QĐND - Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL thành lập Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Đồng chí Trần Đăng Ninh được bổ nhiệm làm chủ nhiệm. Ngay sau khi được thành lập, Tổng cục Cung cấp đã bắt tay vào thực hiện công tác bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khó khăn lớn nhất của ta chính là công tác tiếp tế, bảo đảm hậu cần vì chiến trường ở xa hậu phương chiến lược từ 500-600km. Địa hình vùng Tây Bắc, nhất là khu vực Điên Biên có rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển cơ giới bị hư hỏng nặng, thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, cơ sở vật chất, trang bị còn nhiều thiếu thốn… Hơn nữa, để mở chiến dịch ta phải huy động lực lượng bộ đội, dân công, thanh niên xung phong rất lớn. Tại hỏa tuyến, lúc cao nhất lên tới 87.130 người gồm 53.830 quân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và 33.300 dân công, thanh niên xung phong làm công tác phục vụ… Ngay thực dân Pháp cũng cho rằng, ta không đủ sức đánh lớn ở Điện Biên Phủ và nếu có đánh tốt cũng bị thất bại vì không thể giải quyết được vấn đề bảo đảm, cung cấp kịp thời về hậu cần chiến dịch.
 |
Ngựa thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu.
|
Với phương châm “Tất cả cho mặt trận, tất cả cho chiến thắng”, Bộ Chính trị quyết định: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này’. Quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng, tư tưởng quân sự, hậu cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành hậu cần quyết tâm chỉ đạo, triển khai và thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Do đó dù khó khăn đến đâu, bộ đội và nhân dân cũng nguyện đem hết tinh thần, sức lực, của cải, vật chất để bảo đảm cho bộ đội đánh địch ở Điện Biên Phủ.
Thực hiện chủ trương đó, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Thanh Hóa, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng về Liên khu 3, để trực tiếp chỉ đạo các địa phương huy động sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.
Bộ máy hậu cần chiến dịch (tức Tổng cục Cung cấp tiền phương) được thành lập, hơn 300 cán bộ, trong đó có 35 cán bộ cao cấp và trung cấp được tăng cường cho bộ máy hậu cần chiến dịch. Các đồng chí cục trưởng thuộc Tổng cục Cung cấp đều lên đường phục vụ chiến dịch. Cùng với ngành hậu cần, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong và nhiều phương tiện vật chất của các ngành, nhân dân các vùng miền, các địa phương được huy động, chi viện cho Điện Biên Phủ.
Để giảm bớt khó khăn cho tuyến chiến dịch, tuyến hậu phương vươn ra xa phía trước, lên tới Sơn La. Tuyến hậu cần từ Sơn La lên tới Điện Biên Phủ còn khoảng 150km được chia làm 3 tuyến để thống nhất chỉ huy các lực lượng hậu cần trên từng khu vực: Tuyến Sơn La - Tuần Giáo, tuyến Tuần Giáo - Km62 đường vào Điện Biên Phủ và tuyến của hậu cần hỏa tuyến. Ngoài 3 tuyến hậu cần còn có 2 tuyến vận tải bổ trợ: Tuyến Mường Luân - Nà Sang (ở phía Nam) và tuyến đường sông Nậm Hu, đoạn từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu và tiếp chuyển bằng xe đạp thồ về Mường Phồn, Bản Tấu (ở phía Bắc). Sau hơn một tháng tích cực chuẩn bị, lực lượng của ta đã hình thành thế bao vây Điện Biên Phủ. Hậu cần đã triển khai xong các phân đội bảo đảm, đủ lượng dự trữ vật chất hậu cần thiết yếu để phục vụ cho các đơn vị thực hành chiến dịch. Không kể huy động, bảo đảm trên tuyến chiến dịch, hậu cần đã bảo đảm cho chiến dịch được 20.125 tấn vật chất các loại. Trong đó, số gạo tiêu thụ là 14.950 tấn, gấp 9 lần Chiến dịch Biên Giới (1950). Riêng đạn và xăng dầu là những loại vật chất kỹ thuật chủ yếu đã lên tới 3000 tấn, chiếm 14,2% tổng số vật chất cho chiến dịch. Ngoài các mặt công tác bảo đảm quân nhu, quân y… đều có bước tiến bộ mới, rất quan trọng, trở thành hệ thống bảo đảm thống nhất.
Trong công tác vận tải, với khối lượng lớn, cung đường vận chuyển dài nên đã sử dụng vận tải cơ giới là chủ yếu, đồng thời huy động mọi phương tiện, phương thức vận tải thô sơ, sức người như xe đạp thồ của dân công các tỉnh vận chuyển, dùng xe trâu, xe bò, xe quệt, xe cút kít, gùi thồ… của đồng bào nhân dân các địa phương tham gia vận chuyển cho kháng chiến. Trên tuyến hậu cần chiến dịch đã sử dụng 628 xe vận tải, có lúc sử dụng thêm 94 xe kéo pháo của pháo binh, nâng tổng số xe tham gia vận tải gấp nhiều lần các chiến dịch trước. Về bảo đảm quân y, với 55 tấn hàng đã cứu chữa 10.130 thương binh, trong đó riêng Mặt trận Điện Biên Phủ là 8.500, chiếm tỷ lệ 15,7% quân số chiến đấu, một tỷ lệ cao nhất so với các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bộ đội quân y đã khắc phục mọi khó khăn về lực lượng, trang bị, dụng cụ y tế, phương tiện vận chuyển thương binh, thuốc men; đã tự nghiên cứu sản xuất các loại thuốc, dụng cụ y tế để cứu chữa thương binh, kể cả chiến lợi phẩm thu được của địch để phục vụ kịp thời cho cứu chữa thương binh, bệnh binh. Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, bộ đội quân y đã đào hầm, làm hầm mổ cho thương binh, làm các trạm phẫu thuật để cấp cứu, cứu chữa kịp thời cho thương binh ở các hướng, các tuyến, các trận địa đưa về.
Hội đồng Cung cấp mặt trận các Liên khu và tỉnh đã huy động 25.056 tấn gạo và gần 1.824 tấn thực phẩm. Về lực lượng phương tiện vận tải, 261.453 lượt người tính thành 12 triệu ngày công, với 756 xe thô sơ khác (xe bò, xe trâu, xe ngựa thồ), cùng 1.800 mảng nứa, 3.130 thuyền gỗ để vận chuyển. Với đông đảo dân công nam nữ ngày đêm trèo đèo lội suối, mặc gió mưa, rét mướt, mặc máy bay địch oanh tạc đánh phá, mặc bom chờ nổ, quyết chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc, với 20.991 xe đạp thồ phục vụ chiến dịch, kỷ lục thồ tăng từ 160kg lên đến 250kg, cao nhất đến 325kg để vận chuyển bảo đảm đầy đủ kịp thời vật chất hậu cần cho chiến dịch giành thắng lợi.
Việc cung cấp tiếp tế cho lực lượng lớn tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương trong thời gian dài đã được khắc phục. Nhân dân và bộ đội ta đã lập một kỳ tích ngoài sự tính toán của địch về công tác tiếp tế bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và chính địch cũng bị thất bại trước sự bảo đảm đầy đủ kịp thời về công tác hậu cần để bộ đội ta quyết chiến quyết thắng.
Có thể nói, về mặt nghệ thuật quân sự, bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có bước tiến vượt bậc, xây dựng được cơ sở vững chắc về tổ chức. Trong các chiến dịch trước, hậu cần đã hình thành sự phân tuyến bảo đảm giữa cấp chiến lược với cấp chiến dịch song việc huy động nhân lực, vật chất ở hậu phương phục vụ cho chiến dịch vẫn do hậu cần chiến dịch tự đảm nhiệm. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc phân tuyến giữa hậu cần chiến lược với hậu cần chiến dịch đã được xác lập một cách rõ ràng và có sự điều chỉnh phù hợp trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Những kết quả đạt được của công tác bảo đảm hậu cần là một trong những nhân tố quyết định cho quân đội ta chiến đấu và giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tá, TS ĐÀO HẢI TRIỀU