QĐND - Một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói vui tại Sở chỉ huy Mường Phăng, được nhà báo Trần Cư, phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày ấy ghi lại. Đại tướng nói: “Ở đây không chỉ có Võ Nguyên Giáp là tướng mà còn có một ông tướng nữa. Đó là tướng gạo, tướng hậu cần”. Đại tướng đánh giá rất cao vai trò của công tác hậu cần trong chiến dịch, với 3 lực lượng chủ yếu: Quân nhu, quân y, vận tải.

 

Bắn trâu của dân rồi “ghi sổ”          

 

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nguyên Tùy viên Quân sự Việt Nam tại Liên bang Nga, từng là Đại đội trưởng Đại đội 56, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đã có mặt và đánh đồi C1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh giá công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là “quá tuyệt vời”. Theo ông, “trong điều kiện của chúng ta lúc đó khó khăn, gian khổ, thiếu thốn vô cùng mà việc bảo đảm từ đường giao thông, vận tải đến lương thực, sinh hoạt, chăm sóc thương binh… đều được nỗ lực thực hiện hết sức hiệu quả. Chúng ta đã có một chiến dịch trong lòng chiến dịch”.  Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc nhớ lại: “Ngày ấy, đại đội của tôi có gần 200 người, tại mặt trận mỗi cán bộ, chiến sĩ được cấp 8 lạng gạo một ngày, chúng tôi thường cho vào ruột tượng để đeo theo khi hành quân. Thực phẩm chủ yếu là muối, thi thoảng có thêm mắm khô hoặc cá khô là quý lắm. Lực lượng dân công tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược khi đó rất lớn nhưng họ chỉ chuyển tới một điểm tập kết nhất định cách trận địa chừng 10km, sau đó chúng tôi lại cho anh em ra lấy. Cũng có vài lần dân công tham gia chuyển đạn cho chúng tôi để mang vào mặt trận. Sự có mặt của họ là vô cùng quan trọng đối với chiến dịch. Ngoài ra, chúng tôi vẫn cho bộ đội lên các bản của người Mông đổi muối hay mua rau xanh của đồng bào về cho bếp nấu ăn”. Giai đoạn địch cho máy bay ném bom, trâu bò chết nhiều quá hoặc chạy vào rừng, được sự đồng ý của nhân dân, Bộ Tư lệnh cho phép các đơn vị linh động bắn trâu, bò chạy rông để cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, cũng yêu cầu các đơn vị bắn ngày nào, bao nhiêu con đều phải ghi sổ lại, sau này hòa bình, Chính phủ sẽ đền trả cho dân. Tôi nhớ đại đội mình đã bắn khoảng 12 con trâu bò trong chiến dịch. Mặc dù rất gian khổ, ác liệt nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chỉ huy mặt trận đều quán triệt, phải ăn cơm nóng, uống nước đun sôi để nguội, ngủ mắc màn… Thậm chí, Đại tướng còn yêu cầu bộ phận đào hầm phải đào chiều dài đủ cho bộ đội ngủ có thể duỗi chân thoải mái để bảo đảm sức khỏe cho phương châm "Đánh chắc, tiến chắc". Đặc biệt, giữa chiến trường bom đạn nhưng hầu hết các thương binh đều được kịp thời chuyển về tuyến sau điều trị, tránh tổn thất và thiệt hại sinh lực cho bộ đội. Bây giờ nghĩ lại, mỗi khi ở bên chiến hào bom rơi đạn nổ, cầm được vắt cơm nóng hậu cần chuyển tới, chúng tôi ăn mà ấm lòng vô cùng vì công sức và cả hy sinh của anh em đồng đội”.

 

Thóc giống nuôi quân, ươm rau trên… vai chiến sĩ        

 

Ngay sau khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Tổng cục Cung cấp (TCCC-nay là Tổng cục Hậu cần - PV) đã quyết định tổ chức TCCC Tiền phương do một đồng chí Phó chủ nhiệm TCCC phụ trách. Tổ chức lực lượng hậu cần gồm 3 bộ phận quân nhu, quân y, vận tải phối hợp chặt chẽ với nhau, giải quyết rất tốt yêu cầu ăn uống và cứu chữa thương binh. Nhờ sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nên quân y đã bám sát các mũi chiến đấu, vận tải giúp vận chuyển thương binh kịp thời; giúp giảm tỷ lệ thương vong từ 4,41% trong Chiến dịch Hòa Bình xuống còn 1,7% trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Trong điều kiện nuôi dưỡng bộ đội rất khó khăn, ngành hậu cần các cấp đã đẩy mạnh khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ, chế biến các loại thực phẩm khô, ướp muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận. Hậu cần Đại đoàn 316 đưa 70 con bò từ Thanh Hóa lên, khai thác hàng nghìn hoa chuối rừng làm rau. Hậu cần Đại đoàn công pháo 351 cung cấp gần 100 tấn thịt ướp muối cho các đơn vị. Đại đoàn 312 tổ chức 100 xe thồ chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận. Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, 32 tấn cá; nhiều đơn vị tổ chức ngâm giá đỗ, cử các tổ tiếp phẩm vào các bản đồng bào Thái, Mông mua thực phẩm. Có khi nguồn hậu cần tại chỗ ở ngay trên… vai người chiến sĩ. Như ở Trung đoàn 88, có Đại đội 65K với kinh nghiệm “ngâm giá đỗ trên vai” nên suốt dọc đường hành quân từ Điện Biên Phủ về tới hậu phương, lúc nào bộ đội cũng được ăn giá đỗ.  Nhân dân Tây Bắc đã đóng góp một nửa số gạo thịt và 100% số rau xanh sản xuất được cho chiến dịch. Nhiều bản làng đã bỏ cả thóc giống đóng góp cho bộ đội.

 

Xe thồ thắng máy bay

 

Dự kiến nhu cầu vật chất quân nhu (VCQN) bảo đảm cho chiến dịch khoảng 9000 tấn. Trong đó, lương thực, thực phẩm chiếm hơn 85%, gồm: 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối và 465 tấn thực phẩm khô… Tuy nhiên, khi chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”, nhu cầu VCQN tăng lên so với kế hoạch ban đầu gần 20.000 tấn. Nhưng công tác hậu cần đã bảo đảm gạo, muối đủ 100% nhu cầu; thịt các loại đạt 73%; thực phẩm khô 58%; thực phẩm còn lại bảo đảm từ 80 đến 100%.      

 

Ngành hậu cần đã dốc toàn lực và huy động 261.451 lượt dân công (12 triệu ngày công) bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia (có 53.830 người trực tiếp chiến đấu); cứu chữa 8.458 thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, ngoài chăm sóc cho lực lượng của ta, quân y chiến dịch còn tổ chức cứu chữa cho 1.487 sĩ quan, binh lính địch bị thương; cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ, đối xử nhân đạo, khoan hồng với họ. Đồng thời bảo đảm 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác (gấp gần 3 lần dự kiến ban đầu). Nhân dân Tây Bắc vừa được giải phóng, dù rất nghèo, đời sống thiếu thốn, nhưng cũng đã đóng góp 7.311 tấn gạo, 389 tấn thịt, 800 tấn rau, 31.818 lượt dân công, 914 ngựa thồ, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn lớn nhất của chiến dịch là vấn đề cung cấp.

 

Tuy vận tải thô sơ và sức người chỉ chiếm 10% tổng khối lượng vận tải, nhưng rất có giá trị, đặc biệt ở hỏa tuyến, nơi ô tô không thể đến được. Tướng Na-va đã hết sức sai lầm khi cho rằng, "đội quân cu-li" (danh từ ngạo mạn chỉ dân công) mỗi người gánh 20kg lương thực lên Điện Biên thì tốn… 18kg đổ vào mồm, chỉ còn 2kg thì “đánh đấm gì”. Sau này, nhà báo Giuyn Roa, nguyên đại tá quân đội Pháp phải thừa nhận: “Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Na-va mà đó là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200-300kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni-lông trải ngay trên mặt đất. Tướng Na-va bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”.

 

Sau này trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hóm hỉnh nói rằng: “Ở Điện Biên, ngoài Tướng Giáp còn có một ông tướng nữa. Đó là tướng… gạo”. Trong chỉ đạo tác chiến, một trong những biểu đồ luôn được Đại tướng quan tâm hằng ngày chính là biểu đồ về gạo. Điều đó cho thấy, sự quan tâm của người chỉ huy cao nhất tới công tác hậu cần trong chiến dịch kỹ càng đến nhường nào.

 

Bài học cho hôm nay

 

60 năm nhìn lại, công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý về huy động sức mạnh hậu cần toàn dân. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “...Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.

 

Bài học về công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên giá trị, cần nghiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện mới. Ngày nay, thế và lực hậu cần của ta ngày càng được tăng cường với hậu cần khu vực phòng thủ là nền tảng, hậu cần quân đội là nòng cốt... tạo ra các khu vực hậu cần có khả năng độc lập bảo đảm tại chỗ vững chắc trên từng hướng chiến lược.

 

Bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới vẫn phải là cuộc chiến tranh nhân dân. Điều đó đặt ra những yêu cầu và thách thức mới, cần chủ động chuẩn bị mọi mặt, chú trọng tăng cường khả năng bảo đảm hậu cần độc lập, tại chỗ, khả năng cơ động... Do đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần, sẵn sàng chuyển hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, lấy hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng, hậu cần quân đội làm nòng cốt. Thực hiện gắn hậu cần với dân và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thu hút, huy động nguồn lực hậu cần của toàn dân; rà soát hoàn chỉnh kế hoạch động viên thời chiến, kế hoạch hậu cần bảo đảm cho các tình huống...

 

Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư có chiều sâu để xây dựng hậu cần tại chỗ, nhất là địa bàn chiến lược trọng điểm, xung yếu của Tổ quốc.

TRƯỜNG GIANG - NGUYÊN MINH