Để điện giật “êm ái”
QĐND - Dây điện thông tin đứt, hễ lính thông tin vừa tuốt khỏi vỏ cách điện là bị điện giật. Đó là do thường trực máy ở Sở chỉ huy thấy mất thông tin, bị cán bộ hối thúc hỏi tình hình sau những trận pháo dồn dập, nên quay điện liên tục. Cứ mỗi lần anh em cầm dây nối lại bị quay điện giật bắn tay, ê ẩm xuống tận chân vì chân chạm đất ướt. Sau có kinh nghiệm, nắm thật chặt sợi dây thì điện giật cũng “êm ái, dễ chịu” hơn; nhanh chóng chập các sợi dây kim loại nối vào nhau cho thông liên lạc. Quả nhiên khi đầu trực máy không quay nữa, lính thông tin dễ dàng xoắn ngay mối nối lại.
Lần đầu biết thế nào là thịt ngựa
Sáng 8-2-1954 (mồng 6 Tết), hai tiểu đội dây của Trung đội 2, Đại đội 99 về Huổi He gặp chỉ huy tiểu đoàn nhận nhiệm vụ. Khi xuống bản Nà Nham, được đơn vị bạn chia cho một đùi ngựa. Anh em chưa ai ăn thịt ngựa bao giờ, có người bảo “hôi lắm”. Song, anh nuôi khéo nấu, kiếm được mấy củ gừng cho vào kho nhừ như kiểu kho thịt bò, ăn vừa mềm vừa thơm, lính ta khoái lắm. Anh nuôi biết ý đã nấu thêm gạo mà cơm vẫn hết bay.
Suýt giáp mặt "ông ba mươi"
Đầu tháng 2-1954, Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy chỉ đạo: Cho kéo đường dây xuyên rừng về hướng Tây, tùy địa hình cho dọc theo dãy Phu San về hướng Nam, khoảng giữa hai con đường Tuần Giáo-Điện Biên và Điện Biên-Lai Châu. Nhận lệnh, đồng chí Nguyễn Huy Văn với một tổ chiến sĩ xoi đường thông thạo nhất trung đội, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Chàng, Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Văn Đông vừa lách, vừa dùng dao phạt cây mở lối, vất vả lắm mới vượt được sườn núi. Sang phía Tây Huổi He, cỏ cao ngút đầu, chúng tôi cứ phải dùng hai tay vén cỏ dạt sang hai bên rồi mới bước được. Có chỗ người không thể lách được vì cỏ quá dày, quá cao, dùng cả thân mình đè xuống cũng không xong, mà cứ bị bùng nhùng như nhảy trên chiếc giường lò xo. Suốt một ngày căng thẳng chỉ rải được 7km dây. Tối hôm đó, đơn vị ngủ lại bên một khe suối nhỏ. Hai tiểu đội cố gắng lắm mới bạt được một miếng đất bằng làm chỗ nằm, mở một đoạn đường nhỏ ra suối lấy nước và một chỗ đi vệ sinh. Sáng dậy, thấy đầy những vết chân hổ to bằng miệng bát ăn cơm. Hai đồng chí gác đêm chẳng biết gì, chỉ nghe có tiếng động, hỏi không thấy lên tiếng, cứ lên cò bấm súng để uy hiếp. Thấy vết chân hổ vòng quanh, rình rập chỗ mình ngủ, ai cũng hú vía.
Dây với dợ, lằng nhằng!
Trong chiến dịch, nhiều loại dây cùng chạy trên vách hào, nào của cấp chiến dịch, cấp đại đoàn, trung đoàn, dây trực tuyến, dây trục, dây nhánh, dây hiệp đồng giữa bộ binh và bộ binh, giữa bộ binh với pháo binh. Khi bị đứt, đơn vị này nối vào đơn vị kia, lung tung cả, làm cho người chỉ huy sốt ruột, gắt lên: “Dây với dợ, lằng nhằng!”, có khi còn nặng lời với anh em thông tin. Để tránh nhầm lẫn, đã có sáng kiến buộc vải màu đánh dấu, nhưng rồi bùn đất lấm lem không phân biệt được màu sắc, nhất là về đêm. Lại có sáng kiến buộc các vật thể có hình to, nhỏ khác nhau vào đường dây của từng đơn vị...
… Ló cái khôn
Tại Mặt trận Điện Biên Phủ, lính thông tin đã thực hiện một số biện pháp hạn chế địch đánh đứt dây. Dọc suối Nậm Rốm dài 1,5km, ta dùng cây vầu, có chiều dài 4-5m để câu dây ra giữa dòng suối. Đạn nổ dưới mặt nước ít gây tác hại. Khi qua cánh đồng hoặc vượt đồi, nơi pháo bắn nhiều, anh em đào rãnh rộng 15-20cm, sâu 25-30cm, rải và ghim dây xuống đáy rãnh, kéo dài 5-7km, vượt hết sườn đồi này qua sườn đồi khác, hiệu quả trông thấy. Đoạn vượt đường 42, anh em đào rãnh sâu cắt ngang mặt đường, dùng cả một khúc cây tròn hoặc những tảng đá lát lên trên dây rồi mới lấp đất, để ô tô, xe pháo đi qua không nghiến đứt dây.
ĐÌNH HỒNG
(Ghi theo lời kể của các CCB Trung đội 2, Đại đội 99, Tiểu đoàn 303 hữu tuyến điện)