QĐND - Ngày cuối tuần, tôi mang một số ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân đến tặng Trung tướng Vũ Ba, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ và được ông kể cho nghe câu chuyện thú vị diễn ra trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Theo lời kể của Trung tướng Vũ Ba, những ngày cuối tháng 4-1975, Sư đoàn 3-Sao Vàng (Quân khu 5) chiến đấu quyết liệt trên tuyến tử thủ Phan Rang của địch. Suốt hai ngày, đơn vị ông mới đánh xong vòng ngoài và chưa thể đánh dứt điểm được căn cứ địch ở thị xã Phan Rang, Sân bay Thành Sơn. Máy bay địch ở Sân bay Thành Sơn vẫn mang bom, đạn, rốc-két đi đánh phá khu vực Cam Ranh. Chúng đánh cả vào Sở chỉ huy cánh quân Duyên Hải; cấp trên đã khiển trách đơn vị ông.

Trung tướng Vũ Ba kể lại chuyện tổ nuôi quân bắt sống tướng ngụy.

Tình hình trở nên cấp bách, nên Sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê lệnh cho tôi (Phó tham mưu trưởng sư đoàn) và cán bộ tác chiến xuống đơn vị trực tiếp kiểm tra. Xuống đến nơi, đoàn kiểm tra phát hiện một tiểu đoàn pháo gồm 12 khẩu 105mm không nổ súng. Cán bộ đơn vị giải thích: Vì chưa có công sự, sợ địch phản pháo. Trước sự việc trên, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn họp quyết định điều chỉnh nhân sự, bổ nhiệm đồng chí Tiểu đoàn trưởng mới.

Mờ sáng ngày 16-4, các trận địa pháo của Sư đoàn 3-Sao Vàng bắn mãnh liệt vào thị xã Phan Rang. Đạn pháo nổ vang trời kết hợp với những đám cháy dữ dội, khói mù mịt phủ kín bầu trời thị xã. Pháo của ta vừa dứt thì lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2, gồm xe tăng và bộ binh bất ngờ ào tới, đánh thẳng vào dinh tỉnh trưởng. Quân địch run sợ tháo chạy tán loạn, tất cả các hướng tiến công của ta đồng loạt xung phong tiêu diệt địch. Đến 12 giờ trưa, Trung đoàn 12 làm chủ thị xã Phan Rang; Trung đoàn 25 chiếm Sân bay Thành Sơn; Trung đoàn 141 chiếm Ninh Chữ, còn Trung đoàn 2 giữ các tuyến vòng ngoài kết hợp với LLVT địa phương truy lùng tàn quân địch, tịch thu vũ khí, ổn định tình hình.

Đến 17 giờ, khi đang trực ở Sở chỉ huy Sư đoàn thì tôi nhận được điện của đồng chí Biền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12: “Báo cáo, Tổ anh nuôi Trung đoàn 12 đã bắt được tướng ngụy”.

Tôi hỏi lại:

- Bắt như thế nào? Ở đâu? Tên là gì?

Vẫn chất giọng khàn khàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 báo cáo: “Tổ anh nuôi có ba đồng chí, tới vườn mía thì thấy địch có 15 đến 20 tên mà phía ta thì ít quá. Đồng chí tổ trưởng liền nghĩ kế nghi binh lừa địch. Anh hô lớn: Trung đội 1 bên phải, Trung đội 2 bên trái, sẵn sàng xung phong, Trung đội 3 bắn. Thấy vậy, bọn địch hoảng hốt kêu lên: “Đừng bắn! Chúng em xin hàng”, rồi tất cả bỏ súng xuống đất, tay giơ cao, lốc nhốc kéo ra. Tên đi đầu xưng tên là Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi; tên thứ hai nói tiếp: Em là Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang.

Tôi liền quay sang hỏi quân báo sư đoàn, trong danh sách tướng ngụy có những cái tên đó không. Ngay lập tức, anh em báo cáo: “Có”. Đồng chí Sư đoàn trưởng lệnh cho Trung đoàn 12 áp giải chúng về Sở chỉ huy Sư đoàn, tiếp đó áp giải đưa về tiền phương Bộ.

Sáng hôm sau, ngày 17-4-1975, đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hòa đến thăm Sư đoàn bộ tại ấp An Quý, phía tây thị xã Phan Rang. Đồng chí Lê Trọng Tấn biểu dương Sư đoàn 3-Sao Vàng là đơn vị đầu tiên bắt sống tướng ngụy. Anh em rất phấn khởi trước sự động viên của thủ trưởng. Giải phóng xong Phan Rang, sư đoàn lại bước ngay vào cuộc chiến đấu mới.

Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG