QĐND Online - Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2014), cán bộ, nhân viên Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đang nỗ lực chạy đua với thời gian, để Triển lãm "Bộ đội pháo cao xạ Điện Biên quyết chiến quyết thắng" được khai mạc đúng theo kế hoạch...

Chiều 17-4, khi chúng tôi có mặt tại Bảo tàng PK-KQ, cũng là lúc Đại tá Nguyễn Hữu Đạc, Giám đốc Bảo tàng, đang tất bật cùng cán bộ, nhân viên chuẩn bị các nội dung cho triển lãm. Hết đôn đốc nhóm mỹ thuật lắp đặt đai trưng bày, anh lại cùng nhóm nội dung lựa chọn hiện vật, rồi chăm chú kiểm tra tiến độ công việc của bộ phận làm đề cương chi tiết ảnh và hiện vật...

"Triển lãm lần này có nhiều nét mới so với các đợt triển lãm trước đây. Đáng chú ý nhất là sự đổi mới trong cách trưng bày hiện vật. Nếu những lần trước, việc trưng bày chưa thực sự thể hiện sự "mạch lạc" về mặt nội dung, thì lần này việc trưng bày hiện vật sẽ thể hiện được thông tin theo 3 cấp độ", Đại tá Nguyễn Hữu Đạc chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Hữu Đạc (bên trái), hướng dẫn nhân viên trưng bày hiện vật cho Triển lãm "Bộ đội pháo cao xạ Điện Biên quyết chiến quyết thắng".

Theo lý giải của anh, 3 cấp độ trưng bày nói trên sẽ cung cấp thông tin cho khách tham quan "từ xa đến gần". Đó là trưng bày theo hướng từ tổng quát đến trưng bày chi tiết hơn, và tiếp đó là thông tin cụ thể về hiện vật khối và hình ảnh.

Triển lãm "Bộ đội pháo cao xạ Điện Biên quyết chiến quyết thắng" sẽ được khai mạc ngày 28-4 và kéo dài đến ngày 30-5. Triển lãm có 6 phần: Thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 37mm đầu tiên của QĐND Việt Nam; Âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội với bộ đội cao xạ Điện Biên; Pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; Thế giới ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ; Phát huy truyền thống Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ đội PK-KQ quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại triển lãm lần này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực hết sức mình của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ. Họ đã khắc phục những khó khăn từ sự eo hẹp về kinh phí, từ nguồn nhân lực có hạn và khó khăn hơn cả là công tác sưu tầm hiện vật theo ý tưởng triển lãm...để có được một triển lãm thiết thực và ý nghĩa.

Trước đây, do biên chế có hạn, nên mỗi năm Ban sưu tầm của Bảo tàng PK-KQ cố gắng đến mức tối đa cũng chỉ sưu tầm được khoảng 350 hiện vật. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở lại đây, với Chương trình Bảo tồn nhân chứng PK-KQ, mỗi năm Bảo tàng sưu tầm được hàng ngàn hiện vật, và phần lớn trong số đó được nhân dân cả nước, mà phần lớn là các cựu chiến binh, tự nguyện mang đến Bảo tàng hiến tặng.

Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Lương xúc động chia sẻ thông tin xoay quanh cuốn sách  “Những ký ức thời gian”.

Cầm cuốn sách “Những ký ức thời gian” trên nay, Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Lương, Trưởng Ban Sưu tầm của Bảo tàng, xúc động kể lại: "Cuốn sách được con gái và con rể của một cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ mang tới tặng Bảo tàng sáng nay, cùng một số tư liệu, hiện  vật khác".

Đây là cuốn sách của cựu chiến binh, Đại tá Trần Quốc Chân, nguyên là cán bộ trung đội pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng là chỉ huy trực tiếp của Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện - người hy sinh thân mình cứu pháo trong chiến dịch này. Cuốn sách được xuất bản đầu năm 2014. Đại tá Trần Quốc Chân đã hẹn mang đến tặng Bảo tàng cuốn sách đầy ắp thông tin về cuộc sống, chiến đấu của chiến sĩ cao xạ trong những ngày máu lửa Điện Biên, song ông chưa thực hiện được vì ốm nặng. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã về cõi vĩnh hằng cách đây hơn một tuần. Trước khi mất, ông còn dặn đi dặn lại con cháu là phải mang cuốn sách này đến tặng Bảo tàng PK-KQ. Thực hiện ý nguyện của ông, sáng nay, cô con gái ông - chị Trần Thị Hương, đã mang cuốn sách đến trao tận tay chị Nguyễn Thị Thanh Lương.

Trong đợt sưu tầm hiện vật chuẩn bị cho triển lãm lần này, Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cũng đã tặng Bảo tàng PK-KQ một số hiện vật như: Tăng, thìa, dĩa; Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không, tặng mảnh dù…

Vừa cùng đội ngũ nhân viên của Bảo tàng sắp đặt những hiện vật đầu tiên vào khu vực trưng bày của Triển lãm "Bộ đội pháo cao xạ Điện Biên quyết chiến quyết thắng", Đại tá Nguyễn Hữu Đạc vừa chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng, thông qua triển lãm lần này, khách đến tham quan sẽ được cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác về Chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, về những chiến công trên mặt trận đối không của bộ đội cao xạ trong Chiến dịch này nói riêng”.

Du khách nước ngoài tham quan các hình ảnh, tư liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lật dở những dòng lịch sử phản ánh chiến công của Bộ đội Cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi hiểu hơn những đóng góp của lực lượng này. Thực hiện Chỉ thị của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày mồng 4 Tết Giáp Ngọ, tức 6-2-1954: “Ngay từ lần xuất trận đầu tiên này, các đồng chí phải làm cho quân địch khiếp sợ trọng pháo và cao xạ pháo Việt Nam ta”, bộ đội cao xạ đã bắn rơi 52, trên tổng số 62 máy bay địch; bắn bị thương 153 chiếc khác của Pháp và can thiệp Mỹ trong cả Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo ra bất ngờ lớn đối với quân địch, góp phần to lớn làm nên Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Trao đổi thêm với các cán bộ của Bảo tàng PK-KQ, chúng tôi được biết, mặc dù còn gần nửa tháng nữa mới đến ngày mở cửa triển lãm, song Bảo tàng đã nhận được khá nhiều lời đề nghị phục vụ khách tham quan của các cơ quan, đơn vị, mà đối tượng tham quan chủ yếu là học sinh, sinh viên. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng là một dẫn chứng sinh động về sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ, là khi chúng tôi sắp rời Bảo tàng PK-KQ, cũng là lúc bác Vũ Xuân Xiển, 72 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, đồng thời là Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Dân lập Đông Đô, đến sưu tầm thông tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời nhờ Đại tá Nguyễn Hữu Đạc cung cấp địa chỉ của một chiến sĩ cao xạ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, để ông mời cựu chiến binh này đến trường, nói chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ với sinh viên của nhà trường, theo nguyện vọng của các em.

Trời về chiều, Hà Nội lại lâm thâm mưa như vài ngày trước, khiến trời như tối nhanh hơn. Vậy nhưng, trên tầng 2 của Bảo tàng PK-KQ, nơi triển lãm sẽ diễn ra, từ Giám đốc Bảo tàng cho đến cán cán bộ, nhân viên vẫn cần mẫn làm việc. Ai cũng phấn đấu hết sức mình để góp phần làm nên một triển lãm thành công, và đó cũng là sự tri ân của các anh, các chị đối với lớp cha anh đã làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta cách đây 60 năm, trên vùng đất Điện Biên lịch sử...

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ