QĐND - Điện Biên Phủ là chiến dịch quyết chiến, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là cuộc đấu trí, đấu lực diễn ra rất quyết liệt giữa ta và địch. Trải qua 55 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thắng lợi giành được trong Chiến dịch Điện Biên Phủ do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó không thể không nói tới trí thông minh và tinh thần đánh giặc dũng cảm của quân và dân cả nước, đặc biệt là quân và dân Tây Bắc.
Trước sức mạnh tiến công của ta trong Chiến cục Đông Xuân 1953-1954, nhận rõ vị trí quan trọng của chiến trường Tây Bắc, Pháp quyết định đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ. Theo tính toán của các nhà quân sự, nếu giữ được Điện Biên Phủ, nhất là cánh đồng Mường Thanh và khống chế các vùng xung quanh, phía Pháp sẽ kiểm soát toàn bộ vùng bắc Đông Dương. Tây Bắc còn là khu vực địa hình hiểm trở, ở xa vùng kiểm soát của Việt Minh. Vì vậy việc vận chuyển và tiếp tế của đối phương có nhiều khó khăn, khó có thể tập trung lực lượng lớn để tác chiến dài ngày. Giữ được chiến trường bắc Đông Dương, quân Pháp sẽ kiểm soát chặt vùng trung du, chiếm giữ vùng đồng bằng, đối phương khó có thể huy động lực lượng và lương thực, quân chủ lực sẽ suy yếu, sức mạnh tác chiến sẽ giảm. Việt Minh buộc phải chấp nhận các điều khoản Pháp đưa ra trên bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ…
 |
|
Từ nhận định đó, Pháp quyết định tăng quân cho Điện Biên Phủ. Hàng chục tiểu đoàn bộ binh và lính dù, những đơn vị thiện chiến nhất, cùng một số tiểu đoàn người địa phương thông thạo địa hình, quen tác chiến ở rừng núi được bố trí ở đây. Nhận rõ khó khăn khi binh lính phải chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên Phủ, phía Pháp cho quân chiếm giữ nhiều điểm cao xung quanh. Chúng xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh, được đánh giá là ngoài khả năng công phá của Việt Minh. Trong đó hình thành 3 phân khu, trong từng phân khu có nhiều cụm cứ điểm, trong từng cụm cứ điểm có nhiều cứ điểm, có khả năng tác chiến độc lập, chi viện và hỗ trợ cho nhau. Tập đoàn cứ điểm còn có cả sân bay để tác chiến và tiếp nhận sự chi viện. Để tăng tính liên hoàn và vững chắc, quân Pháp còn đào nhiều đường hào nối liền các cứ điểm và cụm cứ điểm, công sự được xây dựng kiên cố, bố trí nhiều vật cản. Phía Pháp còn tháo dời cả những chiếc xe tăng và khẩu pháo hạng nặng, chở bằng đường không lên tăng cường cho Điện Biên Phủ. Đánh giá về khả năng tác chiến của tập đoàn cứ điểm, các sĩ quan của Pháp và Mỹ cho rằng: Đây là pháo đài bất khả xâm phạm, cỗ máy khổng lồ để nghiền nát các đại đoàn chủ lực của Việt Minh.
Ngay khi Pháp đổ quân xuống Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy đã quyết định mở chiến dịch tiến công. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tình hình, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Địch mới đổ quân, bố trí còn sơ hở, công sự trận địa chưa vững chắc. Vì vậy, ta cần tận dụng thời cơ có lợi tổ chức tiến công ngay. Phương châm tác chiến là: Đánh nhanh, thắng nhanh. Cách đánh: Ta sẽ tập trung lực lượng tiến công, đánh chiếm những cứ điểm và cụm cứ điểm quan trọng, sau đó đánh thẳng vào trung tâm, phát triển tiêu diệt quân địch còn lại.
Sau thời gian vừa nắm địch vừa làm công tác chuẩn bị, Bộ tư lệnh Chiến dịch nhận thấy: Địch đã tăng thêm lực lượng, trận địa được củng cố vững chắc hơn. Trong khi đó công tác chuẩn bị của ta, tuy đã có nhiều cố gắng song vẫn chưa hoàn thành, pháo binh chưa chiếm lĩnh trận địa xong, công tác chuẩn bị vật chất chưa đủ, nhất là các đơn vị ở xa. Giờ nổ súng đã đến, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị: Thay đổi phương châm và cách đánh: chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Ta sẽ tập trung lực lượng tiêu diệt một số cứ điểm và cụm cứ điểm vòng ngoài, đánh bại quân phản kích, đào hào vây lấn làm suy yếu quân địch, sau đó chuyển sang tổng công kích giành thắng lợi.
Quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng ủy thảo luận rất kỹ để đi đến thống nhất. Cách đánh mới thể hiện rõ trí thông minh trong đánh giá tình hình, tinh thần dũng cảm đưa ra quyết định sáng suốt; phù hợp với thực tiễn chiến trường, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị cao của lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch.
Chủ trương sáng suốt và ý chí quyết tâm của Đảng ủy được truyền tới cán bộ và chiến sĩ, thông qua hội nghị quán triệt nhiệm vụ và dân chủ thảo luận cách đánh, được chuyển thành hành động trong chuẩn bị cũng như tác chiến. Khi kéo pháo ra và đưa pháo vào, do đường trơn, núi cao và dốc đứng, bộ đội ta đã chặt cây đóng xuống mặt đường để tăng độ ma sát. Tận dụng những gốc cây to thay tời từng bước đẩy pháo lên cao, ngụy trang kín đáo đưa pháo vào gần. Tinh thần chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch rất cao. Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn cứu pháo. Các chiến sĩ công binh đã khôn khéo làm đường và cầu ngầm, ngụy trang những chiếc phà và bến bãi để che mắt quân địch. Dân công hỏa tuyến đã dùng thanh gỗ làm tăng lực cho khung xe đạp và nới rộng tay cầm, nâng mức tải trọng lên gần 400kg, chuyển hàng chi viện cho chiến trường. Trong tác chiến, trước những tình huống khó khăn và quyết liệt, bộ đội ta đã sáng tạo ra nhiều cách đánh, dũng cảm tiêu diệt quân địch. Đại đội trưởng Trần Can không chỉ giỏi chỉ huy tiến công trận địa và đánh phá lô cốt địch mà còn xử trí rất linh hoạt trong đánh địch phản kích, đánh giáp lá cà và thọc sâu, dù bị thương vẫn không rời trận địa, anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, nhằm phát huy sức mạnh hỏa lực tiêu diệt quân thù. Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, để đồng đội phá hủy lô cốt địch. Phùng Văn Khầu ngắm qua nòng pháo tiêu diệt lô cốt, bắn cháy xe tăng địch. Chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi, vừa chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, vừa cùng bộ binh kiên cường đánh địch. Bộ đội công binh sử dụng khối bộc phá gần một tấn thuốc nổ, đánh phá hầm ngầm và sở chỉ huy địch. Vừa tiêu diệt địch, bộ đội ta vừa đào hào siết chặt vòng vây, phong trào luồn sâu bắn tỉa, đoạt dù địch đánh địch, nghi binh tạo thế để phát triển tiến công được nhân rộng trên toàn mặt trận...
Trí thông minh và tinh thần dũng cảm của chiến sĩ Điên Biên đã lan rộng ra cả nước, quân dân các địa phương đẩy mạnh đánh địch; nhiều đồn bốt bị san phẳng, sân bay, bến cảng, đường vận chuyển bị đánh phá. Hàng ngàn tấn lương thực và thực phẩm được bí mật vận chuyển từ vùng sau lưng địch ra vùng tự do, đưa lên chi viện cho Điện Biên Phủ, vượt qua sự kiểm soát rất chặt của quân Pháp.
Trí thông minh và tinh thần dũng cảm của quân và dân cả nước được kết tinh từ tinh thần đoàn kết và yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường và bất khuất; lòng yêu hòa bình, mong muốn đất nước được độc lập, dân tộc được tự do, ấm no và hạnh phúc. Có thể nói, sự kết hợp giữa trí thông minh và tinh thần dũng cảm đã tạo nên sức mạnh đánh thắng quân địch trên chiến trường Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định chiến tranh.
Thiếu tướng PGS, TS BÙI THANH SƠN