QĐND - 40 năm trước, Ran-đi Xmit (Randy Smith) là một trong số những lính thủy đánh bộ Mỹ cuối cùng rời khỏi tòa nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Khi ấy, anh ta với cấp bậc trung sĩ, là người lính được giao nhiệm vụ gấp lá cờ Mỹ lại trước khi rời khỏi Việt Nam, nơi cuộc chiến tranh đã kết thúc vào ngày 30-4-1975…

Một cảm giác bất an lơ lửng ở đâu đó

Cũng như nhiều binh lính Mỹ khác từng tham chiến ở Việt Nam, cuộc chiến tranh ở nơi cách nước Mỹ hàng vạn cây số này đã không thôi ám ảnh tâm trí Ran-đi Xmit, cho dù 4 thập kỷ đã trôi qua.

Nhưng không như nhiều binh lính Mỹ khác, hồi ức của Ran-đi Xmit về cuộc chiến tranh Việt Nam không có những đêm căng thẳng trong cánh rừng rậm nhiệt đới, những trận phục kích đẫm máu hay các trận bom hủy diệt của B-52 nhằm vào đối phương. Cho đến nay, in đậm trong tâm trí người cựu lính thủy đánh bộ Mỹ này là gương mặt cầu xin xen lẫn thất vọng của những người Việt bị bỏ lại trong sân tòa nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, là bầu không khí hỗn loạn ở “thủ đô” của Việt Nam Cộng hòa, đồng minh thân cận của nước Mỹ, trong cuộc tháo chạy cuối cùng ngày 30-4 nhiều năm trước.

Ran-đi Xmit thời kỳ trong đơn vị lính thủy đánh bộ canh gác sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Ran-đi Xmit nằm trong số 41 lính thủy đánh bộ Mỹ cuối cùng rời khỏi tòa nhà sứ quán Mỹ ở miền Nam Việt Nam ngày hôm ấy, trong khi các cánh quân của đối phương ào ạt tràn vào nội đô Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Sinh trưởng ở Beavercreek, bang Ohio, năm 17 tuổi, Ran-đi Xmit hối thúc cha mẹ cho mình đăng ký gia nhập binh chủng thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1973. Cha mẹ của Ran-đi Xmit miễn cưỡng đồng ý. Ran-đi Xmit tự mô tả mình khi ấy “là một chàng trai Mỹ một trăm phần trăm, giống như một cái bánh táo vậy!”. Anh ta xin gia nhập binh chủng thủy quân lục chiến Mỹ với mong muốn giúp đất nước chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mà ở thời điểm ấy, hầu như đã kết thúc với thất bại của nước Mỹ. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, đơn vị quân Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29-5-1973.

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh rồi sau đó được đào tạo thêm các khóa bổ sung nâng cao về kỹ năng dành cho lính thủy quân lục chiến, Ran-đi Xmit được lựa chọn một trong ba vị trí công tác, một ở Liên Xô, một ở Trung Quốc và một ở Việt Nam. Anh ta chọn Việt Nam. Ngày 19-4-1974, Ran-đi Xmit được điều động tới Sài Gòn, biên chế trong đơn vị lính thủy đánh bộ bảo vệ khu nhà sứ quán Mỹ ở đây. Anh ta sẽ ở đó trong vòng một năm trời.

Khi không phải thực hiện nhiệm vụ canh gác ở sứ quán, Ran-đi Xmit có thể đi tắm biển ở thành phố Vũng Tàu cách Sài Gòn chừng 100 cây số, chơi môn thể thao bóng mềm với các đồng ngũ trong đơn vị thủy quân lục chiến hoặc đi dạo, ngắm quang cảnh Sài Gòn. Tuy nhiên, cuộc sống nhàn tản đó không thể che giấu được cái bầu không khí bất an cứ lơ lửng đâu đó. Trội lên tất cả là cảm giác về một sự kết thúc định mệnh đang đến gần, không thể nào cưỡng lại nổi.

“Bạn có thể cảm thấy điều đó rất rõ - Ran-đi Xmit nói-Bạn biết rằng mọi việc không suôn sẻ như cái vẻ bề ngoài của nó”. 

“Giáng sinh Trắng”

Khi những trận tấn công đầu tiên của Quân Giải phóng nhằm vào các cứ điểm của Quân đội Sài Gòn nổ ra vào đầu tháng 3-1975 thì theo Ran-đi Xmit, đại đa số những người Mỹ như anh ta đều nghĩ rằng chính quyền cũng như Quân đội Sài Gòn có thể đứng vững chí ít là trong thời gian một năm. Nhưng đến cuối tháng 3, khi Huế rồi đến Đà Nẵng, những thành phố có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, lần lượt rơi vào tay đối phương thì những suy nghĩ đó nhanh chóng thay đổi.

Rồi đến ngày 20-4, Xuân Lộc, tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân đội Sài Gòn, cách thành phố chỉ chừng 40 cây số, cũng bị rơi vào tay đối phương thì bầu không khí hoảng loạn bắt đầu xuất hiện. 

Tình hình chiến sự tiếp tục xấu đi đối với Quân đội Sài Gòn và tâm trạng căng thẳng tiếp tục tăng lên trong số các nhân viên sứ quán, lính thủy đánh bộ và những người Việt muốn rời Sài Gòn.

Rạng sáng 29-4, trên kênh sóng đài phát thanh của Quân đội Mỹ phát đi ca khúc “Giáng sinh Trắng” do danh ca Bing Crô-xbi (Bing Crosby) thể hiện. Giọng ca trầm bất hủ của nước Mỹ đã thể hiện ca khúc này trong suốt hơn ba thập kỷ tính đến thời điểm đó và việc đài Quân đội Hoa Kỳ phát một ca khúc kinh điển cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều bất bình thường chính là khi ấy mới đang là mùa xuân, còn lâu mới tới dịp lễ Giáng sinh. Ran-đi Xmit hiểu rõ tại sao. “Đấy là mật lệnh báo hiệu phải bắt đầu chiến dịch di tản người Mỹ và những người Việt cộng tác với Mỹ ra khỏi Sài Gòn” - Ran-đi Xmit nói.

Những người cuối cùng của cuộc chiến

Lính thủy quân lục chiến Mỹ được lệnh chặt hạ những cây cổ thụ trong khuôn viên Sứ quán Mỹ để lấy chỗ cho máy bay trực thăng đáp xuống thực hiện công việc di tản. Khi nhìn thấy những cây cổ thụ bị đốn, những nhân viên người Việt hiểu ngay ra vấn đề. Hàng nghìn người đã vây quanh khu nhà sứ quán, hy vọng chen được vào bên trong để có một chỗ trên máy bay rời khỏi Sài Gòn.

Chiến dịch di tản được bắt đầu từ 3 rưỡi sáng 29-4. “Thời gian cứ trôi trong khi trực thăng hết chiếc này đến chiếc khác đáp xuống, nhận người rồi bốc lên rời đi” - Ran-đi Xmit nhớ lại.

12 tiếng trước đó, Ran-đi Xmit cùng với một lính thủy đánh bộ khác được lệnh hạ lá cờ Mỹ trong sứ quán xuống, gấp lại rồi chuyển cho đại sứ Mỹ. Nhiệm vụ sau cùng của Ran-đi Xmit bấy giờ là đếm số người được phép vào bên trong khu sứ quán để lên các máy bay trực thăng di tản. Có hai loại máy bay thực hiện công việc này, loại to chở được 50 người, loại nhỏ 35 người.

Ran-đi Xmit đứng gác ở cổng và đếm số người được phép lọt vào bên trong khu khuôn viên tòa nhà sứ quán. Những người này bị một nhóm chừng 200 lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp tục chặn lại. Những lính thủy đánh bộ này mới được điều từ các tàu chiến của Hạm đội 7 đang đậu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam vào Sài Gòn để hỗ trợ cho chiến dịch di tản.

“Tôi nghe thấy rất nhiều lời đề nghị đút lót của những người đang chen chúc phía bên ngoài để cho họ vào, nhưng cương quyết không thiên vị một ai cả” - Ran-đi Xmit nói.

Sau 28 giờ đồng hồ, có lệnh chấm dứt chiến dịch di tản. Các binh lính thủy quân lục chiến Mỹ gác ở vòng ngoài từ từ lui vào bên trong khu nhà sứ quán, rút lên sân thượng rồi lên trực thăng bay đi. Những người ở bên ngoài sứ quán bắt đầu phá cổng, tràn vào bên trong rồi theo cầu thang lên sân thượng. Ở đầu cầu thang, chỗ cánh cửa dẫn lên sân thượng, họ bị một viên hạ sĩ thủy quân lục chiến với khẩu súng tự động M-16 chặn lại.

Tổng cộng có chừng 420 người đã bị bỏ lại trong khu nhà sứ quán Mỹ khi ấy.

Ran-đi Xmit cùng với nhóm thủy quân lục chiến canh gác sứ quán ở lại trên sân thượng, không biết điều gì sẽ chờ đón mình ở phía trước. Sau vài giờ đồng hồ, khi mặt trời bắt đầu lên, những chiếc trực thăng không thấy bay tới nữa. Viên chỉ huy đơn vị của Ran-đi Xmit, thiếu tá Kim Kin (Kim Kean) bèn gọi điện ra Hạm đội 7, hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Hóa ra chỉ huy Hạm đội 7 cho rằng tất cả lính thủy quân lục chiến đã rời đi cùng với Đại sứ Mỹ Gra-ham Mác-tin (Graham Martin) nên không cho trực thăng bay vào nữa! Ngay lập tức, họ điều thêm máy bay vào để đón Ran-đi Xmit cùng các đồng ngũ trong đơn vị của anh ta. “Tiếng cánh quạt của chiếc trực thăng lúc đó có lẽ là âm thanh ngọt ngào nhất mà tôi từng nghe trong đời” - Ran-đi Xmit thổ lộ. 

Khi Ran-đi Xmit cùng những binh lính trong đơn vị của anh ta trèo lên trực thăng và bay về phía biển, những đơn vị đầu tiên của Quân Giải phóng đã bắt đầu tiến vào thành phố vào sáng 30-4-1975. Ngày cuối cùng của Ran-đi Xmit ở Sài Gòn đã không thể trọn vẹn, nhưng anh ta vẫn lấy làm mừng vì cuối cùng thì cũng thoát ra an toàn.

Anh ta còn có thêm một điều an ủi nữa: Là một trong những lính Mỹ cuối cùng chứng kiến cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc như thế nào.

VĂN YÊN (theo Trib Total Media)