(Tiếp theo và hết)
QĐND - Từ nghìn đời nay, Việt Nam là một xã hội nông nghiệp lúa nước - xóm làng, với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Cho nên, vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ có những gia đình nông dân khá giả, bên cạnh “con trâu là đầu cơ nghiệp” mới có được một chiếc xe đạp. Đó cũng là tài sản quý giá nhất. Thế nhưng, vì lòng yêu nước, người dân đã sẵn sàng đem xe đạp ra trận, cải tiến thành xe đạp thồ để vận chuyển, tiếp tế cho tiền tuyến mà không có bất cứ phương tiện nào có thể sánh kịp. Trên địa hình rừng núi hiểm trở, chỉ cần một mét chiều ngang là xe đạp có thể đi được.
Khái niệm “xe đạp thồ” cũng ra đời từ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nó đã đóng góp quan trọng vào chiến thắng, đã trở thành “vua vận tải” cho trận đánh lớn này. Vì thế mà chiếc tay cầm nối dài của xe đạp thồ được gọi tên là “tay ngai” (chỉ vua thì mới có “ngai”).
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe, để hỗ trợ cho nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa dọc đường.
Một chiếc xe đạp thồ có sức chở trung bình từ 200 đến 300kg, tương đương sức mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, chất lỏng (xăng, dầu), đi được trên nhiều loại đường, địa hình khác nhau mà ô tô không thể đi lại được. Ưu điểm của loại phương tiện này là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang, có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Để có thể thồ được một khối lượng lớn, từ một chiếc xe đạp, dân công, bộ đội buộc thêm vào ghi-đông một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét vào ghi-đông, gọi là “tay ngai” để điều khiển xe, buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng xe, vừa đẩy xe đi, tăng độ cứng của khung xe bằng cách hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ, dùng vải, quần áo cũ, săm cũ… để “gia cố”, tăng thêm độ bền của săm, lốp. Thời gian đầu, mỗi xe thồ chỉ chở được 80-100kg, sau trọng tải được tăng dần lên, nhờ các sáng kiến cải tiến gá, buộc. Hai chiếc xe thồ “gá” lại, có thể chở được hai thương binh nặng (nằm) hoặc bốn thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đèn phát điện còn được sử dụng để tạo ánh sáng, phục vụ cho các bác sĩ phẫu thuật trong đêm… “Kỷ lục” vận chuyển bằng xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ) có chuyến chở tới 352kg hàng.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi đơn vị pháo cao xạ 367 ra quân đánh thắng trận đầu, lập công xuất sắc. Ảnh tư liệu.
|
Hiện nay, ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (216 phố Trần Quang Khải, Hà Nội) phần cận - hiện đại đang trưng bày và giới thiệu chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín, quê ở Thanh Hóa, như một minh chứng lịch sử hùng hồn về binh chủng xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Đầu năm 1954, như bao dân công khác, ông Bùi Tín tình nguyện mang theo chiếc xe đạp thồ phục vụ chiến dịch. Lúc mới chở, mỗi người chỉ thồ được 80kg hàng, sau đó, động viên nhau tăng thêm trọng lượng và khi thồ được 200kg thì ít người tin là có thể nâng lên nặng hơn được nữa vì gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng ông bàn với anh em sửa lại xe đạp cho chắc, làm thêm giá đồng thời tập luyện cách di chuyển cho thành thạo, sẵn sàng giúp đỡ nhau… và chính ông đưa mức trọng tải thồ, lúc cao nhất, lên tới 213kg.
Nói về lực lượng vận tải thô sơ này, trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”, nhà báo Pháp Jules Roy đã viết: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Na-va bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ, với những kiện hàng từ 200 đến 320kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no, và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni lông trải dưới đất”.
Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm, không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường tìm lại độc lập tự do.
Như vậy, qua những phần vừa trình bày, chúng ta đã thấy được, đội quân xe đạp thồ đã góp một phần quan trọng vào việc vận lương cho quân ta ở Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là góp phần không nhỏ, giúp bộ đội chủ lực ta triệt đường vận lương bằng máy bay của không quân địch.
Đờ Cát đã từng nói: Tập đoàn cứ điểm mà ông ta đang chỉ huy “có dáng dấp một Véc-đoong, nhưng không có con đường thiêng liêng”. “Con đường thiêng liêng” mà ông ta nói ở đây là đoạn đường mà trong trận Véc-đoong năm 1916, tướng Pê-tanh của quân Pháp đã sử dụng để điều khiển 3.900 xe vận tải, ngày đêm chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men từ hậu phương ra tiền tuyến. Nhờ có đoạn đường này, từ cuối tháng 2 năm 1916 cho đến khi chiến trận kết thúc, cứ mỗi tuần lễ, lại có 190.000 binh lính, 25.000 tấn đạn dược và quân trang, quân dụng được đưa ra phía trước. Trong lịch sử chiến tranh, lần đầu tiên có cuộc vận chuyển quy mô lớn như vậy.
Nhưng điều Đờ Cát nói chỉ đúng có một phần bởi vì “con nhím khổng lồ” của ông ta hoàn toàn bị cô lập trên mặt đất. Chắc ông ta chưa quên sự khẳng định của Tổng chỉ huy Na-va rằng, Điện Biên Phủ “có một trong những sân bay tốt nhất ở Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt hảo” để nối liền hậu phương chiến lược với Điện Biên Phủ, nối liền các sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) với các sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm. Nhưng “con đường thiêng liêng” trên mặt đất năm 1916 không bao giờ bị quân Đức đánh chiếm, thì tại Điện Biên Phủ từ sau ngày 25 tháng 4 trở đi, “con đường thiêng liêng” trên không trung của quân Pháp đã bị cắt đứt hoàn toàn, nghĩa là bị cắt đứt tất cả mọi công việc tăng viện và tiếp tế của địch bằng cầu hàng không, sau khi quân ta tiêu diệt hai cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh là 105 và 206, cũng như trước đó, một tháng rưỡi, tại các sân bay Gia Lâm, Cát Bi, đã có 74 máy bay các loại của địch bị quân ta phá hủy hoàn toàn.
Thực ra từ ngày chiến dịch bắt đầu, ngày 13 tháng 3, khoảng không không còn là nơi tuyệt đối an toàn, mà đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công Mỹ trước hỏa lực pháo cao xạ của quân ta.
Xuất hiện lần đầu với trận đánh mở màn, chỉ một ngày sau, cùng với pháo mặt đất, pháo cao xạ đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng không quân tại chỗ của địch. Tiếp sau đó, các loại máy bay chiến đấu, vận tải cũng liên tục bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Ngoài 62 máy bay bị tiêu diệt còn có 167 chiếc khác bị bắn hỏng. Trong cuốn “Điện Biên Phủ, một góc của địa ngục”, tác giả Béc-na Phôn gọi đó là “cuộc tàn sát những máy bay” (le massacre des avions). Ông viết: “Ngày 15, hai chiếc máy bay tiêm kích, ném bom đang được sửa chữa ở Điện Biên Phủ, thử chi viện cho Gabriel (đồi Độc Lập) đang bị tiến công. Nhưng vừa rời khỏi sân bay, chúng đã gặp một luồng đạn cao xạ rất dữ dội và rất trúng đích. Cả hai chiếc vội trút bom xuống cách sân bay khoảng 6-7km. Nhưng chiếc thứ nhất vẫn trúng đạn, nổ tan trên bầu trời. Viên phi công Aly Sahraoui, thuộc phi đội chiến đấu 2/22 Languedoc chết ngay. Chiếc thứ hai thoát hiểm nhưng trong ngày hôm đó, viên phi công thứ hai điều khiển một máy bay ném bom của hạm đội 11F của hải quân đã tử thương khi lao xuống oanh tạc”… “Chiều 26 tháng 3, một chiếc Đa-cô-ta, do Đại úy Boeghin lái, bị bắn rơi phía tây cứ điểm Huy-ghét, nhưng phi hành đoàn thoát chết. Chiếc máy bay bốc cháy như một ngọn lửa hỏa thiêu khổng lồ trong nhiều giờ”.
Việc quân Pháp mất hai điểm tựa quan trọng, như vừa nói, và sân bay Mường Thanh bị quân ta kiểm soát đã gây nên những hậu quả lớn với tập đoàn cứ điểm. Nếu như trong 4 ngày đầu chiến dịch, sự tăng viện và tiếp tế đối với Đờ Cát được thực hiện rất đều đặn và bình thường thì 13 ngày sau đó, công việc đã sụt xuống một cách nghiêm trọng. Do việc sân bay Mường Thanh bị đánh chiếm, vùng trời mà không quân địch có thể hoạt động đã bị thu hẹp. Chỉ riêng ngày 26 tháng 4, pháo cao xạ đã bắn rơi xuống vùng ta 2 máy bay B26 và 1 máy bay cường kích. 50 máy bay khác bị trúng đạn. Ngày 27 tháng 4, 20 máy bay Đa-cô-ta thay nhau bay lượn trên vùng trời thung lũng nhưng vướng đạn cao xạ nên không thả được một chiếc dù tiếp tế nào. Ngày hôm sau, 28 tháng 4, 22 máy bay Đa-cô-ta khác cũng phải quay về với toàn bộ các kiện hàng mang theo. Ngày 30 tháng 4, 100 máy bay vận tải đã liều lĩnh thả dù xuống được 212 tấn hàng nhưng 50% số đó đã rơi xuống trận địa đối phương. Những ngày sau đó, những máy bay vận tải buộc phải bay cao từ 2.900 đến 3000m, nhưng vẫn không tránh được sự trừng phạt của pháo cao xạ, đã vội vã ném bừa bãi các kiện hàng, khiến cho từ 30 đến 40% số hàng đó rơi vào trận địa quân ta.
Những điều vừa nêu ra đã chứng tỏ rằng, “con đường thiêng liêng” trên không trung, tức là “cầu hàng không vận lương” của địch đã hoàn toàn bị khống chế. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị triệt lương, cùng với sức mạnh tiến công mãnh liệt của chiến thuật vây lấn và hỏa lực pháo binh của quân ta suốt 55 ngày đêm thì sự đầu hàng của tướng Đờ Cát vào chiều 7 tháng 5 năm 1954 là điều phải diễn ra, không thể nào tránh khỏi.
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)
Điện Biên Phủ- Độc đáo văn hóa quân sự Việt Nam