấy không chỉ được thể hiện ở đường lối chiến tranh cách mạng, phương châm chỉ đạo tác chiến, nghệ thuật quân sự; ở cấp chiến lược, chiến dịch…, mà còn được thể hiện ngay ở cấp cơ sở và qua hành động, việc làm của từng cán bộ, chiến sĩ trong những tình huống cụ thể, xuất phát từ thực tiễn chiến trường, mang lại hiệu quả thiết thực.

Có thể thấy, một trong những kinh nghiệm chiến đấu hiện đang được Bộ đội Pháo binh vận dụng vào huấn luyện, xử trí tình huống trong quá trình thực hành bắn và chỉ huy bắn là phương pháp “ngắm bắn qua nòng”. Phương pháp này ra đời vào cuối giai đoạn 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là sáng kiến độc đáo của Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ số 2 Phùng Văn Khầu, thuộc Đại đội 755, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn Sơn pháo 675 (Đại đoàn 351). Thực tiễn quá trình chốt giữ trên đồi E, khẩu đội sơn pháo của Phùng Văn Khầu bị thương vong gần hết, chỉ còn lại một mình ông. Trong khi đó, nhiệm vụ cấp trên giao phải tiêu diệt trận địa pháo gồm 4 khẩu 105mm của địch đang gây nguy hại cho bộ binh ta tiến công. Bằng tinh thần dũng cảm và sự thông minh, sáng tạo, ông đã đảm nhiệm toàn bộ công việc của 7 pháo thủ, trực tiếp ngắm bắn mục tiêu qua nòng pháo mà không cần dùng kính ngắm quang học. Kết quả của sự sáng tạo ấy là cả 4 khẩu pháo 105mm của đối phương đều bị tiêu diệt, phá hủy. Nói về sáng kiến này, sinh thời, Trung tướng Doãn Tuế, nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh khẳng định: Đối với pháo bắn thẳng, phương pháp "ngắm bắn qua nòng" là sự sáng tạo trong tình thế cấp bách, chưa có tiền lệ. Thế nhưng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phương pháp này lần đầu tiên xuất hiện ở một khẩu đội, mang lại hiệu suất chiến đấu bất ngờ, trở thành kinh nghiệm thực tiễn quý báu của Bộ đội Pháo binh anh hùng.

Những chiến công bắt nguồn từ sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ pháo binh còn được thể hiện ở việc tháo rời các bộ phận, chi tiết của khẩu pháo để tiện mang vác vào trận địa. Do trọng lượng của khẩu pháo nặng hàng tấn, lại cồng kềnh, rất khó vận chuyển ở địa hình hiểm trở nên các pháo thủ đã nảy ra sáng kiến tháo rời các bộ phận rồi dùng sức người vác vào trận địa. Với cách làm hết sức thông minh này, nhiều khẩu pháo đã được đưa vào đúng vị trí công sự chiến đấu, lắp ráp lại hoàn chỉnh như cũ. Mặc dù, các pháo thủ chỉ quen thao tác bắn, hầu như không có chuyên môn về kỹ thuật súng pháo nhưng đã làm được công việc của các kỹ sư, lắp ráp không sót một chi tiết nào, khiến người người thán phục. Đây chính là sự sáng tạo có giá trị vô cùng quan trọng của bộ đội ta mà quân đội Pháp không thể ngờ tới. Ở địa hình lắm đèo, nhiều dốc, hiểm trở đối phương vẫn đinh ninh rằng chúng ta sẽ không thể có cách nào để chuyển pháo đến gần tập đoàn cứ điểm mà không bị hệ thống máy móc trinh sát hiện đại của chúng phát hiện từ xa. Ấy vậy mà quân ta vẫn đưa được những khẩu trọng pháo vào áp sát tuyến phòng thủ kiên cố khiến quân địch bất ngờ, trở tay không kịp.

Cũng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, công tác bảo đảm lương thực cho bộ đội là một vấn đề hết sức khó khăn. Mặc dù khu vực Tây Bắc có 4 vựa lúa lớn: Mường Thanh, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy nhưng do đồng bào đã quen với tập tục giã gạo chày tay, giã ngày nào ăn ngày ấy nên không có sẵn gạo dự trữ để tiếp tế cho bộ đội. Tình hình ấy đòi hỏi phải tổ chức lực lượng chuyên xay, giã khi thóc được vận chuyển tới. Bởi thế, sáng kiến thành lập “đội quân phó cối” đã được triển khai ở ngay kho trung tâm để chuẩn bị gạo nuôi bộ đội. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là phải đóng cối xay sao cho thật “chuẩn”. Trong khi đó, nguyên liệu gỗ đóng cối vừa khó tìm, vừa tốn thời gian, không đáp ứng kịp yêu cầu bảo đảm lương thực cho chiến trường. Và, chính “đội quân phó cối” đã phát huy trí tuệ, cải tiến nguyên liệu làm cối bằng gỗ sang sử dụng nguyên liệu toàn bằng tre sẵn có trên địa bàn Tây Bắc. Từ đó, hàng trăm chiếc cối xay lúa đã nhanh chóng ra đời với chất lượng tốt, tỷ lệ gạo thu được cao, đáp ứng kịp thời lương thực cho mặt trận.

Một trong những sáng kiến gắn liền với tên tuổi của Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Đại đội trưởng Đại đội mũi nhọn thuộc Trung đoàn 88 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), đó là sáng kiến cạo trọc đầu để đánh giặc. Bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch, thời tiết Tây Bắc mưa dầm dề khiến hệ thống hầm hào, công sự ngập nước. Bộ đội ta suốt ngày ở dưới giao thông hào hoặc trong các căn hầm chiến đấu nên quần áo thường xuyên ẩm mốc; đầu tóc ướt mèm, dính đầy bùn đất. Bởi thế, bệnh nấm phát sinh gây ngứa ngáy, khó chịu. Hơn nữa, trong khi chiến đấu giáp lá cà với quân Pháp, do thể lực chúng cao to hơn nên dễ túm tóc chiến sĩ ta. Để khắc phục tình trạng này, Đại đội trưởng Lê Nam Phong đã cắt trọc đầu. Sáng kiến của ông được cả đơn vị học theo, người nọ cạo đầu cho người kia thành một đại đội đầu trọc. Nhờ đó, quá trình cơ động dưới giao thông hào lầy lội, bộ đội không còn bị vướng bận bởi bùn đất dính bết vào tóc nên hiệu suất chiến đấu, tần suất cơ động được nâng lên rõ rệt. Bệnh nấm đầu cũng giảm đi đáng kể mà không cần phải sử dụng thuốc. Cũng chính từ sáng kiến ấy mà Trung tướng Lê Nam Phong có biệt danh là “Đại đội trưởng đầu trọc”…

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khả năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị là vô cùng to lớn. Tùy theo điều kiện, đặc điểm nhiệm vụ mà bộ đội ta có những sáng kiến, cách làm thích hợp để khắc phục khó khăn, thiếu thốn, giải quyết triệt để các tình huống nảy sinh trên chiến trường, mang lại hiệu quả thiết thực với tinh thần “tất cả để chiến thắng”.

HOÀNG THÀNH