QĐND - Sau khi hạ quyết tâm chọn nam Tây Nguyên mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Đảng ủy, Bộ tư lệnh đã tập trung, nhanh chóng lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội, khẩn trương hoàn thành tốt mọi công tác chuẩn bị. Tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong chiến dịch dựa trên cơ sở xây dựng chính trị, tư tưởng và tổ chức của bộ đội Tây Nguyên trong nhiều năm, nhất là kết quả học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, làm cho bộ đội giữ vững quyết tâm chiến đấu và tư tưởng tiến công.
CTĐ, CTCT đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của chiến dịch, thực hiện tích cực mọi chủ trương công tác của Đảng ủy, Bộ tư lệnh mặt trận, tiến hành có chiều sâu cả công tác tư tưởng, công tác tổ chức đối với mọi lực lượng, trong đó công tác tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, động viên bộ đội dũng cảm, mưu trí, kiên cường, quyết chiến quyết thắng được đặt lên hàng đầu.
Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu; đến ngày 3-4 đã kết thúc thắng lợi. Nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và tập trung thống nhất từ cấp chiến dịch đến các phân đội; không có sự nỗ lực của công tác tư tưởng và công tác tổ chức tạo nên ý chí thống nhất, đoàn kết, hiệp đồng lập công tập thể, thì trước sự kháng cự quyết liệt của địch ở Buôn Ma Thuột và ngay cả khi chúng đã rút chạy ồ ạt khỏi Tây Nguyên, ta cũng khó giành được thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn như vậy.
 |
Quân giải phóng tiến vào bến đò Thủ Thiêm (Sài Gòn) ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
|
Quá trình tổ chức, chỉ đạo tác chiến chiến dịch, từ Đảng ủy, Bộ tư lệnh đến cơ quan và các cấp đã nắm vững và thực hành đúng ý định, tập trung ưu thế lực lượng đánh chắc thắng, thắng nhanh, thắng gọn. Ưu thế về chính trị, tinh thần, thế trận, địa hình, cách đánh, nghệ thuật quân sự... được các cấp lãnh đạo, chỉ huy phát huy cao độ, trong đó sự lãnh đạo của Đảng và công tác tổ chức, chỉ huy luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ, tạo động lực chính trị, tinh thần vô địch của bộ đội ta.
CTĐ, CTCT trong các chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng tiến hành trong điều kiện tác chiến rất khẩn trương. Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch được Trung ương quyết định thành lập, chưa kịp hình thành về tổ chức, chưa trực tiếp lãnh đạo, điều hành các đơn vị tham chiến, mà do Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh nắm và chỉ đạo trực tiếp với từng hướng, từng quân khu, quân đoàn. Nhưng do nền nếp CTĐ, CTCT được tiến hành thường xuyên, chú trọng làm tốt; các quân khu, quân đoàn và các đơn vị tham gia chiến dịch quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh tác chiến của cấp trên, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể, tích cực và liên tục đối với bộ đội cấp mình trước, trong và sau chiến đấu, chiến dịch nên đã giải quyết tốt nhận thức tư tưởng cho bộ đội. Hoạt động CTĐ, CTCT trực tiếp xây dựng, củng cố và nâng cao ý chí, quyết tâm chiến đấu vững chắc, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác nghiêm minh cho cán bộ, chiến sĩ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu tác chiến chiến dịch.
CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ những thuận lợi do chiến thắng to lớn, liên tiếp của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng; đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề lớn về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong 30 năm chiến tranh. Do yêu cầu chính trị, quân sự trong thời cơ chiến lược đòi hỏi, ta phải chớp thời gian, nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, do đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo hằng ngày; cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch nắm chắc, đôn đốc, kiểm tra tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch chấp hành mệnh lệnh, chuẩn bị chiến đấu và tác chiến chiến dịch với phương châm “thần tốc, táo bạo, chắc thắng”, tiến công liên tục và nổi dậy mạnh mẽ, đồng loạt cho đến khi giành được toàn thắng.
CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo đó, tập trung giáo dục, động viên bộ đội trên chiến trường, tranh thủ từng giờ, từng phút, cơ động lực lượng nhanh nhất theo yêu cầu chung là đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, thời gian là lực lượng, mục tiêu công kích chủ yếu là Sài Gòn, vừa đi vừa chuẩn bị mọi mặt, không được chần chừ chậm chạp, bỏ lỡ thời cơ. Thấu suốt tinh thần đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị từ cấp chiến dịch đến cấp phân đội, nòng cốt là sự lãnh đạo của các chi bộ và vai trò đầu tàu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vừa chiến đấu dũng cảm, vừa chăm lo giáo dục, động viên xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu vững chắc, kiên cường cho quần chúng, chiến sĩ. Công tác tư tưởng trong chiến dịch đã tập trung vào chống tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ trong hành quân thần tốc, ngại ác liệt, hy sinh trước giờ chiến thắng, được kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức nên đã phát huy cao độ sức mạnh, nhanh chóng đè bẹp mọi sự kháng cự của địch, giành thắng lợi cuối cùng.
NGUYỄN THÀNH HỮU