QĐND - Không lâu sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), huyện Định Hóa, Thái Nguyên được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm An toàn khu (ATK). Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 20-7-1947, Bác Hồ lên ATK, “Thủ đô gió ngàn” giữa lòng Việt Bắc. Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa phát huy truyền thống yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, hết lòng chăm lo bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ. Nhà nhà thi nhau nhường đất, ủng hộ vật liệu; người người chung tay, góp sức xây dựng các nhà máy, công binh xưởng, lán trại… phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên giành được chính quyền về tay cách mạng rất sớm (tháng 3-1945). Từ năm 1945 đến cuối năm 1953, Định Hóa vừa từng bước xây dựng cơ sở vật chất, củng cố chính quyền, vừa khẩn trương tổ chức, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đi đôi với chống giặc dốt và các hủ tục lạc hậu do chế độ phong kiến để lại; xây dựng, trang bị, huấn luyện các lực lượng an ninh, tự vệ để cùng với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương, tỉnh và huyện ở ATK.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với yêu cầu chi viện cho các chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa luôn thể hiện tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để đánh thắng”. Theo “Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 1954” của Huyện ủy Định Hóa, nhân dân các dân tộc trong huyện đã tiễn đưa hơn 300 người vào “Đoàn dân công hỏa tuyến” phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (không kể gần 6000 dân công phục vụ tại ATK để giữ vững sự lãnh đạo của các cơ quan Trung ương). Sau khi kết thúc chiến dịch, “Đoàn dân công hỏa tuyến Định Hóa” được Hội đồng cung cấp Trung ương tặng cờ danh dự và Huân chương Chiến công hạng ba; 112 cá nhân được bình chọn là “Chiến sĩ dân công gương mẫu”; ông Bùi Văn Thắng (xã Trung Hội) và ông Phạm Văn Bình (xã Bình Thành) được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba...
Quân và dân Định Hóa còn ủng hộ hàng trăm tấn gạo, hàng chục tấn thực phẩm…, được các phương tiện bè mảng, xe đạp, ngựa thồ… đưa thẳng ra mặt trận.
Do lập được nhiều chiến công xuất sắc cho kháng chiến, trong đó có những đóng góp kịp thời vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Định Hóa và 17 xã, thị trấn (toàn huyện có 24 xã và thị trấn) cùng 2 cá nhân của huyện được tuyên dương Đơn vị Anh hùng và Anh hùng LLVT nhân dân; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, dân quân, công an… được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Hàng chục “địa chỉ đỏ” và di tích lịch sử, cách mạng của huyện được xếp hạng di tích. Năm 2013, ATK Định Hóa được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt”.
NGUYỄN HỒNG KỲ