QĐND Online - Đại tá Phạm Hương, hiện ở phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, một trong 17 thành viên Đội Du kích Ba Tơ, là người vinh dự có mặt ở chiến dịch Điện Biên. Tuổi đã 95, dòng ký ức không còn liền mạch nhưng những tháng ngày sôi động ấy vẫn luôn trong tâm trí ông.

Đại tá Phạm Hương kể chuyện Điện Biên.

Nhiều năm gối đất nằm sương, chịu đựng bao khắc nghiệt của núi rừng Ba Tơ ngày đầu kháng chiến đã tạo nên một lão du kích Ba Tơ nhỏ con mà rắn chắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “chấm” ông đi chiến dịch cũng vì điều đó. “Cậu  quen gian khổ, lên Điện Biên là phù hợp nhất”. Đại tướng đã nói thế khi ông là cán bộ tổ chức của Bộ Tổng Tham mưu sang báo cáo công việc. Vậy là cuối năm 1953, từ chiến khu Thái Nguyên, ông cùng đồng đội hành quân lên Mường Phăng với cương vị Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy tiền phương của Bộ Tổng Tham mưu. Đây là cơ quan bảo đảm cho chiến dịch gồm các cơ quan tham mưu, các đơn vị thông tin, trinh sát, bảo mật, cơ yếu…  Ông ở trong dãy lán trại của cơ quan chính trị thuộc Sở Chỉ huy. Đồng chí Phạm Kiệt thành viên Đội du kích Ba Tơ, Trưởng ban Bảo vệ chiến dịch cũng ở trong dãy lán trại đơn sơ này. Đại tá Phạm Hương vẫn còn nhớ nơi đây có những cây dẻ cao vút, khí hậu quanh năm sương nhẹ, mát mẻ, trong lành.

Hạnh phúc lớn nhất đối với cán bộ ở Sở chỉ huy là được ở bên bộ đội ngay tại mặt trận. Những ngày ở Mường Phăng, ông thường xuyên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ cái Tết Giáp Ngọ 1954, tại hội trường Sở chỉ huy chiến dịch, tạm gác việc nhà binh, tối ấy, cán bộ của Sở chỉ huy cùng chơi bài phăng-teo. Mãi đánh say sưa, ông trêu Đại tướng như người bạn: “Ôm lên đi chứ, còn chần chừ gì nữa”. Đồng chí Trần Văn Quang, lúc đó là Cục trưởng Cục Tác chiến thấy vậy vội "nhắc nhở" ông. Còn Đại tướng cười khà khà, không câu nệ, ôm bài lên và tiếp tục đánh.

Đại tá Phạm Hương nhớ nhất kỷ niệm ở Điện Biên Phủ là quyết định của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau khi lĩnh hội phương châm tác chiến mới, ông về làm công tác tư tưởng cho cán bộ các đơn vị thuộc cơ quan tiền phương Bộ Tổng tham mưu. Sau khi được học tập, quán triệt quyết định của cấp trên, anh em đều đồng lòng và trở thành lực lượng quan trọng góp phần vào thắng lợi của Điện Biên Phủ. Niềm vui trọn vẹn khi hai ngày sau  toàn thắng, ông được cùng đi với Đại tướng thăm căn hầm nơi Đờ-cát ở. Căn hầm không còn tên tướng hợm hĩnh, nhưng vẫn còn đó bên các đường hào la liệt lính Pháp bị thương mà quân y của Pháp không thể nào cứu chữa hết. Đại tướng ra lệnh các đơn vị quân đội của ta tham gia băng bó, cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân lính Pháp. “Anh Văn là như thế!”, ông bần thần khi nhớ về vị tướng nay không còn nữa.

Bà Võ Thị Quá, vợ ông kể, hôm nghe tin Đại tướng mất, ông cứ nước mắt chảy dài, buồn đến mấy ngày. Rồi sau đó là Thượng tướng Trần Văn Quang… Từng người ra đi, mang theo cả ký ức lịch sử. Chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên ông vẫn giữ như một báu vật.

Trong số 17 người sáng sáng lập ra Đội Du lích Ba Tơ ngày ấy, nay chỉ còn hai. Đó là Trung tướng Nguyễn Đôn và Đại tá Phạm Hương. Tại lễ kỷ niệm 65 năm khởi nghĩa Ba Tơ và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Du kích Ba Tơ vào 11-3-2010, có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về dự, Đại tá Phạm Hương, được đại diện Đội du kích phát biểu ý kiến. Thế hệ của ông gắn bó sâu sắc với Cách mạng tháng Tám và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trở thành máu thịt. Ông từng làm Tỉnh đội trưởng Bình Thuận từ năm 1948 đến 1952, đánh Điện Biên Phủ, rồi đi B ở Mặt trận 579, bị thương lại ra Bắc. Trước khi về hưu, năm 1980, ông là Chính trị viên tỉnh đội Hải Hưng. Trở lại “vạch xuất phát” là cán bộ cấp Tỉnh đội sau hơn 30 năm xông pha, nhưng ông chẳng hề so đo. Ngay cả ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ở tỉnh cũng không mấy người biết vì ông chẳng kể với ai. Hầu hết những người thế hệ ông là như thế, không bao giờ đòi hỏi sự đãi ngộ. Ông luôn khắc ghi lời dặn dò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Làm cách mạng là để giải phóng nhân dân chứ không phải kiếm cần câu cơm”. Cách đây 3 năm, khi ông kỷ niệm 75 năm tuổi Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức lễ ngay tại nhà ông. Đồng chí Võ Văn Thưởng, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp trao huy hiệu Đảng cho ông. Ở Quảng Ngãi thời điểm đó, chỉ có Đại tá Phạm Hương và đồng chí Võ Phấn có được vinh dự này. Với một đảng viên như thế là quá đủ. Ông cũng luôn nhắc tới cơ quan bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh làm việc tận tâm, chu đáo, giúp ông thọ đến bây giờ để có thể đón nhận 80 năm tuổi Đảng vào hai năm nữa.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, ở một góc phố nhỏ bên con sông Trà, có một lão du kích Ba Tơ đang hồi tưởng về Điện Biên. Dòng ký ức không liền mạch nhưng vô cùng kiêu hãnh…

Bài, ảnh: HỒNG VÂN