QĐND Online - Frank Snepp, một chuyên gia của CIA hoạt động tại Sài Gòn trước năm 1975, viết sách “Khoảng cách thời gian vừa phải” xuất bản ở New York đã nhận định rằng: “Trần Văn Danh là một trong bốn nhà tình báo quan trọng hàng đầu của Việt cộng”.

Về phần mình, Thiếu tướng tình báo Trần Văn Danh có lần tâm sự với báo chí: “Cuộc đời hoạt động của tôi nhìn chung không có gì đáng nói, tôi đi làm cách mạng như một lẽ tự nhiên của người dân yêu nước”.

Thiếu tướng Trần Văn Danh

Trần Văn Danh sinh năm 1923, trong một gia đình có hoàn cảnh éo le, mẹ là người Bến Tre, lên Hóc Môn (Sài Gòn) kiếm sống rồi làm lẽ cho cha ông. Khi khai sinh, ông lấy theo họ mẹ cũng vì lẽ ấy. Tuy không được ở cùng nhà với cha, nhưng cụ thân sinh của ông vẫn quan tâm đến con. Từ khi 12 tuổi, Trần Văn Danh đã được cha sai đi rải truyền đơn bí mật, kêu gọi ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7-1945, ông tham gia tổ chức bí mật Thanh niên Cứu quốc. Trong Cách mạng Tháng Tám-1945, ông tham gia giành chính quyền ở Hóc Môn. Một thời gian ngắn sau đó, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh, tái chiếm Nam Bộ. Trần Văn Danh liền đăng ký gia nhập Đội trinh sát Quân khu 7, chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Nhờ đó, ông nắm chắc địa bàn miền Đông, đặc biệt là thuộc lòng từng kênh rạch, con hẻm khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1949, ông được đề bạt làm Tham mưu phó kiêm Trưởng ban quân báo tỉnh Thủ-Biên.

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trần Văn Danh tập kết ra Bắc, được phong quân hàm thiếu tá và đi học văn hóa lẫn nghiệp vụ chuyên môn tình báo. Đến tháng 12-1960, ông được tổ chức giao nhiệm vụ trở về miền Nam chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Văn Linh gặp ông và thông báo, Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Quân sự Miền, do đồng chí Trần Văn Quang làm trưởng ban, ông được phân công làm trưởng ban tình báo chiến lược trực thuộc Ban Quân sự Miền, về sau được đề bạt làm Phó tham mưu trưởng Miền phụ trách công tác tình báo, đặc công, biệt động.

Lúc đó, lực lượng tình báo của ta bị tổn thất rất nặng. Chính quyền Ngô Đình Diệm với chính sách “tố cộng, diệt cộng” đã triệt phá, bắn giết và bỏ tù hàng loạt cán bộ tình báo. Vì vậy, Trần Văn Danh và các đồng chí của ông phải bắt tay xây dựng lại ngành tình báo. Nhiều cán bộ tình báo từ Trung ương được tăng cường. Lợi dụng địch mâu thuẫn nội bộ, phía ta đã giải thoát nhiều cán bộ tình báo đang bị tù đày, bố trí hoạt động trở lại. Từ đó, các điệp viên của ta lại len vào các cơ quan đầu não của địch như: Tòa Đại sứ Mỹ, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo… Sau khi được củng cố, ngành tình báo đã cung cấp những tin tức kịp thời phục vụ đắc lực cho việc chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Miền trong việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đầu năm 1973, đồng chí Trần Văn Danh được cử làm Phó trưởng Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên Trung ương vào Trại Đa-vít Tân Sơn Nhất thực thi Hiệp định Pa-ri. Đến Chiến dịch Phước Long, ông lại được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh chiếm núi Bà Đen ở Tây Ninh, một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là điểm chỉ đường cho B52 cùng các loại máy bay của địch. Lực lượng do ông chỉ huy còn thu hút hỏa lực của Lữ đoàn Biệt kích dù 81 của ngụy, kiềm chế Sư đoàn 25 bộ binh ngụy; ngăn chặn không cho địch yểm trợ Phước Long khi ta tiến công. Chiến dịch Phước Long là chiến dịch mà lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh, lại ở ngay gần Sài Gòn, qua đó thăm dò chiến lược khả năng của quân ngụy và giúp ta phát hiện rằng Mỹ không dám đưa can thiệp trở lại Việt Nam.

Đoàn tình báo 22 tháng 3 năm 1975, đơn vị thuộc quyền của Thiếu tướng Trần Văn Danh (ảnh chụp lại)

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Văn Danh được giao chỉ huy lực lượng vòng trong, bao gồm đặc công và biệt động, đi tiên phong chiếm giữ và bảo vệ an toàn mười sáu cây cầu, mở đường cho các cánh quân chủ lực xốc tới; đồng thời đánh chiếm nhiều cơ sở kho tàng như: Kho xăng, kho gạo, nhà máy điện, nước, khu vực lưu trữ hồ sơ của Đặc ủy Trung ương tình báo địch,… ngăn chặn sự phá hoại của địch trước khi chúng hoàn toàn thất thủ. Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, đồng chí Trần Văn Danh được giao nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản về an ninh và quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Sài Gòn. Sau đó, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Năng lượng, ông là người đề ra phương án xây dựng công trình thủy điện Trị An theo phương châm “Nhân dân-Nhà nước cùng làm”. Đây là công trình quan trọng, giúp thành phố khắc phục tình trạng thiếu điện trong quá trình công nghiệp hóa. Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1990.

Bài và ảnh: XUÂN HƯƠNG