QĐND - Những ngày cuối tháng 4, thành phố Điện Biên Phủ nắng như thiêu, như đốt. Các khối đi diễu binh, diễu hành trong Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luyện tập sôi nổi ở nhiều điểm trong thành phố. Cường độ luyện tập cao, lại trong thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội.
Chúng tôi đến Bệnh xá 40 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên), ở tổ 6, phường Thanh Trường, TP Điện Biên, nơi được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến cấp 2 với quy mô 100 giường phục vụ Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại phòng họp, Ban giám đốc Bệnh viện cùng với đại diện lãnh đạo Cục Quân y và các cơ quan chức năng tiến hành rút kinh nghiệm trong ngày. Thượng tá Nguyễn Lâm Bình, bác sĩ, Tiến sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện 108), Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến, dẫn chúng tôi đi tham quan các phòng khám bệnh; gây mê, hồi sức cấp cứu, phòng mổ; khoa nội, khoa ngoại, mắt, tai, mũi, họng… Anh Bình cho biết: Bệnh viện tổ chức các tổ quân y thường trực tại các vị trí đã được phân công, thành lập 2 đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Bệnh viện còn tổ chức phòng hội chẩn, hỗ trợ điều trị qua mạng với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện 108 cho bệnh nhân nặng trước khi vào phòng mổ.
 |
Bác sĩ Khoa Nội Bệnh viện dã chiến tại TP Điện Biên Phủ thăm khám cho bệnh nhân của khối nữ dân quân TP Hồ Chí Minh. |
Ngay từ ngày 21-4, “liên quân" các bệnh viện có mặt tại thành phố Điện Biên Phủ triển khai ngay các phòng khám chuyên môn. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến còn huy động 3 nhà bạt làm phòng khám đề phòng số lượng bệnh nhân đông. Bệnh viện luôn túc trực 4 xe cấp cứu và 4 xe 16 chỗ ngồi phục vụ các bệnh nhân và nhân viên làm việc.
Tại Khoa Nội, chúng tôi gặp 2 bệnh nhân Chung Thị Cẩm Hồng và Phạm Thị Hồng Nhung, thuộc khối diễu binh dân quân TP Hồ Chí Minh bị thủy đậu và say nắng, say nóng do cường độ tập luyện cao trong những ngày nắng nóng. Hồng Nhung tâm sự: “Từ TP Hồ Chí Minh ra Điện Biên tham gia diễu binh trong ngày lễ trọng đại này là niềm vinh dự của bản thân em và gia đình. Lúc bị say nắng, ngất xỉu, em được chuyển ngay đến Bệnh viện dã chiến. Các y, bác sĩ ở đây quan tâm, chăm sóc em tận tình như người nhà nên em rất xúc động. Em chỉ mong sớm bình phục để quay lại huấn luyện phục vụ buổi lễ…”.
Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Cục Quân y tổ chức một bệnh viện dã chiến cấp 2 quy mô nhất từ trước đến nay. Nhiều y, bác sĩ có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, cùng với trang thiết bị y tế được huy động từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các bệnh viện: 103, 6, 109… Theo kế hoạch, các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có sự tham gia của khoảng 15.000 người. Vì vậy, thành lập bệnh viện dã chiến để góp phần chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân tốt nhất, bảo đảm kịp thời ứng cứu các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Lâm Bình cho biết thêm: Trước đây, các đội phẫu thuật cơ bản được thành lập trên cơ sở điều động các bác sĩ ở bệnh viện khác, nhưng chỉ dừng lại ở hình thức diễn tập. Còn trong đợt này, đội ngũ y sĩ, bác sĩ hành quân trên quãng đường hơn 500km cùng phương tiện, trang thiết bị đồng bộ, tham gia thực hiện nhiệm vụ với tinh thần ra trận của chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa. Sau 10 ngày triển khai, Bệnh viện dã chiến đã khám bệnh, cấp thuốc điều trị cho 172 bệnh nhân; cấp cứu, thu dung điều trị 22 bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang tham gia huấn luyện và công tác phục vụ Lễ kỷ niệm.
Bài và ảnh: PHAN ANH – TRUNG KIÊN