QĐND - Tự hào khoe giấy chứng nhận được tặng thưởng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã ố màu thời gian, ông Đặng Thế Vịnh, cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, bồi hồi nhớ lại những ký ức của hơn 60 năm về trước.

Phủ đầu “Hải Li”

Mở đầu câu chuyện, ông đưa chúng tôi “trở về” trận đánh như mới diễn ra hôm nào. Đã ngoài 80 tuổi, nhưng giọng của ông vẫn mang hào khí ra trận của chàng trai mười chín, đôi mươi thuở còn công tác tại Đội Văn công, Ban Chính trị Trung đoàn 148.

Đó là khoảng 9 giờ sáng 20-11-1953, Pháp bất ngờ cho quân nhảy dù ồ ạt xuống cánh đồng Mường Thanh, mở màn cuộc hành quân “Hải Li”, chuẩn bị cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hôm đó, từ 8 giờ sáng, cán bộ từ trung đội trở lên được lệnh dự cuộc họp quan trọng của trung đoàn, nên ở các đơn vị chỉ còn chiến sĩ. Bộ đội được lệnh ngụy trang, nai nịt gọn gàng, lấy ống nước, chuẩn bị sẵn sàng chờ cán bộ đi họp về sẽ tham gia một trận chiến đấu ở Lai Châu. Trong hoàn cảnh cán bộ một nơi, chiến sĩ một nơi, địch bất ngờ nhảy dù xuống gần nơi đóng quân của ta nên các chiến sĩ trong đội hình tổ 3 người chủ động tác chiến.

CCB Đặng Thế Vịnh (ngoài cùng, bên phải) cùng các CCB chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân, nhân dịp sinh nhật Đại tướng 80 tuổi. Ảnh chụp lại

Bằng kinh nghiệm chiến đấu, một số chiến sĩ khẩn trương thu dọn tài liệu, không để rơi vào tay quân Pháp, còn phần lớn chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, dù không có chỉ huy. Các chiến sĩ thoăn thoắt cơ động, lúc ẩn, lúc hiện, tận dụng địa hình, địa vật tiêu diệt địch. Phát hiện quân Pháp nhảy dù xuống, chúng phải tập hợp và co cụm lại, bộ đội mưu trí ném lựu đạn, có lần tiêu diệt liền 10 tên địch.

Theo tư liệu lịch sử, quân Pháp đặt hy vọng, tính bất ngờ của cuộc hành quân “Hải Li” sẽ giúp chúng giành ưu thế. Tuy vậy, ngay trong ngày đầu cho quân nhảy dù xuống Mường Thanh, chúng đã bị đánh phủ đầu, bị tổn thất lớn khi gặp phải ý chí và tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Trung đoàn 148. Ngay tối hôm ấy, trung đoàn đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen và chúc mừng. Đại tướng khen đây là trận đánh quân nhảy dù điển hình từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau đó, nhiều huân, huy chương được trao tặng các chiến sĩ có thành tích chiến đấu dũng cảm trong trận đánh này.

Trung đoàn tiễu phỉ

Học xong trường thiếu sinh quân, Đặng Thế Vịnh được cử về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Một thời gian sau, chàng trai gốc Hà Nội nhận lệnh điều động về Đội văn công Trung đoàn 148, tham gia đoàn quân Tây Tiến. Thời gian đầu, Trung đoàn 148 có nhiệm vụ tiễu phỉ Lao Hà ở Tây Bắc; sau này, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ở giai đoạn đầu. Ngày đó, trung đoàn đóng rải rác ở Mường Thanh. Đến khi đại quân ở xuôi lên, trung đoàn được lệnh rút ra ngoài làm nhiệm vụ yểm trợ.

Ông Vịnh kể, năm 1952, đội văn công của trung đoàn bị phỉ giết hại, chỉ còn một đồng chí may mắn sống sót. Vì vậy, ông Vịnh cùng một số cán bộ có khả năng văn nghệ ở dưới xuôi được bổ sung lên Trung đoàn 148 gây dựng lại đội văn công của trung đoàn. Đoàn thành lập chưa được 10 người, nhưng đã phấn đấu, nỗ lực để hoạt động trở lại chỉ sau mấy tháng. Ngày đó, việc ăn, ở hết sức khó khăn, có khi cả tháng trời chỉ ăn độc cơm nếp, rau rừng, nhưng anh em trong đoàn vẫn chia từng tổ nhỏ, đi bộ nhiều cây số đường rừng đến các đầu mối phục vụ cán bộ, chiến sĩ, cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Có khi, đoàn biểu diễn phục vụ ngay tại trận địa, khi giao tranh giữa ta và địch vừa tạm ngừng.

Bài thơ tặng Đại tướng

Bài thơ không dài, là những dòng cảm xúc rất chân thật, cảm động về vị Đại tướng vĩ đại, được ông Đặng Thế Vịnh sáng tác chỉ trong khoảng 10 phút, có tựa đề “Danh tướng nhân dân”: “Trần Hưng Đạo xưa thắng giặc/ Không phải chỉ bằng gươm/ Người còn thắng bằng "Hịch tướng sĩ văn" bất hủ/ Thế kỷ 20 Việt Nam xuất hiện danh tướng trẻ/ Anh thắng giặc không phải chỉ bằng giáo mác, súng kíp, chông tre,/ Anh còn thắng bằng tiếng hát, lời thơ/ Truyền thống cha ông tự trước tới giờ/ Biết kế thừa và biết nhân lên/ Việt Nam ơi, Bạch Đằng, Điện Biên/ Cảm ơn Người danh tướng nhân dân”.

CCB Đặng Thế Vịnh đeo Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ này cũng rất đặc biệt. Năm 1989, vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường Thiếu sinh quân, Ban liên lạc mời khoảng 500 cựu thiếu sinh quân chủ yếu ở Hà Nội tới họp mặt. Cuộc họp hôm đó vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự. Khi Đại tướng bước vào, anh em đứng dậy vỗ tay, hô vang “Võ Đại tướng muôn năm!”. Người dẫn chương trình giới thiệu: "Một trong 10 danh tướng nổi tiếng thế giới đang ngồi trước mặt chúng ta đây!", sau đó kính mời Đại tướng lên phát biểu. Câu đầu tiên của Đại tướng, đại ý: Theo tôi, vị danh tướng lớn nhất của nước ta là Bác Hồ, là nhân dân Việt Nam.

Sự gần gũi, khiêm nhường của vị Đại tướng vĩ đại khiến ông Vịnh và nhiều người trong buổi họp mặt hôm đó xúc động. Tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng Đại tướng trào dâng, bất chợt tứ thơ nhen lên trong ông. Không có giấy, ông vội lấy bao thuốc lá xé ra, lấy vỏ viết bài thơ “Danh tướng nhân dân” và sau đó xin phép được lên đọc bài thơ tặng Đại tướng.

Sau này, nhờ có người bạn là thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông mới biết Đại tướng rất thích bài thơ và có hỏi lại người đọc bài thơ tặng ông là ai và ở đâu. Đại tướng còn nói có ý khiêm tốn rằng “cậu ấy lại ví tớ với Trần Hưng Đạo…”. Sau đó, Đại tướng có gửi giấy mời ông tới nhà riêng vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng. Lần đó, ông cùng vợ và đoàn CCB đã tới nhà riêng Đại tướng, được Đại tướng ân cần tiếp đón như những người thân. Gọi là sinh nhật nhưng rất giản dị, chỉ có nải chuối bụt trồng ở vườn nhà Đại tướng đem ra mời cả đoàn thưởng thức. Dịp đó, ông Vịnh đã viết lại bài thơ một cách ngay ngắn và đề tặng “Kính tặng Anh Văn”.

Bài và ảnh: XUÂN PHONG