QĐND - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng tại chỗ bao gồm bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tự vệ, công an và cán bộ, quần chúng nhân dân giữ vai trò rất quan trọng. Hoạt động của lực lượng tại chỗ đã góp phần khắc phục khó khăn, hạn chế về khả năng cơ động của ta; trinh sát, chỉ đường, hướng dẫn để lực lượng chủ lực tiến công, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu, nhanh chóng làm tan rã quân địch. LLVT tại chỗ cùng quần chúng nhân dân nổi dậy làm chủ địa phương.

Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, đánh giá: LLVT tại chỗ là lực lượng tạo thế, giữ thế và cùng lực lượng chủ lực tiến công tiêu diệt địch, đánh chiếm, chiếm giữ mục tiêu, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đấu tranh chính trị, binh địch vận. Trong Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, đêm 24-3-1975, các cánh quân của ta mới đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố, nhưng đêm 23-3-1975, UBND Cách mạng lâm thời thành phố Huế đã phát truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy giải phóng quê hương. Ở Đà Nẵng, đến 15 giờ ngày 29-3-1975, các cánh quân của ta mới hợp điểm tại bán đảo Sơn Trà, nhưng 11 giờ ngày 29-3-1975, quần chúng và tự vệ vũ trang đã nổi dậy làm chủ tất cả các khu phố, chiếm lĩnh và bảo vệ bến cảng, nhà máy điện, nhà máy nước cùng các mục tiêu quan trọng khác. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với việc hình thành 5 cánh quân của bộ đội chủ lực, LLVT nội thành Sài Gòn đã hình thành những cánh quân đánh chiếm các khu vực ở quận 3, quận 4, quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình... Lực lượng tại chỗ ở nội đô còn bao gồm học sinh, sinh viên, trí thức, do LLVT ở nội thành làm nòng cốt.

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng tại chỗ là một trong những bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị. Bài học này cần được tiếp tục nghiên cứu phát triển và sáng tạo vào việc xây dựng khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới. 

 

HƯƠNG THU