QĐND - Thực hiện nhiệm vụ tiếp lương tải đạn ra chiến trường, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã góp phần không nhỏ làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chúng tôi ghi lại những vất vả gian truân, nguy hiểm của công việc này qua lời kể của ông Lê Thế Hân, cựu TNXP trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng.

"Tôi sinh năm 1934, quê xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước sang năm thứ 8, cục diện chiến trường có những biến đổi quan trọng; nhu cầu bảo đảm cho kháng chiến đòi hỏi rất lớn ở hậu phương. Người dân quê tôi tự nguyện “dốc bồ, thổ thúng”, nhiều gia đình ăn ngô non, khoai sắn thay cơm để dành gạo cho tiền tuyến. Khắp làng trên xóm dưới, thanh niên nô nức đăng ký tòng quân, tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến. Tôi cũng lén cha mẹ đi khám tuyển, ngày lên đường chỉ có mỗi bộ quần áo cộc mặc trên người và một bộ đồ lót gói theo.

Cựu TNXP Lê Thế Hân hồi tưởng những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Được biên chế vào Đại đội TNXP 290, nhiệm vụ đầu tiêu của tôi là cùng đồng đội gánh gạo từ Thanh Hóa lên Lai Châu; mỗi người 2 bồ gạo, mỗi bồ 20kg. Lương thực ăn dọc đường là cơm nắm, cùng lạc rang muối. Để bảo đảm bí mật, chúng tôi chỉ đi vào ban ngày ở những đoạn đường rừng cây cối um tùm, còn chủ yếu là đêm đi, ngày nghỉ. Mặc cho bàn chân tứa máu vì đá tai mèo và gai góc, chúng tôi cứ bước phăm phăm, hát vang bài “Thanh niên làm theo lời Bác”. Ai bị sốt rét đưa về tuyến sau, gạo được san ra cho những người còn khỏe gánh tiếp.

Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi đảm nhận vận chuyển vũ khí ra chiến trường. Mỗi người cõng một thùng đạn nặng hàng chục cân. Càng ra tuyến trước, mật độ bom đạn càng dày đặc, máy bay địch đánh phá không kể ngày đêm. Qua những đoạn đường trống trải, chúng tôi phải vừa cõng hàng vừa chạy. Mỗi khi thấy máy bay địch, từng tốp TNXP, dân công hỏa tuyến lại ẩn nấp sau các tảng đá. Lúc trở ra, chúng tôi lại cáng thương binh về trạm xá. Nhiều chiến sĩ còn rất trẻ, mới mười chín, đôi mươi, bị thương ở đầu, ngực, chân, tay, mỗi khi đi qua những đoạn đường gồ ghề, máu từ vết thương lại trào ra. Chúng tôi vừa cố gắng đi thật nhanh vừa động viên an ủi: “Đồng đội ơi, cố lên nhé, gần đến nơi rồi”. Gửi thương binh cho các y sĩ, bác sĩ xong, lại bắt đầu chuyến đi mới, chẳng kịp trao gửi địa chỉ cho nhau. Trong đơn vị TNXP của tôi, nhiều người cũng bị thương, hy sinh trên đường công tác, một số bị sốt rét ác tính, tóc rụng hết, vậy mà vừa ngớt bệnh lại đưa hàng ra chiến trường. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đơn vị tôi tiếp tục mở đường, bảo đảm cho giao thông thông suốt, vận chuyển liệt sĩ, thương binh về tuyến sau…”.

“Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…”-mỗi lần đọc những câu thơ này của Tố Hữu, đôi mắt cựu TNXP Lê Thế Hân lại ánh lên niềm tự hào. Ông tâm sự: “Những năm tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là những kỷ niệm không thể nào quên, tiếp cho tôi nghị lực để vượt lên mọi chông gai, sống xứng đáng truyền thống gia đình, quê hương, với những đồng đội đã khuất”.

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC  DIỆP, ghi theo lời kể của cựu TNXP Lê Thế Hân