QĐND - “Trong niềm vui chung về Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên”, chúng ta càng tự hào về Tòa soạn Tiền phương Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Ngày ấy, chỉ với 5 cán bộ, phóng viên, các nhà báo của Báo QĐND đã làm được 33 số báo đặc biệt, đặc sắc, là kênh thông tin báo chí hiệu quả nhất, trực tiếp cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân, dân ta trên chiến trường. 33 số báo đó là một kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Cuộc gặp hôm nay là để tri ân các nhà báo-chiến sĩ Điện Biên Phủ, những người đã để lại tài sản quý báu cho muôn đời sau” - Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo QĐND phát biểu như vậy tại buổi gặp gỡ cựu chiến binh và thân nhân chiến sĩ Điện Biên được Đảng ủy, Ban Biên tập Báo QĐND tổ chức diễn ra sáng ngày 30-4.

“Vũ khí đặc biệt, binh chủng đặc biệt”

Có mặt tại buổi gặp gỡ sớm hơn thời gian ghi trong giấy mời, các nhà báo lão thành: Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp, Lê Kim, Nguyễn Ngọc Tú, Nguyễn Trần Thiết, Nguyễn Thế Trường cùng thân nhân các chiến sĩ Điện Biên khiến cán bộ, phóng viên đương nhiệm của Tòa soạn Báo QĐND cảm động về tình cảm và “tinh thần Điện Biên Phủ” của những người đã chung tay làm nên kỳ tích 60 năm trước. Đại tá, nhà báo Lê Kim, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là cán bộ tuyên huấn Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, bồi hồi nhớ lại:

- Những ngày này, báo chí cả nước đều nhắc đến Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Tôi thấy rất tự hào. Truyền thống nổi bật của báo ta là luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh, Tổng Quân ủy, Tổng cục Chính trị. Ở chiến trường Điện Biên, báo ta đã bám sát Bộ tư lệnh Mặt trận, đặt bài các đồng chí lãnh đạo, đó cũng là cách bảo đảm tính định hướng chính trị của tờ báo. Một phẩm chất truyền thống khác là bám sát bộ đội. Tòa soạn Tiền phương chỉ có hai phóng viên chính Phú Bằng và Khắc Tiếp. Hai anh ấy “cứ đi biền biệt”, từ đơn vị này sang đơn vị khác, lấy tin, viết bài gửi về tòa soạn rồi lại đi tiếp, viết tiếp, vì thế báo lúc nào cũng “nóng hổi” tin tức chiến sự. Truyền thống nữa là tính kỷ luật, ý thức phục tùng tổ chức, “quân lệnh như sơn”. Ngày tôi được điều về báo, lo lắng lắm, sợ không làm được, nhưng tôi tự bảo cứ phục tùng tổ chức đã, rồi học hỏi các nhà báo đàn anh, dần dần cũng viết được những bài tốt.

Các cựu chiến binh Điên Biên Phủ chụp ảnh chung với thủ trưởng Ban biên tập và các phòng, ban. Ảnh: Triệu Chính.

Bà Hồ Thị Xuân Mùi, phu nhân của cố Tổng biên tập Trần Công Mân, trong cuộc kháng chiến chống Pháp là bộ đội công binh, rất đồng tình với ý kiến của nhà báo Lê Kim. Bà bày tỏ: “Thời đó, bộ đội công binh truyền tay nhau đọc Báo QĐND và rất khâm phục các nhà báo. Đặc biệt là anh Phú Bằng, một phóng viên có mặt ở rất nhiều điểm “nóng”. Hình như ở đơn vị nào cũng thấy bóng dáng anh Phú Bằng, bộ đội ở công binh, pháo binh, bộ binh… đều biết anh Bằng. Tôi nhớ là anh Phú Bằng có rất nhiều bài báo ngắn nhưng hay, chính xác về gương chiến đấu của các đơn vị”.

Đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp năm nay đã sắp bước vào tuổi 91. Sức khỏe của ông gần đây không được tốt, nhưng đến với cuộc gặp gỡ, ông tự thấy “khỏe và minh mẫn hẳn lên”. Ông rất vui vì lần này là lần thứ 3, Báo QĐND có dịp ôn lại một cách hệ thống về công tác xuất bản báo tại chiến trường Điện Biên Phủ. Việc Ban Biên tập quyết định xuất bản cuốn sách “Tòa soạn Tiền phương trong rừng Mường Phăng”, rồi làm phim truyền thống về hoạt động của Tòa soạn Tiền phương tại Điện Biên Phủ, là việc làm rất có ý nghĩa nhằm tổng kết một cách có hệ thống, đầy đủ nhất về một tờ báo đặc biệt, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, phục vụ chiến dịch quân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều người vẫn gọi tờ báo xuất bản tại mặt trận là “vũ khí đặc biệt, binh chủng đặc biệt”-nhà báo Khắc Tiếp mong các thế hệ nhà báo của Báo QĐND sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu, bổ sung, vun đắp truyền thống “đặc biệt” đó của tờ báo “lính Cụ Hồ”.

Những "người làm báo” thầm lặng

Nói về công lao của những người đã làm nên kỳ tích xuất bản 33 số báo tại Mặt trận Điện Biên Phủ, nhà báo Khắc Tiếp nói:

- Đề cập đến Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ mà chỉ nói về những người trong Tòa soạn Tiền phương (Tổng biên tập Hoàng Xuân Tùy, Thư ký tòa soạn Trần Cư, họa sĩ Nguyễn Bích và Mai Văn Hiến, phóng viên Khắc Tiếp và Phú Bằng) là chưa đầy đủ, mà trước hết phải nói đến đóng góp to lớn và hết sức quý giá của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chính Đại tướng đã góp phần làm nên hồn cốt của tờ báo. Hàng loạt bài bình luận, xã luận ký tên Chính Nghĩa ở trên các số báo xuất bản tại mặt trận đều do Đại tướng gợi ý hoặc vạch đề cương. Bút danh Chính Nghĩa cũng là do Đại tướng đặt. Khi anh Hoàng Xuân Tùy xin ý kiến, Đại tướng đã nói: Cuộc chiến tranh vệ quốc của ta là chính nghĩa, quân đội ta chiến đấu vì chính nghĩa, việc làm của chúng ta tại mặt trận là chính nghĩa nên ngôn luận của báo lấy bút danh Chính Nghĩa. Anh Tùy thường là người chắp bút những bài chỉ đạo lớn của Đại tướng, vì anh là Bí thư của Đại tướng, đồng thời là Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận. Nhiều bài Đại tướng nêu ý đầy đủ, nhiều bài Đại tướng chỉ gợi ý. Trên mặt báo, chẳng có bài nào ký tên anh Tùy, cũng không có bài nào ký tên Đại tướng, nhưng đó là hai người có công lớn nhất vào thành công của tờ báo.

Một “nhà báo lớn” nữa, theo nhà báo Khắc Tiếp là đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận. Trong khi “nhà báo Chính Nghĩa” thường đưa ra những chỉ đạo lớn thì “nhà báo” Lê Liêm lại có nhiều bài chỉ đạo cụ thể, ký đúng tên. Đó là những bài chỉ đạo cách giải quyết tình hình tiêu cực tư tưởng trong bộ đội; cách giữ bí mật, kỷ luật; cách thức tổ chức thi đua… Vì sao đồng chí Lê Liêm lại ký đúng tên? Vì ai cũng biết đồng chí là Chủ nhiệm Chính trị mặt trận. Ý nghĩa bài báo rất to lớn vì đó là ý kiến của Chủ nhiệm Chính trị để các chính ủy, chính trị viên chú ý, quán triệt tinh thần bài báo đến bộ đội.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập và Đại tá Phạm Văn Huấn, Phó tổng biên tập tặng sách, tặng hoa các cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Trường.

Có rất nhiều những đóng góp thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để làm nên 33 số báo xuất bản tại mặt trận. Nhà báo Khắc Tiếp kể rằng, trong thời kỳ làm báo tại Điện Biên Phủ, ông đã gặp và phỏng vấn chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh (một trong 5 người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát), hay đến viết gương về một chiến sĩ trẻ tuổi có tên là Xuân Mai (về sau là nhà báo Xuân Mai, Tổng biên tập Báo Phòng không-Không quân, Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam). Điều kỳ lạ là nhiều lần sau này, tác giả gặp lại nhân vật của mình mà tưởng như chưa từng gặp bao giờ. “Đó là bởi chiến trường khẩn trương, tôi thì cứ đi liên tiếp từ trận địa này đến trận địa khác, biết bao bộ đội, đơn vị đã giúp đỡ mình trên suốt chặng đường tác nghiệp, mình có được tác phẩm hay nhưng nào có nhớ được họ”- nhà báo Khắc Tiếp tâm sự.

Nhà báo lão thành Phú Bằng mãi cuối buổi gặp mới phát biểu. Dường như trong ông có điều gì đó nghẹn ngào! Ông chia sẻ, mấy ngày nay, ngày nào ông cũng tiếp phóng viên nhiều báo, đài phát thanh, đài truyền hình. Cơ quan báo chí nào cũng đề nghị ông kể chuyện làm báo, sao cho độc đáo, tránh trùng lặp với thông tin đã “chia sẻ” cho báo khác. Nhiều phóng viên gọi ông là nhân chứng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông khiêm tốn từ chối cách gọi ấy, bởi tầm vóc lịch sử của chiến dịch quá lớn lao, cả dân tộc ta ra trận, hàng chục vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong cùng ra trận, thế hệ đó mới được gọi là nhân chứng. Còn một cá nhân như ông, tự thấy mình được trở về lành lặn đã là may mắn, ông tự gọi mình là người sống sót, người còn lại… Trong tập giấy ghi chép tại chiến trường Điện Biên Phủ khi xưa, giờ đây giở ra, dòng nào, trang nào cũng hiện lên tên những anh hùng, dũng sĩ. Rất nhiều trong số họ đã hy sinh, không kịp đọc những dòng tin ông viết về họ trên báo. Viết được bài báo là mồ hôi, máu và nước mắt, nhưng để báo đến tay bạn đọc, còn bao công lao biên tập của Thư ký tòa soạn Trần Cư, của Tổng biên tập Hoàng Xuân Tùy, của các anh thợ in dầm mình trong hầm hào, của các chiến sĩ làm công tác phát hành vượt qua bom đào, pháo trộn, đưa báo đến với bộ đội… Cứ nghĩ đến đó, ông thấy mình còn nhiều việc phải làm, thấy mình còn mắc nợ bạn đọc, mắc nợ chiến sĩ Điện Biên Phủ. Nếu xem mỗi số báo là một tiếng reo mừng chiến công thì trong ông bây giờ, lúc nào cũng vang lên những tiếng reo, thúc giục ông cố gắng làm những gì có thể, để tri ân đồng đội, tri ân đồng bào…

Xứng danh “nhà báo-chiến sĩ”

Có mặt trong buổi gặp mặt, Đại tá Trịnh Hồng Anh, Chính trị viên Viện Tên lửa (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự), con trai đồng chí Lê Liêm rất xúc động: “Bản thân tôi và gia đình không được biết nhiều về các hoạt động của cha mình. Về sau tìm hiểu, tôi rất tự hào vì ông đã từng là Tổng biên tập đầu tiên của Báo QĐND giai đoạn 1950-1953. Đặc biệt là trong cuộc gặp hôm nay, được nghe các nhà báo lão thành kể lại công việc cha tôi đã làm tại Điện Biên Phủ, tôi rất xúc động và tự hào. Xin được thay mặt gia đình cảm ơn Báo QĐND đã tổ chức cuộc gặp nhiều ý nghĩa này. Cuộc gặp đã giúp tôi hiểu hơn những tháng ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chiến đấu của cha tôi. Ngay sau cuộc gặp này, tôi sẽ mang ngay cuốn sách viết về Tòa soạn Tiền phương để kể với người thân câu chuyện mà các chú Phú Bằng, Khắc Tiếp, Lê Kim… đã kể về cha tôi hôm nay. Chắc chắn, thế hệ con cháu chúng tôi sẽ noi gương các cụ, để không hổ danh là con em chiến sĩ Điện Biên.

Nhà báo lão thành Nguyễn Thế Trường lại gửi gắm thế hệ trẻ một thông điệp khác. Ông kể, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách Trung đội trưởng pháo cao xạ. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, chiến đấu liên tục với máy bay và phi pháo địch, lúc đó, giữa những trận đánh, các ông được đọc Báo QĐND, cùng nhau thảo luận cách noi gương chiến đấu của dũng sĩ Hoàng Văn Nô, Tô Vĩnh Diện… Ông không dưới 10 lần bị bom na-pan, bom tọa độ đánh xuống, đến ngày kết thúc chiến dịch vẫn không hiểu vì sao mình còn sống. Ý chí ấy chỉ có được khi bộ đội được làm công tác tư tưởng kỹ lưỡng, mà những tin tức chân thực, nóng hổi trên báo chính là nguồn cổ vũ, động viên có sức mạnh lạ kỳ. Vì vậy, với các phóng viên Báo QĐND hôm nay, ông mong nhà báo nào cũng được trải nghiệm thực tế, từ thực tế để viết bài. Có như thế, bài báo mới có tính chiến đấu.

Cũng trong buổi gặp gỡ, các đại biểu đã xem phim tài liệu về Tòa soạn Tiền phương ở chiến trường Điện Biên Phủ do nhóm phóng viên Báo QĐND Điện tử tổ chức thực hiện. Bộ phim đã tái hiện không khí làm báo sôi động giữa chiến trường lửa đạn, cùng ý kiến đánh giá của nhiều học giả, nhà báo lão thành về tờ báo đặc biệt. Nhà báo Hữu Thọ đánh giá, việc xuất bản Báo QĐND tại mặt trận là một sự kiện lịch sử độc đáo của báo chí Việt Nam. Tính chân thực của 33 số báo để lại nhiều bài học sâu sắc, nhiều dấu ấn đặc biệt trong trận quyết chiến, chiến lược của dân tộc.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Trường.

Phát biểu kết luận buổi gặp gỡ, Trung tướng Lê Phúc Nguyên xúc động cho rằng: Càng đọc, càng nghe, càng tìm hiểu về 33 số báo xuất bản tại mặt trận, chúng ta càng thấy hạnh phúc, tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Có rất nhiều vấn đề đặt ra, nhất là tại sao thế hệ chống Pháp làm báo trong hầm, trong mưa bom, bão đạn mà vẫn hay, vẫn chân thực và sinh động? Đó là tài sản quý báu cho các thế hệ nhà báo lớp sau, đồng thời cũng là nguồn động lực thôi thúc lớp trẻ hôm nay không ngừng vươn lên làm báo tốt hơn, hay hơn, đáp ứng kỳ vọng của bạn đọc. Cùng với toàn quân, Báo QĐND đang ra sức đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Ở đây, việc phát huy truyền thống của Tòa soạn Tiền phương chính là nội dung, yêu cầu đối với các nhà báo-chiến sĩ hôm nay. Báo đang đứng trước cơ hội phát triển mới cùng với việc thực hiện Đề án Hiện đại hóa hệ thống báo chí quân đội. Tuy nhiên, dù các ấn phẩm và hệ thống phương tiện tác nghiệp hiện đại đến đâu thì tinh thần lăn xả vào thực tiễn, ý thức kỷ luật, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân… nói gọn lại là “tinh thần nhà báo-chiến sĩ Điện Biên Phủ” vẫn là nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của Tòa soạn hôm nay và mai sau.

HỒNG HẢI