QĐND -   Tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên một buổi sáng tháng 4 nắng gắt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Phạm Đức Hiển vừa chỉ cho chúng tôi thấy những đồi cao su xanh tốt vừa kể: “Thấm thoắt thế là cũng đã hơn 6 năm kể từ khi cây cao su được trồng thử nghiệm ở 2 xã Mường Pồn và Thanh Nưa. Những ngày này nắng như đổ lửa, gió Lào oi nực đã bắt đầu tràn về với miền đất cực Tây Tổ quốc nhưng những công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và bà con nông dân lại cảm thấy mát lòng hơn khi nhìn thấy màu xanh bát ngát của hàng nghìn héc-ta cây cao su đã bén rễ, xanh tốt”. Cây cao su bắt đầu được trồng ở Điện Biên từ cuối năm 2007. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.256ha cao su, trong đó cao su đại điền là 4.135ha, tiểu điền là 121ha. Dự kiến đến năm 2015, cao su sẽ khép tán cho thu hoạch những giọt "vàng trắng" đầu tiên. Đồng thời với đó là sự ra đời của các nhà máy chế biến mủ cao su tại địa phương sẽ góp phần giúp hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, lâu dài để họ có thể yên tâm gắn bó, lao động sản xuất trên quê hương.

Bà con Điện Biên đánh luống trồng cây cao su.

Theo ông Phạm Đức Hiển, khi mới triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn, Công ty CP Cao su Điện Biên đã gặp không ít khó khăn, trở ngại do nhận thức của người dân. Họ nghi ngờ về một dự án khởi động rồi để đấy, về một loại cây giống như cây trẩu, cây quế trước đây... nên không đồng tình trong việc giao đất trồng cao su. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và công ty đã tổ chức nhiều buổi họp dân tuyên truyền cho đồng bào hiểu, đây là dự án lâu dài và công ty sẽ luôn sát cánh cùng người dân từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và sau này là thu hoạch mủ. Sau khi đã hiểu rõ, đồng bào đã tích cực tham gia làm đất, đào hố, đóng bầu giâm cành và cả nhận giao đất để trồng cao su... Để bảo đảm lương thực cho người dân khi thu hồi đất trồng cao su, trong mấy năm đầu cây cao su chưa phát triển mạnh, công ty khuyến khích người dân trồng xen canh lúa, đỗ, lạc bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật trên diện tích trồng cao su. Với vốn góp là diện tích đất trồng cao su, người dân ngoài cơ hội trở thành cổ đông của công ty còn có cơ hội trở thành công nhân làm việc cho công ty trên chính mảnh đất của mình. Việc thực hiện trồng cây cao su ở Điện Biên cũng như Sơn La, Lai Châu là kết quả sau một quá trình lâu dài nghiên cứu, đánh giá điều kiện đất đai, khí hậu, con người, khả năng tiêu thụ sản phẩm… của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn. Với tiềm năng đất lâm nghiệp lớn, cây cao su có thể sẽ phù hợp và phát triển tốt để trở thành “vàng trắng” thực sự của tỉnh Điện Biên.

Đối với cây cà phê, ông Phạm Đức Hiển chia sẻ, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương khá phù hợp với việc trồng và phát triển loại cây này. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4000ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 2.129ha, sản lượng cà phê nhân ước đạt 5.407 tấn... Tuy nhiên, việc phát triển cây cà phê đang gặp không ít khó khăn mà nguyên nhân chính là do giá cà phê rớt và không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con. Không giống như cây cao su được Tập đoàn Cao su Việt Nam hậu thuẫn, thành lập doanh nghiệp đồng hành, sản phẩm cà phê của tỉnh vẫn đang chỉ tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu thô, tự phát và rất bấp bênh. Năm nay có lúc giá cà phê là 40.000/kg, rồi lại hạ đến 28.000/kg... Bà con nhận thấy, nếu làm cây lúa không bán được thì vẫn có cái để ăn chứ trồng cà phê mà không có người mua thì nguy to...

Ông Hiển nhấn mạnh, thời gian tới, Điện Biên cần có thêm những chính sách cho lâm nghiệp, có thêm nhà máy chế biến, thu mua các sản phẩm cây công nghiệp, có chính sách trồng rừng, hỗ trợ nhà máy, doanh nghiệp... Có như vậy, các loại cây như cao su, cà phê mới thực sự có chỗ đứng vững chắc và góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thực sự.

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYỄN MINH GIANG