QĐND - Câu chuyện này xảy ra vào năm 1994, dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Như thường lệ, sáng hôm ấy, Thiếu tá Hoàng Như Ru, cựu chiến binh (CCB) nghỉ hưu tại Huế, đang đi bách bộ dọc đường Lê Lợi, bỗng nghe phía trước có tiếng la thất thanh: “Cướp! Cướp!”. Liền đó, ông Ru phát hiện và lập tức đuổi theo tên cướp. Qua một quãng đường dài, ông Ru đã tóm được vạt áo tên cướp. Nhưng nó rất khỏe, cố vùng chạy, mặc dù ông cố sức ghìm. Chợt có tiếng hô: “Túm lấy áo hắn cho chặt”. Rồi không biết từ đâu, một người lao ra ngáng đường, cùng ông quật tên cướp ngã sấp xuống, bắt đưa về đồn công an, lấy lại chiếc dây chuyền ba chỉ vàng trả lại cho người bị hại.
Tại đồn công an, ông Ru và người đàn ông cùng tham gia bắt cướp cứ nhìn nhau ngờ ngợ, rồi bỗng họ ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Thì ra họ đều là chiến sĩ một thời đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là Lê Quý Công, quê huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), là một trong số 15 lái xe và thợ sửa chữa ô tô của chiến trường Bình-Trị-Thiên, được điều động ra phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ từ mùa đông năm 1953. Hai CCB đã ngót tuổi bảy mươi nhưng còn tráng kiện lắm. Ông Công vẫn thường xuyên đạp xe chở ít nhất nửa tạ tôm, cá từ quê lên Huế bán và nhờ thế mới có cuộc gặp mặt bất ngờ này. Cũng gần giống như hơn bốn mươi năm trước, họ từng gặp nhau trong một trường hợp khá đặc biệt ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Chiếc xe GMC chiến lợi phẩm già nua, ọc ạch chở đạn do ông Ru điều khiển mới bò được hai phần ba dốc Cò Nòi, thì nhíp sau bên trái bị gãy, đành phải nép xe vào vệ đường, cử lái phụ về đơn vị mang phụ tùng lên. Nằm chờ suốt hai ngày đêm không thấy lái phụ đâu cả, ruột gan Ru bồn chồn như có lửa đốt. Đến chiều ngày thứ ba, anh xách túi đồ nghề lang thang, sục sạo đoạn đường phía trước may ra tìm được chiếc xe nào cháy, tháo lấy bộ nhíp thay thế. Suốt hai giờ chẳng có kết quả, người mệt lả, đói và khát, vớ được chiếc mũ sắt, anh liền xuống khe đun nước uống. Vừa châm lửa vào búi cỏ khô, bỗng Ru giật thót mình vì tiếng quát: “Thằng mô vô kỷ luật rứa? Muốn chết răng? Dập tắt ngay không hắn bắn cho bỏ mạ chừ!".
Ru nhận ra giọng đồng hương, nửa mừng, nửa lo. Lo anh ta ghi số xe báo về đơn vị về hành động vô kỷ luật. Mừng vì được gặp đồng hương trong hoàn cảnh bị “giam lỏng” giữa núi rừng. Lát sau ló ra khỏi lùm cây, một người có khuôn mặt đỏ gay, bê bết mồ hôi và dầu mỡ. Vừa mới kịp nhận ra người đó là Công, thợ sửa chữa ô tô cơ động của mặt trận, thì anh ta liền lao tới ôm choàng lấy Ru chặt đến nỗi suýt nghẹt thở.
Hai người hỏi han nhau. Ru kể về tình trạng xe hỏng. Nghe xong, Công nói: “Không hề chi, đã có cách khắc phục”. Nói rồi, Công giục Ru tháo bộ nhíp ra, còn anh xách dao hăm hở vào rừng. Ít phút sau, anh vác về mấy khúc tre già to bằng bắp vế. Vừa chẻ tre đẽo theo hình thanh nhíp, Công vừa động viên: "Ông yên tâm đi! Tôi sẽ thay cho ông một bộ nhíp "kiểu Điện Biên” chạy hết chiến dịch này chưa hỏng cho mà xem”. Thấy Ru còn băn khoăn, Công bảo nhiều xe đã áp dụng phương pháp này, tất cả đều "đi đến nơi về đến chốn"!
Sau khi cho xe chạy thử một đoạn với bộ nhíp tre mới thay, thấy có vẻ được, Ru chia tay Công và hẹn nhau khi kháng chiến thành công, nước nhà độc lập, nếu còn sống sẽ ghé về quê thăm nhau. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nhưng rồi đất nước vẫn bị chia cắt, quê hương của hai người đều nằm trong vùng Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Sau khi nước nhà thống nhất (1975), hai anh tiếp tục làm việc đến lúc nghỉ hưu đều về quê hương sống những năm cuối đời, luôn thao thức tâm nguyện gặp lại nhau nhưng cũng không biết ở đâu mà tìm. Cho đến 40 năm sau, thật bất ngờ, hai chiến sĩ Điện Biên Phủ gặp nhau trong tình huống đặc biệt giữa Cố đô Huế.
TRẦN BIÊN