QĐND - Trên hướng tiến công Duyên hải và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 đã sử dụng lực lượng tăng-thiết giáp (TTG) chở bộ binh, với đội hình binh chủng hợp thành, tiến công trong hành tiến đạt hiệu suất và hiệu quả chiến đấu cao. Đây là cách đánh sử dụng sức mạnh của các binh chủng hiệp đồng tác chiến trong hành tiến. Một cách đánh hiện đại, đó là tiến công vượt điểm, trong đó lấy tốc độ của cơ giới, sức đột kích và hỏa lực của xe TTG là mũi nhọn tấn công. Chỉ huy lực lượng xe TTG là chỉ huy trận đánh thọc sâu, tuyến thọc sâu.

Xe tăng của Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2 đánh chiến Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Để có quyết định “chỉ huy lực lượng xe TTG chỉ huy trận đánh thọc sâu”, Bộ chỉ huy hướng Duyên hải đã cân nhắc rất nhiều. Đây là lần đầu tiên chỉ huy xe tăng trực tiếp chỉ huy trận đánh, là trung tâm hiệp đồng các lực lượng, điều mà từ trước đến tháng 4-1975 chưa có tiền lệ. 

Bối cảnh tác chiến chiến dịch năm 1975 đã khác trước rất nhiều, quy mô tác chiến ở các hướng chiến lược đã nâng lên tác chiến cấp binh đoàn. Điều kiện về binh khí kỹ thuật, sức đột kích, tính cơ động và hỏa lực mạnh lên vượt bậc. Hướng Quân đoàn 2 có cả lữ đoàn xe tăng hùng mạnh, với tổng số 81 xe (gồm 41 xe tăng, 34 thiết giáp và 1 xe cứu kéo). Ngoài ra, còn 17 xe tăng làm lực lượng dự bị chiến dịch. Tham gia trong đội hình tiến công hướng Duyên hải, ngoài các Sư đoàn Bộ binh 304, 325, còn có lực lượng của Lữ đoàn Pháo binh 164, Sư đoàn Phòng không 673,  Lữ đoàn Công binh 219 hành quân cơ giới.

Ngoài Quân đoàn 2, trên hướng tiến công Tây và Tây Nam, trong đội hình Binh đoàn 232, lực lượng TTG cũng có tới 81 xe (gồm 47 xe tăng, 33 thiết giáp và 1 xe cứu kéo). Mũi tiến công hướng Đông Bắc, trong đội hình Quân đoàn 4 có 3 tiểu đoàn TTG với tổng số 69 xe (gồm 61 xe tăng, 7 xe thiết giáp và 1 xe cứu kéo). Nhưng các hướng đó không lấy chỉ huy xe tăng là chỉ huy lực lượng mũi nhọn, có lý do khác.

Trở lại với hướng Duyên hải, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cho rằng, với sức mạnh có trong tay, không thể đánh theo bài bản cũ, kiểu “trung đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công địch trong phòng ngự” hoặc trong mũi thọc sâu, hành tiến… Với Quân đoàn 2, chỉ cách đó chưa lâu, cuối tháng 3-1975, dưới hỏa lực của pháo ta bắn phá phía trước, một đại đội của Tiểu đoàn 4 xe tăng đi đầu đội hình tiến công, xe tăng tiến rất nhanh, đuổi địch chạy tán loạn trên đèo Hải Vân, chớp nhoáng vượt đèo, đánh chiếm cầu Thủy Tứ, lính công binh của quân địch tháo chạy không kịp gài mìn phá cầu. Trận chọc thủng phòng tuyến Phan Rang, phân đội xe tăng đi trước của binh đoàn đã đột kích mạnh, cùng bộ binh, phòng không giành thắng lợi lớn. Tốc độ tiến công đạt mức kỷ lục 70km/ngày, từ quận lỵ Du Long đến mũi Cà Ná sạch bóng lính Việt Nam Cộng hòa. Trước sức tấn công quá mạnh của Quân Giải phóng, tuyến chặn Phan Rang nhanh chóng tan rã sau vài giờ chiến đấu. Cũng phải nói đến sự nỗ lực rất cao của công tác bảo đảm kỹ thuật xe pháo, xe tăng, cùng với rất nhiều giải pháp để tăng tốc độ tiến công, nên cả đoàn quân chỉ trong ít ngày đã vượt qua 900km đường hành tiến với nhiều cầu yếu, đến điểm tập kết trước giờ bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh 63 giờ.

Tổ chức lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tháng 4-1975 từ khu vực Rừng Lá gồm Lữ đoàn Xe tăng 203, Trung đoàn Bộ binh 66 và một bộ phận pháo binh, công binh, phòng không, đã nhanh chóng vượt lên trước. Kế hoạch dự trù tấn công trên mặt trận bề ngang khoảng 80km, chiều sâu hàng trăm ki-lô-mét. Cách đánh lưu ý bỏ qua các ổ đề kháng, căn cứ không cần thiết. Tại trận đánh Trường Thiết giáp và Căn cứ Nước Trong (Đồng Nai) của địch, lúc đầu với số ít xe tăng và hỏa lực chưa đủ đột phá, ta phải tổ chức lại. Ngay sau đó, người chỉ huy đã quyết định sử dụng tập trung sức đột phá bằng xe tăng mạnh hơn, cùng bộ binh tiến công dứt điểm, làm chủ trận địa. Nếu như cách đánh xé lẻ xe tăng, “tăng cường” kiểu cũ thì chính tại đây, sự “nhùng nhằng” sẽ giam chân mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2.

Dẫn đầu đội hình là phân đội xe tăng trinh sát chiến đấu và các Tiểu đoàn 1, 4, 5 cùng Lữ đoàn 203. Một phần bộ đội của Trung đoàn 66 và chiến sĩ công binh hộ tống xe tăng ngồi trên xe. Tiếp theo là Tiểu đoàn Bộ binh 7 (Trung đoàn 66), Đại đội Pháo binh 85mm, tiểu đoàn cao xạ, đơn vị công binh và các bộ phận thọc sâu. Tiếp sau đội hình thọc sâu là Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) làm lực lượng dự bị mạnh. Pháo 85mm và phòng không 37mm cơ động trong đội hình, sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu mặt đất và trên không. Lữ đoàn Pháo binh 164 đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho đội hình thọc sâu. Số xe của lực lượng thọc sâu tới 400 chiếc.

Với lực lượng mạnh, sức đột kích cơ động lớn như vậy nên vào ngày 30-4-1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 bắt liên lạc được với Đoàn Đặc công 116 giữ cầu Đồng Nai, đột phá vào nội đô, sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè đã thẳng tiến tới Dinh Độc Lập với sức mạnh không gì cản nổi. Do vậy, Quân đoàn 2 đã vào được Dinh Độc Lập sớm nhất. Sự thành công của Quân đoàn 2 là một bước phát triển mới của nghệ thuật sử dụng xe tăng trong chiến đấu ở Việt Nam.  

TRẦN DANH BẢNG