QĐND - Đầu năm 1965, tình hình cách mạng miền Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Cuộc "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy ngày càng bị khủng hoảng và thất bại nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách cố tạo ra một “sức mạnh” để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chúng ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam, đồng thời mở rộng hoạt động ném bom đánh phá miền Bắc.

Lính Mỹ tại Quy Nhơn ngày 13-9-1965. Ảnh tư liệu/Theo Vietnamnet.

Sau khi đã đưa một đại đội máy bay F-105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa “Hốc” vào Đà Nẵng, ngày 8-3-1965, Mỹ cho đổ 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ Ô-ki-na-oa vào Đà Nẵng, mở đầu cho việc đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam. Ngày 1-4-1965, Giôn-xơn quyết định tăng thêm từ 18-20 nghìn quân yểm trợ Mỹ, đồng thời đổ thêm 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ vào miền Nam. Đến ngày 17-7-1965, Giôn-xơn tiếp tục thông báo đưa thêm 44 tiểu đoàn lính Mỹ vào Nam Việt Nam và chấp nhận kế hoạch “tìm diệt” của Oét-mo-len. Sau này, khi công bố tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận việc đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam là “vượt qua ngưỡng cửa bước vào cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á”. Tính đến cuối tháng 9-1965, quân Mỹ và chư hầu ở miền Nam Việt Nam đã lên tới 20 vạn tên, cùng với 7 vạn lính hải quân, không quân Mỹ trong các căn cứ tại Gu-am, Phi-líp-pin, Thái Lan, Hạm đội 7 cũng trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam.  

Tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ" và đẩy lên mức cao nhất, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ đè bẹp được ta để giành phần thắng. Nhưng diễn biến trên chiến trường hoàn toàn trái ngược với những gì Mỹ mong muốn.

Trên chiến trường miền Nam lúc này, ta đã bắt đầu thành lập các sư đoàn chủ lực. Ở Nam Bộ có Sư đoàn 9 (đủ 3 trung đoàn); Quân khu 5 có Sư đoàn 3 (3 trung đoàn) và Sư đoàn 2 (có 2 trung đoàn và 1 tiểu đoàn). Việc thành lập các sư đoàn chủ lực trên chiến trường đã đánh dấu một bước phát triển mới của bộ đội chủ lực. Các sư đoàn kết hợp với các trung đoàn chủ lực và các căn cứ, chiến khu đã tạo thành thế liên hoàn trên chiến trường, sẵn sàng chờ đón quân viễn chinh Mỹ.

Bắt đầu cho sự chờ đón này là trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở Vạn Tường (Quảng Ngãi). Ngày 18-8-1965, hơn 9000 lính thủy đánh bộ Mỹ và ngụy từ Chu Lai (Quảng Nam), cùng 11 tàu đổ bộ và tàu chiến đấu, 100 máy bay lên thẳng, 105 xe tăng, xe bọc thép… mở cuộc hành quân “Ánh sáng sao” vào thôn Vạn Tường (Bình Sơn, Quảng Ngãi) hòng tìm diệt một đơn vị chủ lực của ta để tạo thanh thế cho quân viễn chinh Mỹ và mở rộng vùng an toàn cho căn cứ Chu Lai.

Đứng chân tại Vạn Tường, ta có một trung đoàn đang huấn luyện, củng cố lực lượng. Trước đó mấy ngày, ta đã nhận ra sự thăm dò và ý định tiến công Vạn Tường của địch nên quyết tâm trụ lại tại chỗ đánh địch càn quét. Sau một ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt 919 tên địch, bắn cháy 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn hạ 13 máy bay, buộc địch phải lui quân. Trận Vạn Tường là trận đầu tiên quân viễn chinh Mỹ trực tiếp chiến đấu quy mô lớn trên chiến trường miền Nam Việt Nam và đã chịu tổn thất nặng nề.

Tiếp theo chiến thắng Vạn Tường, ta giành tiếp chiến thắng trong Chiến dịch Plei-me (Gia Lai), chiến thắng Đất Cuốc (Đồng Nai), chiến thắng Bầu Bàng-Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một, nay là Bình Dương), tiêu diệt hàng nghìn lính Mỹ, đặc biệt là trong trận Bầu Bàng, ta đã diệt gọn hai tiểu đoàn bộ binh Mỹ.  

TRẦN KIM HÀ