QĐND Online - “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”-điều đó tiếp tục được khẳng định qua những câu chuyện xúc động về các “bóng hồng” ở Chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước…

Trong khu trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội), có nhiều hiện vật gợi cho khách tham quan nhớ về Chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước. Điều đáng nói là phần nhiều hiện vật ấy đều gắn với những người phụ nữ đã tham gia chiến dịch.

Những người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sáng 6-5-2014.

Cùng với những vật dụng vốn gắn liền với đức tính cần cù, chịu khó, hay lam hay làm của chị em phụ nữ, như đôi bồ đựng, chiếc đòn gánh, những chiếc cối giã gạo…còn có nhiều tư liệu thể hiện được tinh thần hết mình cho chiến dịch năm xưa của người phụ nữ Việt Nam.

Bế con, trốn nhà đi Chiến dịch

Cách đây 60 năm, bà Cầm Thị Dực, ở Điện Biên vừa tròn 30 tuổi. Để được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà phải nói dối bố mẹ là đi tìm anh trai. Nhưng còn một khó khăn khác đặt ra, đó là con trai bà còn nhỏ, mà mẹ luôn nhắc không được rời xa con. Vậy là bà đi đến quyết định: Cõng con trai đi tham gia Chiến dịch, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến sĩ bị thương về tuyến sau cấp cứu.

Bà Cầm Thị Dực. Ảnh chụp lại

Trong khi đó, bà Lê Thị Nháng, năm nay đã 82 tuổi, quê ở Thanh Hóa, là dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thì có dòng hồi ức: “Khi đi chiến dịch tôi mới tròn 22 tuổi, vui lắm, lại có thêm một động lực nữa là hy vọng gặp được em, gặp chồng. Nghĩ thì đơn giản thế thôi chứ ra mặt trận rộng lớn, không gặp được ai. Với 2 bồ gạo, tôi gánh từ Thanh Hóa lên Điện Biên. Đi cả đêm, mệt khi nào thì nghỉ khi ấy. Nhớ nhất là lúc qua đèo Pha Đin. Đèo thì dốc mà mỗi người gánh 30kg. Có lúc chân như đeo đá, thế mà quyết tâm rồi cũng qua được”.

Bà Nguyễn Thị Được, 84 tuổi, ở Hà Nội, nguyên là y tá Đội điều trị 4 của mặt trận thì có những hồi ức về những ngày điều trị 80 thương binh Pháp, sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi bị các thương binh này trêu chọc, bà đã khẳng khái: Các anh là kẻ bại trận, còn tôi đại diện cho bên chiến thắng. Vì lòng nhân ái nên chúng tôi cứu chữa các anh. Các anh phải tuân thủ quy định ở đây. Được chăm sóc tận tình nên các thương binh Pháp rất quý mến bà Được. Hôm trao trả tù binh, bà ra tiễn các thương binh Pháp đã được bà chăm sóc. Trước khi lên máy bay, họ đều đến chào và cảm ơn bà.

Sự ác liệt của chiến tranh và hình ảnh các chiến sĩ của ta đã nằm xuống tại Chiến trường Điện Biên luôn là những ký ức không thể quên đối với bà Nguyễn Thị Mai Tâm, 83 tuổi, ở Hà Nội, nguyên là y tá Đội điều trị 6 của mặt trận. “Một chiến sĩ bị thương nặng liên tục kêu khát nước. Tôi lấy lá cọ vắt từng giọt nước đựng vào ống bơ sữa bò để anh uống. Thấy anh đau đớn, tôi vội đưa tay để anh gối đầu. Miệng anh mấp máy: “Chị ơi, em chết dần chết dần rồi đây này”, rồi trút hơi thở cuối cùng. Điều làm tôi hối tiếc và đau đớn đến tận bây giờ là để anh ra đi trọng tình trạng khát nước”.

Bà Phạm Thị Tín, 82 tuổi, ở Hà Nội, nguyên là y tá Đội điều trị 3 của mặt trận thì lại có những dòng viết về sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ trong cứu chữa, phục vụ thương binh. Trong chiến dịch, bà cứu chữa cho một thương binh tên Hợp. Anh Hợp mới lấy vợ được một năm, rất mặc cảm vì thương tật. Bà Tín đã động viên anh rằng, cái chân cụt là vết thương của dân tộc, khi về vợ lại càng thương, chung thủy với anh hơn. Có lần do đau đớn, anh Hợp đã hắt cả bát mì vào mặt bà Tín. Không giận, bà lau mặt, rồi mang bát mì khác đến, tiếp tục an ủi, động viên anh ăn. Sau ngày đất nước hòa bình, anh hợp đã có 2 con, và vợ chồng anh trở thành những người bạn thân thiết với bà Tín.

Tình yêu “nở” giữa đạn bom

Sự ác liệt của bom đạn vẫn không thể ngăn được bước tiến của những người mang trong mình khát vọng về một đất nước độc lập, tự do. Và đạn bom ấy cũng không thể ngăn được tình yêu nảy nở giữa các chàng trai, cô gái đang thuở mười tám, đôi mươi. Họ yêu nhau và cùng có chung một mục đích cao cả: chiến đấu quên mình, phục vụ hết mình cho ngày Chiến dịch thắng lợi.

Trong một góc của khu trưng bày về Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, có những câu chuyện tình cảm động như thế…

Bà Nguyễn Thị Cân và chồng. Ảnh chụp lại.

Bà Nguyễn Thị Cân, 82 tuổi, ở Hà Nội, nguyên là y tá Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có ấn tượng mạnh với một chiến sĩ bị thương trong chiến dịch: “Được phục vụ anh Tại trong một ca mổ lấy mảnh đạn từ gót chân ra không có thuốc gây tê ở Trạm quân y Đại đoàn 312. Tôi cảm phục sự chịu đựng đau đớn của anh. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi và anh gặp nhau ở Hội nghị mừng công. Chúng tôi yêu nhau và tổ chức lễ cưới vào năm 1956”.

Bà Lê Thị Bích Hoàn và chồng. Ảnh chụp lại.

Cùng làm nhiệm vụ ở Đội điều trị của mặt trận, tình yêu của bà Lê Thị Bích Hoàn và chồng bà hiện nay, nảy nở thật tự nhiên, như cách nói của bà “yêu nhau lúc nào không biết”. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đang làm nhiệm vụ chuyển thương binh từ Điện Biên về Quân khu 4 thì bà Hoàn nhận lệnh về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Về đến nơi, bà vô cùng bất ngờ khi được thủ trưởng Tổng cục Chính trị đứng ra tổ chức lễ cưới cho vợ chồng bà. Lễ cưới khi đó được rất nhiều anh em ở các đơn vị bạn đến dự, có bánh quy là chiến lợi phẩm thu được của địch. Bà hạnh phúc đi bên chồng, khi ngày vui của hai người được hòa vào niềm vui trong những ngày chiến thắng của dân tộc.

Bà Ngô Thị Thái Nghiêm, nguyên là y tá Đội điều trị 6 của mặt trận, thì lại nhớ về kỷ niệm của bà và chồng tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là những lần trao đổi thư từ: “Chúng tôi cùng công tác trong một đội điều trị. Một hôm anh đến bên tôi, nhét vào tay tôi một tờ giấy pơ-luya nhỏ. Đó là bức thư đầu tiên anh bày tỏ ý định được tìm hiểu tôi. Lần khác, anh đưa tôi một bức thư kèm với quyển sổ nhật ký của anh lẫn chiếc túi vải mà tôi khâu tặng”. Rồi tình yêu đến, năm 1957 hai người đã làm lễ cưới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh và chồng. Ảnh chụp lại.

Thật xúc động khi được đọc những dòng tâm sự, và ngắm những bức ảnh liên quan đến một đám cưới không có cô dâu. Với tinh thần “Tổ quốc là trên hết”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, hiện ở Hà Nội, nguyên là Chính trị viên kiêm y tá Đội điều trị 2, đã lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình mà không kịp báo nhà trai, trong khi trước đó, tháng 12-1951, hai người đã giấy mời đám cưới bạn bè. Đúng ngày cưới, đồ lễ vẫn được chở từ Cao Bằng về Thái Nguyên. Đám cưới của 2 người phải hoãn đến tháng 3-1952.

60 năm-một khoảng thời gian không ngắn đã qua đi. Vậy nhưng, những câu chuyện xúc động về những người phụ nữ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang làm cho Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta 60 năm trước trở nên tươi mới; giúp khách tham quan hiểu hơn về ý chí, sức mạnh Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đặc biệt, giúp thế hệ trẻ hôm nay tự hào hơn về nhân dân, về Tổ quốc mình…

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ